Những người tiên phong của kỷ nguyên toàn cầu hóa

Bài 1: Paul-Julius Reuter và hãng thông tấn xuyên lục địa
Những người tiên phong của kỷ nguyên toàn cầu hóa

Bài 1: Paul-Julius Reuter và hãng thông tấn xuyên lục địa

Được coi là người sáng lập ra nền thông tin kinh tế-tài chính, Paul-Julius Reuter đã đồng hành cùng với sự phát triển của kinh tế thế giới trong suốt những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19.

2.500 nhân viên, 150 nước

Những người tiên phong của kỷ nguyên toàn cầu hóa ảnh 1

Paul–Julius Reuter, người sáng lập hãng thông tấn Reuters

Một giai đoạn lịch sử đã khép lại với Reuters. Tháng 5 vừa qua, công ty truyền thông Canada Thomson đã “nuốt” đối thủ cạnh tranh của mình với số tiền 12,9 tỷ euro, trở thành người đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thông tin tài chính, chiếm 34% thị phần, trên cả Bloomberg (33%). Với cuộc mua bán này, Reuters cũng từ bỏ một trong những nguyên tắc căn bản nhất của mình được đặt ra vào năm 1984 khi hãng bước lên sàn chứng khoán London và Nasdaq: Không một cổ đông nào được sở hữu quá 15% tổng số vốn của hãng, nhằm đảm bảo tính độc lập của thông tin.

Với 2.500 nhà báo, biên tập viên, phóng viên ảnh và quay phim, có mặt tại 150 nước, Reuters là hãng thông tấn nổi tiếng thế giới. Người sáng lập ra hãng chính là ông Paul-Julius Reuter, người năm 1851 đã lấy việc truyền tin về thị trường chứng khoán giữa London (Anh) và Paris (Pháp) làm “đất dụng võ”. Tuy nhiên, thuở ban đầu, thông tin tài chính chưa phải là chức năng duy nhất của hãng.

Trong một bức thư gửi các nhân viên của mình năm 1883, Reuter yêu cầu “đánh điện trong thời gian ngắn nhất, chi tiết nhất có thể, về những vụ hỏa hoạn, vụ nổ, ngập lụt, tai nạn giao thông đường sắt, những vụ lộn xộn ở các thành phố, những vụ đấu súng, tự tử, giết người…”, nói chung là những chuyện có tính “giật gân”.

Ông tin rằng những tin tức này sẽ mang lại nhiều độc giả hơn là việc chỉ thông tin một cách đơn giản về thị trường tài chính. Reuters dần trở thành hãng thông tấn chuyên về những tin tức độc quyền. Và trong suốt lịch sử phát triển của mình, hãng không bao giờ ngưng tăng cường thế mạnh này. Chỉ tới những năm 1960-1970, với sự ra đời của nhiều công cụ, phương tiện thông tin mới, Reuters mới thực sự chuyển hẳn sang lĩnh vực thông tin tài chính.

Bắt đầu cho một “đế chế” thông tin

Paul-Julius Reuter sinh năm 1816 tại Cassen, nước Đức, trong một gia đình Do Thái khá giả. Tên thật của ông là Israel Beer Josaphat, khi cải sang đạo Thiên Chúa vào năm 1845, ông mới lấy tên như mọi người đã biết. 13 tuổi, ông được gửi đến Gottingen học nghề trong một ngân hàng do chú ông quản lý. Ông ở lại đây 16 năm, học hỏi được mọi ngóc ngách của một áp-phe tài chính, điều rất có ích đối với ông sau này. Cũng ở Gottingen, ông gặp nhà toán học nổi tiếng Carl Friedrich Gauss, người cùng với nhà vật lý Wilhelm Weber sáng chế ra chiếc máy điện báo phôi thai. Được mời đến chứng kiến sự vận hành của máy, Reuter bị gây ấn tượng mạnh bởi tốc độ truyền tin nhanh chóng của nó. Và ông đã không bao giờ quên điều đó…

Tháng 10-1845, Reuter rời Đức đến nước Anh. Ở đây ông gặp người sau trở thành vợ ông, Maria-Elisabeth Clementine Magnus. Ông chỉ ở Anh 2 năm rồi lại trở về Đức. Ở Berlin, ông mở một tiệm sách và một nhà xuất bản nhỏ. Vì đã cho phát hành một cuốn sách có tính chỉ trích vua Phổ, năm 1848 ông phải lập tức rời khỏi quê hương, sang cư trú tại Pháp. Để sinh sống, ông dịch những bài báo Đức rồi bán cho các tòa soạn Pháp. Việc làm này cuối cùng đã thu hút sự chú ý của Charles Havas, vốn là chủ một ngân hàng, bị phá sản sau khi trận Waterloo đại bại.

