Những nghi án ở Trung Đông

Những nghi án ở Trung Đông

Nhiều vụ án diễn ra tại vùng Trung Đông mà Mossad bị nghi là thủ phạm nhưng đến nay, tổ chức này vẫn im lặng trước những lời buộc tội từ nhiều phía. Và những vụ án nổi đình nổi đám một thời ấy đến nay vẫn chỉ là nghi án.

1. Nữ điệp viên của Mossad cũng đóng vai trò quan trọng trong các điệp vụ ám sát mà đình đám nhất là vụ thanh toán Ali Hassan Salameh, được coi là người đã lên kế hoạch ám sát và bắt cóc các vận động viên Israel tại Munich, Đức năm 1972. Ali Hassan Salameh sinh năm 1940, là chỉ huy hành động của nhóm khủng bố Tháng 9 Đen (Black September) của Palestine.

Những nghi án ở Trung Đông ảnh 1

Điệp viên Erika Mary Chambers mang mật danh Penelope.

Theo điều tra của Mossad, Salameh có quan hệ bí mật với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và được CIA đảm bảo sinh mạng để đổi lại việc Salameh phải bảo vệ an toàn cho các công dân Mỹ sinh sống và làm việc tại thủ đô Beirut, Syria. Biết rằng việc trừ khử Salameh sẽ đụng chạm đến CIA nhưng Thủ tướng Israel lúc đó là Menachem Begin vẫn kiên quyết ra lệnh cho Mossad phải thanh toán Salameh, với bất cứ giá nào.

Tuy nhiên Salameh liên tục gặp may vì các “bóng hồng” Mossad thất bại trong việc ám sát. Lần đầu tiên là vào tháng 7-1973 tại thành phố Lillehammer của Na Uy. Một nhóm điệp viên của Mossad đã phát hiện ra Salameh và theo dõi anh ta trong suốt 2 tuần. Nhưng đến ngày hôm sau, phía Israel mới biết là họ đã lầm. Người bị bắn chết chỉ là một bồi bàn bình thường có tên Akhmad Buchiku.

Thất bại của chiến dịch này đã khiến Mossad phải trả giá đắt: một loạt điệp viên Mossad bị bắt và tống giam. Cảnh sát châu Âu cũng phát hiện và phá tan một phần đáng kể mạng lưới tình báo của Mossad tại Pháp và nhiều nước khác.

Nỗ lực thứ hai nhằm thanh toán Salameh được tổ chức vào ngày 12-1-1975. Mossad nhận được tin là Salam và Abu Daud, một thủ lĩnh của tổ chức Tháng 9 Đen sẽ tham gia vào cuộc họp tại một nhà thờ ở thành phố nhỏ Glarus của Thụy Sĩ. Cuộc tấn công được tiến hành nhanh gọn nhưng chỉ tiêu diệt được 3 người Palestine không rõ danh tính, còn Salameh và Abu Daud không có mặt trong nhà thờ!

Nữ điệp viên Erika Mary Chambers mang mật danh Penelope của Mossad được giao nhiệm vụ lần theo dấu vết của Salameh. Tháng 7-1978, khi Mossad lần ra được dấu vết của Salameh tại thủ đô Beirut của Lebanon, Penelope, lúc đó đang thi hành nhiệm vụ tại Tunisia, được lệnh quay về lại Israel để tham gia phần cuối của điệp vụ Wrath of God.

Sau khi nhận được thông tin liên quan đến sinh hoạt cũng như địa điểm trú ngụ của Salameh tại Beirut, Penelope sử dụng một hộ chiếu giả của Anh đến thủ đô Beirut dưới vỏ bọc nhân viên của một tổ chức cứu trợ nhân đạo của Anh dành cho trẻ em Palestine tị nạn tại Lebanon để theo dõi và cuối cùng chính tay Penelope đã kích hoạt quả bom sát hại Salameh.

Trước đó, để chủ động theo dõi mọi động tĩnh của Salameh, Penelope thuê một căn hộ ở tầng 8 của khu chung cư Anis Assaf đối diện với căn hộ sang trọng của Salameh nằm trên đường Beka. Salameh sống ở căn hộ này với cô vợ người Lebanon tên Georgina Rikt là cựu Hoa hậu Hoàn vũ năm 1971. Chỉ sau một thời gian ngắn, Penelope đã nắm bắt được nhiều thói quen của Salameh trong đó có việc hay đến thăm gia đình vợ tại khu Ghobairi sang trọng ở ngoại ô thủ đô Beirut vào mỗi chiều thứ bảy. Penelope thông báo cho Mossad quyết định hành động của mình.

