Những “nút thắt” giao thông ĐBSCL - Bài 3: Quốc lộ “già nua”, cao tốc chậm chạp

Với trữ lượng lúa gạo, thủy sản, trái cây khổng lồ nhưng buộc phải lưu thông trên những tuyến đường chưa được nâng cấp, mở rộng tương xứng đã trở thành rào cản nghiêm trọng cho sự phát triển, khiến ĐBSCL mất đi lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: QUỐC HÙNG
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: QUỐC HÙNG

Quốc lộ với tốc độ “rùa bò”

Rời quốc lộ 1A tại ngã ba Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, chúng tôi bám theo sau một chiếc xe tải đi vào quốc lộ 61, một trục đường quan trọng đi qua tỉnh Hậu Giang nối Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang. Đập vào mắt chúng tôi là cổng chào có dòng chữ “Tỉnh Hậu Giang kính chào quý khách” khá đẹp. Cùng lúc đó, chiếc xe tải chở hàng đông lạnh đi hướng ngược chiều bóp kèn inh ỏi để các mô tô dạt vào lề, với mong muốn chạy nhanh hơn.  Nhưng rồi, vì mặt đường nhỏ nên hai chiếc xe tải chạy chậm lại, né nhau đi qua. Chúng tôi quay ngược lại chạy theo xe tải, vừa qua cầu Cái Tắc, chiếc xe tiếp tục điệp khúc bóp kèn liên tục. Nhưng không được bao xa, gặp ngay biển báo tốc độ quy định “xe ô tô 60km, xe mô tô 50km”, chiếc xe chạy rề rề, trên đường lúc này cũng đông đúc xe cộ ngược xuôi.

Đây là thực trạng đã kéo dài hàng chục năm qua trên tuyến đường này. Những năm qua, lưu lượng xe cộ, nhất là xe tải chở hàng nông sản khu vực bán đảo Cà Mau gia tăng nhanh chóng qua tuyến quốc lộ 61. Anh Trần Tính, người có xe tải chở hàng hóa hàng ngày từ thị xã Long Mỹ (Hậu Giang) đi Cần Thơ, gần 15 năm chạy xe trên tuyến đường này, cho biết: “Con đường hình thành hơn 50 năm trước, đến nay bề ngang mặt đường vẫn thế, rộng 7m. Xe 4 bánh chạy rất chậm, muốn chạy qua mặt một xe 4 bánh khác lưu thông cùng chiều phía trước rất gian nan vì không khéo là đối đầu xe chạy ngược chiều ngay”. Quốc lộ 61 đi qua địa bàn Hậu Giang khoảng 35km, từ Cái Tắc đến cầu Thủy Lợi (huyện Vị Thủy). Trong đó, gian nan nhất là khoảng 30km từ Cái Tắc đến ngã ba Vĩnh Tường (thị xã Long Mỹ). Đây là trục đường xe cộ từ Bạc Liêu - Sóc Trăng chở hàng hóa thủy sản và lúa gạo rất lớn. Đường chỉ có hai làn xe, nhà dân cất dày đặc dọc bên đường. “Hầu như 1-2 ngày xe chúng tôi chạy qua là thấy cảnh tai nạn giao thông. Có tuần, gần như ngày nào cũng chứng kiến tai nạn giao thông”, anh Tính xót xa kể. Vì lý do an toàn giao thông mà đoạn qua Hậu Giang tốc độ cho phép chỉ 60km đối với xe 4 bánh và 50km đối với xe mô tô. Dù đã hạn chế tốc độ ở mức rất thấp nhưng lãnh đạo tỉnh Hậu Giang vẫn canh cánh về tai nạn và người dân bị ám ảnh khi lưu thông qua đây.

Dự kiến quý 1-2022, cây cầu Xẻo Vẹt kết nối huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) với huyện Long Mỹ (Hậu Giang) sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Khi đó lưu lượng xe cộ qua lại kết nối trên trục quốc lộ 61 sẽ tăng nhanh. Áp lực xe cộ ngày càng cao vì nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân rất lớn. Tình trạng lưu thông sẽ khó khăn hơn nhưng giải pháp xử lý căn cơ cũng phải… gần 10 năm nữa. Ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở GTVT Hậu Giang cho biết, hiểu rõ sự bức xúc của người dân cũng như tầm quan trọng của tuyến đường, nhiều năm qua tỉnh kiến nghị mở rộng mặt đường quốc lộ 61 nhưng chưa có kết quả. Mới đây, tỉnh tiếp tục kiến nghị nhưng theo phản hồi của Bộ GTVT, thì sau năm 2030 mới bố trí được vốn mở rộng lên 4 làn xe !?

Cao tốc thua quốc lộ

2 tỉnh An Giang, Kiên Giang có thế mạnh về lúa gạo, thủy sản, mỗi năm cung ứng cho thị trường gần 9 triệu tấn lúa, trên 1 triệu tấn thủy sản. Tuy nhiên, chính hệ thống hạ tầng giao thông lạc hậu đã kìm hãm tốc độ phát triển của địa phương.