Trước sức hút ngày càng tăng của tin tức quốc tế đối với công chúng, năm 1835 Havas lập nên hãng thông tấn báo chí đầu tiên trên thế giới. Khi Reuter đến Paris, Havas đã có vị trí khá vững chắc trên thị trường. Luôn cần người phiên dịch, Havas đề nghị Reuter làm việc cho ông ta. Sự cộng tác chỉ kéo dài một năm. Giữa năm 1849, Reuter rời Havas, thành lập hãng thông tin của chính mình tại Paris. Nhưng chỉ được vài tháng, nhà cầm quyền Pháp nhắc nhở rằng, là người Đức ông không thể phát tán thông tin quốc tế cho các tờ báo Pháp.

Trở về Đức, ông bất ngờ được biết thị trường này đã có người chiếm lĩnh. Ở Berlin, Bernard Wolff cũng thành lập một hãng thông tin theo “mô hình” của Havas. Không nản chí, tháng 6-1851 Reuter lên đường sang Anh cùng với gia đình. Bốn tháng sau, hãng tin Reuter chính thức ra đời.

Hãng thông tấn quốc tế đầu tiên

Ngay từ đầu, Paul-Julius Reuter đã chủ trương “nhắm” vào giới áp-phe và chuyên môn hóa trong lĩnh vực thông tin chứng khoán, tài chính. Đó dường như là một sự lựa chọn tự nhiên vì London vốn là trung tâm kinh tài, hơn nữa, ở đấy ông hoàn toàn không có đối thủ cạnh tranh nào.

Sau “cú chứng khoán” ngoạn mục của Nathan Rothschild (người nắm được thông tin trước cả giới cầm quyền về thất bại của Napoléon ở Waterloo, nhờ vậy đã mua lại tất cả các cổ phiếu bị chủ nhân của chúng - là những người luôn tin vào sự chiến thắng của vị hoàng đế này - bán ra trong cơn hoảng loạn, mà có được một tài sản khổng lồ), tốc độ thông tin là điều được giới áp-phe đặc biệt quan tâm.

Paul-Julius Reuter đã “đặt cược” tất cả vào kỹ thuật điện báo, công nghệ mới nhất được phát minh năm 1844. Đó cũng là lúc đường cáp ngầm dưới biển nối Anh và Pháp vừa được đặt xong. Ông là người đầu tiên truyền đi những tin tức về thị trường chứng khoán giữa London và Paris.

Kết quả thật to lớn. Tới cuối những năm 1850, các ngân hàng lớn ở London đều là khách hàng của Reuter. Đầu những năm 1860, Reuters mở văn phòng ở Paris, Berlin, Vienne (Áo), Moscow (Nga), lắp đặt đường dây điện báo của chính mình nối Anh với Ireland, nối Pháp với Mỹ… Reuters trở thành hãng thông tấn đầu tiên thực sự mang tính quốc tế. Reuters luôn dẫn đầu trong lĩnh vực thông tin tài chính. Chủ nhân của nó rút dần khỏi các công việc của hãng kể từ năm 1878, nhường chỗ cho con trai Herbert. Ông mất năm 1899 trong ngôi biệt thự ở Nice (Pháp)…

NGUYỄN VŨ (theo Les Echos)

Bài liên quan:

- Bài 2: Malcom McLean - Làm đảo lộn nền thương mại thế giới

- Bài 3: Cha đẻ của Lipton

- Bài 4: Ferdinand de Lesseps và hai con kênh đào

- Bài 5: Azim Premji - “Bill Gate” châu Á

- Bài 6: Người sáng lập “Google Trung Quốc”

Tin cùng chuyên mục