Cảm thương trước tình cảnh nhiều đứa trẻ là con công nhân trong xóm lao động nghèo không được đến trường, một số bạn trẻ và những người tâm huyết đã tự nguyện đem con chữ đến với các em.
- Lớp học tình thương
Nằm trong khu phố 5, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM, xóm chủ yếu là dân tứ xứ đổ về làm công nhân cho KCX Tân Thuận và công nhân bốc vác của Cảng Bến Nghé. Những đứa trẻ vốn quen với cảnh ngày ngày đi phụ bán hàng, bán vé số hoặc ở nhà trông em thì nay lại có thêm niềm vui mới là khám phá những con chữ còn dang dở hoặc chưa hề biết đến ở “lớp học tình thương khu phố 5”.
Khai giảng vào ngày 26-3, lớp học đơn sơ với vài bộ bàn ghế cũ, chiếc bảng nhỏ và một giá sách giáo khoa cũ nhưng đều đặn 18 - 20 giờ các ngày thứ hai, tư và sáu hàng tuần, cả xóm lại vang lên tiếng đánh vần của gần 30 em nhỏ. Suốt 6 tháng qua, những con chữ đã len lỏi vào bộ nhớ của tụi trẻ, nhiều đứa trẻ lớn ngồng cũng đã biết viết được tên mình.
Ở tuổi 13, Ngọc Quyên lần đầu biết viết tên mình, lần đầu biết đánh vần những dòng chữ trên tấm vé số em đi bán hàng ngày. Em chia sẻ: “Biết đọc thích lắm, tự em biết được những chỗ cấm người bán hàng rong, không cần phải để người ta đuổi”. Đôi khi ước mơ của các em thật giản dị, không phải biết chữ để trở thành bác sĩ, kỹ sư, cô giáo… mà đơn giản chỉ là để không bị đuổi ra những nơi cấm hàng rong hay vé số, chỉ để “biết chữ rồi, sang năm ba mẹ sẽ cho em đi học lớp 1” hay “em sẽ viết thư cho bạn Hằng ở quê” như lời một số em bộc bạch.
Dù đã học hết lớp 3 nhưng Kim Thị Mỹ Lan (11 tuổi) rất hào hứng tham gia lớp học ngay từ buổi học vỡ lòng. Từ quê Sóc Trăng theo ba mẹ lên thành phố làm công nhân Công ty Dasin (KCX Tân Thuận) cũng là lúc em dừng bước đến trường. Sau 3 năm bỏ quên con chữ, nay có lớp tình thương, Lan cùng cậu em trai 6 tuổi chăm chỉ tới lớp mỗi ngày.
Mới biết qua mặt chữ khi được đi học lớp 1 ở quê Đồng Tháp, Huỳnh Thanh Nhã (9 tuổi) lại được cầm viết sau 3 năm nghỉ học. Nhìn em tập trung nắn nót từng chữ cái, chăm chú dõi theo những nét viết của các anh chị trên bục giảng khiến ai cũng động lòng vì sự ham học của em. Hàng ngày em tới lớp với quần xanh và áo sơ mi trắng như muôn vàn học sinh tung tăng tới trường mà mỗi sáng em vẫn nhìn thấy. “Mặc như vậy mới giống đi học”, em bẽn lẽn trả lời.
- Những người gieo con chữ
Thấy những đứa trẻ hàng ngày lăn lộn kiếm tiền phụ ba mẹ hoặc lêu lổng không học hành nên Đoàn Thanh niên khu phố 5 kết hợp với một số chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé và nhóm bạn trẻ Trường ĐH Luật TPHCM đề xuất mở lớp học tình thương dạy chữ cho các em. Được sự ủng hộ của lãnh đạo và người dân khu phố 5, “lớp học tình thương khu phố 5” hình thành.
Bạn Lê Thanh Nguyên Thảo, Phó Bí thư Chi đoàn khu phố 5, cho biết: “Những đứa trẻ ở đây tội nghiệp lắm, ban ngày đi bán hàng, nấu cơm, trông em… công việc như người lớn nhưng không biết chữ. Ba mẹ nhiều em cũng không biết chữ nên việc học hành của con không được họ quan tâm”. Nhiều phụ huynh còn biện minh cho việc không cho con trẻ tới trường rằng “có phải cứ ai đi học cũng giàu có sung sướng”. Vì vậy mà không ít lần các đoàn viên khu phố 5 lại phải tới từng nhà vận động phụ huynh cho con tới lớp học.
Cũng từng có thời gian hơn 1 năm ngồi trên ghế của lớp học tình thương, Lê Thị Mỹ Hoàng (18 tuổi) trở lại dạy chữ cho những đứa em chung số phận. Lần đầu biết đọc bảng chữ cái là khi em 14 tuổi, Mỹ Hoàng hiểu được sự thiệt thòi của những đứa trẻ không biết chữ nên dù bận rộn với việc phụ bán tại quán cơm từ sáng sớm đến tối muộn, nhưng thời gian được nghỉ duy nhất là 17 - 19 giờ em lại vội vàng về với lớp học để phụ các anh chị rèn chữ cho các em. “Thấy các em được học chữ em vui lắm vì hoàn cảnh trước kia của em cũng giống như các em bây giờ”, Mỹ Hoàng chia sẻ.
Là người trực tiếp quản lý lớp học và giảng dạy cho các em, anh Vũ Trường Tính, Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé được các học sinh và bà con trong khu phố gọi vui là “chú hiệu trưởng nhiệt tình”. Sự nhiệt tình của người lính và những bạn trẻ đã thổi con chữ đi sâu vào tiềm thức của những đứa trẻ vốn bị đẩy khỏi môi trường học hành.
Cô Thu, trưởng khu phố 5, cho biết sẽ tổ chức lớp học quy củ hơn, ngoài việc hỗ trợ tất cả tập, viết, sách giáo khoa thì lớp còn tổ chức thi cử, trao học bổng để các em có động lực phấn đấu. Các thầy cô sẽ chấm điểm và phân loại thành tích học tập để chuyển qua ngành giáo dục xin cấp giấy chứng nhận phổ cập tiểu học cho các em đủ điều kiện, đồng thời sẽ phát triển lớp học lên bậc cao hơn.
THU HƯỜNG