Ông Nguyễn Phước Hoàng, đầu nậu thu mua cá, tôm vùng U Minh Thượng tính chi tiết, nếu là hàng tươi sống, xe tải loại 8 tấn chỉ chở tối đa 2 tấn vì phải chạy máy lọc oxy liên tục. “Gần đây giá xăng, dầu liên tục tăng nên phía nhà xe tăng giá cước mạnh. Mình buộc phải chịu thôi”, ông Nguyễn Phước Hoàng nói, rồi kể lộ trình vận chuyển hàng hóa như sau. Chẳng hạn xe xuất phát từ Vĩnh Thuận, phải vượt 70km qua quốc lộ 61 đông đúc xe cộ. Dù cho phép vận tốc xe chạy 80km/giờ, nhưng thực tế xe tải chỉ có thể lưu thông cao lắm 50-60km/giờ. Hết quốc lộ 61 tới tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Gọi là cao tốc, nhưng mặt đường khá gồ ghề, thi công theo kiểu rải đá cấp phối tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng nên tài xế cũng chỉ dám chạy cao lắm 60-70km/giờ. Hết cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thì có 2 đường để đi TPHCM là quốc lộ 30 hoặc quốc lộ N2 qua Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An. Hành trình từ vùng U Minh Thượng tới TPHCM mất bình quân 7-8 giờ. Nếu chở tôm, cá, cua ra tới Bà Rịa - Vũng Tàu thì hành trình mất hơn 10 tiếng là bình thường. Cao tốc TPHCM - Long Thành có 2 trạm thu phí, rất hay bị kẹt xe. Cho nên chở hàng đi Bà Rịa - Vũng Tàu chi phí ít nhất 9 triệu đồng mới có xe. Là một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn ở Kiên Giang, ông Trần Quốc Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Kiên Hùng chia sẻ, lâu nay thời gian và chi phí vận chuyển thủy sản đông lạnh luôn khiến doanh nghiệp đau đầu. Thủy sản khác với nông sản, cần phải đi nhanh, giữ lạnh tốt, trong khi mạng lưới giao thông hiện nay chưa đáp ứng được.

Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang giãi bày, hiện tại mặt hàng thủy hải sản xuất khẩu phải đi đường bộ. Mỗi lô hàng thủy sản xuất khẩu, chi phí vận chuyển chiếm khá cao. Với diện tích trên 18.000ha nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Kiên Lương và Giang Thành, mỗi năm khu vực này xuất đi ít nhất 5.000-6.000 tấn tôm, mực đông lạnh. Nếu đường sá ngon lành, sẽ giúp tiết kiệm cước phí lên tới nhiều tỷ đồng! 

Không chỉ xuất khẩu hàng hóa, ngay cả phát triển du lịch ở địa phương cũng rơi vào thế kẹt. Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, ngành du lịch có ý định kết nối Châu Đốc (An Giang) - Hà Tiên - Phú Quốc (Kiên Giang) thành tam giác 3 điểm đến. Nhưng hiện tại, tuyến quốc lộ N1 nối Châu Đốc - Hà Tiên quá hẹp, lại đang xuống cấp. Quốc lộ 80 từ Hà Tiên đi Rạch Giá thì chưa bao giờ lành lặn, mặt đường chỉ rộng 11m nên phương tiện không thể nào đi nhanh được.

Từ người dân, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước hết sức mong mỏi những con đường tạo sức bật mới nhưng thông tin lại rất xa vời. Ông Lê Việt Bắc, Giám đốc Sở GTVT Kiên Giang cho hay, trừ các tuyến cao tốc đang triển khai thì phần lớn hệ thống đường cao tốc ở ĐBSCL đang trong tình trạng chờ vốn. Do nguồn lực có hạn, nên trong giai đoạn trước mắt, Chính phủ tập trung hoàn thành tuyến cao tốc trục Bắc - Nam. Tuyến Hà Tiên - Rạch Giá dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, còn tuyến Rạch Giá - Bạc Liêu chưa có thời gian cụ thể. Trong năm 2022, tỉnh Kiên Giang đầu tư gần 2.000 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng giao thông, chủ yếu là các tuyến đường liên huyện và một số trục đường trên đảo Phú Quốc. Các tuyến quốc lộ, liên tỉnh thì phải chờ Bộ GTVT đầu tư. 

Thực tế đầu tư như thế nào? Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn từ năm 2016-2021, bộ đã triển khai đầu tư xây dựng 31 dự án, trong đó 14 dự án đã hoàn thành nâng cấp và xây dựng mới 281km đường quốc lộ, một số cầu lớn như cầu Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hòa Trung, Mỹ Lợi... Các dự án được đầu tư và đưa vào khai thác đã thực sự phát huy hiệu quả, đều là những dự án động lực, quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Các giải pháp đầu tư đã chú trọng đến thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo ổn định bền vững. Nhưng thực tế cũng cho thấy, kết quả đạt được chưa thấm tháp gì so với nhu cầu thực tế, kết cấu hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL chưa thực sự đột phá, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; liên kết nội vùng và liên vùng, đặc biệt liên kết vùng ĐBSCL với Đông Nam bộ còn yếu. Hệ thống đường bộ cao tốc chưa hình thành, chất lượng mặt đường và quy mô một số tuyến còn hạn chế…

Chi phí logistics ở ĐBSCL cao

Nông sản tại các tỉnh ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics, chiếm cao nhất và bất hợp lý, khiến giảm sức cạnh tranh nghiêm trọng so với nông sản các nước trên thế giới. Ông Phạm Tiến Hoài, Tổng giám đốc Hanh Nguyen logistics, trụ sở đặt tại Hậu Giang cho biết, chi phí logistics của nông sản ở ĐBSCL rất cao, chiếm tới 30% giá thành, trong khi Thái Lan là 12,5%, thế giới là 14%.

Tin cùng chuyên mục