Lúc 15 giờ 30 ngày 22-1-1979, đoàn xe gồm hai chiếc Chevrolet màu xám chở Salameh đến thăm gia đình vợ ở khu Ghobari (vợ y không đi cùng do bị bệnh) khi đi ngang qua một chiếc Volkswagen màu đỏ trên đường Verdun bỗng nổ tung bởi sức công phá của 100kg thuốc nổ cài đặt trong chiếc Volkswagen. Chính Penelope đã khai hỏa khối thuốc nổ bằng một thiết bị điều khiển từ căn hộ tầng 8 của mình. Vụ nổ đã khiến Salameh bị thương rất nặng và sau đó qua đời tại bệnh viện. 4 cận vệ của Salameh, 3 dân thường thiệt mạng trong vụ nổ, 18 người khác bị thương.

Đến năm 1984, vụ giết hại Salameh xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành một tai tiếng mới của Mossad khi công nhân vệ sinh tại thành phố Berlin, Đức tìm thấy một túi xách bên trong có 2 hộ chiếu Anh thải ra từ Lãnh sự quán Israel. Họ liền giao nộp số hộ chiếu ấy cho cảnh sát. Kiểm tra, cảnh sát phát hiện đó là những hộ chiếu giả trong đó có hộ chiếu mang tên Erika Mary Chambers, nhân viên cứu trợ nhân đạo người Anh, nên lập tức trao đổi sự việc với Sứ quán Anh tại Bonn. Từ đó bùng nổ vụ điệp viên Mossad sử dụng hộ chiếu Anh giả thâm nhập vào lãnh thổ Lebanon để truy sát Salameh vào năm 1979.

Sự kiện này đã gây căng thẳng quan hệ giữa Anh và Israel. Riêng Penelope bị luật pháp Anh truy nã về tội sử dụng hộ chiếu giả để hoạt động tình báo, luật pháp Lebanon truy nã Penelope về tội giết người và bị một số tổ chức vũ trang của người Arab truy sát. Để bảo vệ sinh mạng cho Penelope, Mossad đã tạo một lý lịch mới cho nữ điệp viên này và đưa bà đến sinh sống tại một nơi bí mật trên lãnh thổ Israel.

2. Meir Tobianski sinh ngày 20-5-1904 tại thành phố Gdansk của Ba Lan trong một gia đình người Do Thái. Năm 1910, cả gia đình Tobianski đến định cư tại Anh và sau đó được nhập quốc tịch Anh. Năm 1925, Tobianski gia nhập quân đội Anh và chẳng bao lâu sau được điều chuyển đến nhận nhiệm vụ trong lực lượng quân đội Anh đồn trú tại Jordanie. Khi cuộc chiến giữa các quốc gia Arab và Israel xảy ra vào tháng 5-1948, Tobianski đã là sĩ quan tình báo quân đội Israel hoạt động điệp báo tại thành phố Jerusalem và các khu vực lân cận. Khi Mossad được thành lập, Tobianski rời tình báo quân đội Israel chuyển sang làm việc cho Mossad và giữ chức vụ phụ trách hoạt động của Mossad tại khu vực Jerusalem. Tobianski thăng tiến rất nhanh, nhiều người dự báo rằng: Tobianski sẽ là chỉ huy Mossad trong tương lai.

Thủ lĩnh Tháng 9 Đen A.H.Salameh chết trong vụ đánh bom ám sát tại Beirut.
Thủ lĩnh Tháng 9 Đen A.H.Salameh chết trong vụ đánh bom ám sát tại Beirut.

Tuy nhiên, đến tháng 2-1955, hai nhân viên của Công ty Điện lực Jerusalem (JEC) do người Anh quản lý bị Cơ quan phản gián Israel bắt giữ đã khai rằng chính Tobianski đã tuyển dụng họ từ năm 1949. Không tin về những khai báo này, phản gián Israel bắt tiếp một nhân viên JEC tên Nathan Gorali nghi vấn làm nội gián cho MI-6 để xác minh thêm chứng cứ rằng có phải Tobianski là điệp viên hai mang của MI-6 hay không, nhưng không mang lại kết quả. Điều này khiến phản gián Israel do dự là có nên bắt giữ Tobianski để điều tra hay không? Phải đến tháng 8-1955, sau khi thống nhất với chỉ huy Mossad Isser Harel và được đích thân Thủ tướng David Ben Gurion bật đèn xanh, Mossad quyết định bắt giữ Tobianski sau khi bị triệu hồi trở về từ Jerusalem.

Theo báo cáo thẩm vấn của Mossad, Tobianski được MI-6 tuyển dụng vào năm 1938 khi đang phục vụ trong quân đội Anh đồn trú tại Trung Đông. Khi chiến tranh thế giới kết thúc, lấy lý do là người Do Thái nên Tobianski giải ngũ và xin phục vụ vô thời hạn trong lực lượng dân binh Haganah (tiền than của Quân đội Israel ngày nay), nhưng thực ra là để thi hành nhiệm vụ mà MI-6 giao cho.

Tobianski có nhiệm vụ phải luồn sâu vào nội bộ của quân đội Israel để thu thập thông tin quốc phòng, nhất là tiềm lực quân sự và những nguồn cung ứng vũ khí và khí tài cho quân đội Israel. Khi cuộc chiến tranh Arab-Israel xảy ra vào năm 1948, MI-6 đã cung cấp cho Tobianski một số thông tin về việc điều chuyển quân và cách bố phòng của quân đội các nước Arab để Tobianski lập công. Quả thật, nhờ lập được nhiều chiến công trong cuộc chiến Arab-Israel mà Tobianski thăng tiến rất nhanh. Năm 1949, theo yêu cầu của MI-6, Tobianski còn thành lập một đường dây điệp báo tại thành phố Jerusalem để thu thập các thông tin rồi chuyển giao cho Michael Bryant, Giám đốc Công ty Điện lực Jerusalem, người Anh, một điệp viên nằm vùng và là chỉ huy hoạt động của MI-6 tại khu vực Jerusalem.

Hoạt động nội gián của Tobianski bí mật và hiệu quả đến nỗi MI-6 hầu như nắm bắt được mọi diễn biến về các hoạt động quân sự và tình báo của Israel tại khu vực Jerusalem cho đến khi Tobianski bị bắt. Sau khi bắt giữ Tobianski, phản gián Israel đã bắt tiếp Michael Bryant về tội hoạt động tình báo nhưng sau đó đành phải trả tự do cho Bryant trước sức ép của Chính phủ Anh. Bryant bị trục xuất về lại Anh vào tháng 10-1955. Ngày 12-1-1956, một tòa án đặc biệt mở ra tại căn cứ quân sự Bayt Jiz ở ngoại ô thủ đô Tel Aviv đã tuyên phạt Tobianski tội tử hình vì làm điệp viên hai mang và phản bội tổ quốc. Ba nhân viên của Công ty Điện lực Jerusalem là David Gibbi, Avraham Kron và Nathan Gorali đều phải lãnh án tù chung thân. Đến ngày 6-3-1956, Tobianski đã bị hành quyết tại căn cứ Bayt Jiz.

40 năm sau khi xảy ra sự kiện trên Tobianski bị hành quyết. Sau đó, vợ và các con của Tobianski yêu cầu Tel Aviv phải làm sáng tỏ việc Tobianski có thực sự làm điệp viên hai mang không hay Tobianski chỉ là nạn nhân của một sự tranh giành quyền lực trong nội bộ Mossad. Bởi gia đình Tobianski cho rằng việc hành quyết Tobianski đã diễn ra một cách vội vàng, đặc biệt chỉ dựa vào kết luận điều tra của phản gián Israel mà không dựa vào những khai báo thật của Tobianski. Tuy nhiên yêu cầu của những người thân của Tobianski đã không được chính phủ của Thủ tướng Shimon Peres chấp thuận.

3. Dù đến nay Israel vẫn chưa nhận trách nhiệm về vụ đầu độc Tổng thống Palestine Yasser Arafat nhưng một quan chức Palestine (giấu tên) thân cận của ông Y.Arafat tiết lộ chính Mossad đã sử dụng một trong những thủ đoạn cổ điển nhất là đầu độc để sát hại Tổng thống Y.Arafat. Việc đầu độc Tổng thống Y.Arafat rất khó khăn vì ông luôn được bảo vệ suốt ngày đêm, các thực phẩm, thức uống luôn được đặt làm ở những cơ sở bí mật và thay đổi liên tục, nên các phương án như lại gần để tiêm, hạ độc vào thức ăn nước uống là điệp vụ bất khả thi. Tuy nhiên, Mossad lại nổi tiếng với hàng ngũ điệp viên được đào tạo thực hiện các nhiệm vụ bất khả thi như vậy.

Sau nhiều năm theo dõi và thu thập các thông tin về đời tư của ông Y.Arafat, họ phát hiện rằng ông thường ôm hôn những người đến gặp ông theo nghi thức ngoại giao đã trở thành thói quen. Và thế là kế hoạch ám sát Y.Arafat được hình thành. Trước hết phải tính đến lượng thuốc độc dù cực nhỏ sao cho các bác sĩ của ông Arafat không phát hiện được trong các kỳ khám sức khỏe định kỳ, nhưng khi chất độc phát tán thì… hết thuốc chữa. Thứ đến là cách thức hạ độc phải thật bất ngờ. Đến nay người ta cũng chưa biết rõ Mossad đã hạ độc như thế nào, có người suy đoán rằng họ đã dùng một thiết bị đặc dụng để bơm khí độc vào tai ông Arafat mỗi khi ông ôm phải một điệp viên trá hình của Mossad.

VIỆT ANH (Tổng hợp từ báo chí Trung Quốc, BBC)

Tin cùng chuyên mục