Câu chuyện hội nhập

Những suy nghĩ từ đêm giao thừa

Những ngày cuối năm, thông tin về chuyện tàu xe đi lại của hành khách về quê ăn tết tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong mấy năm gần đây, lượng khách có nhu cầu đi lại trong dịp tết ngày càng tăng. Hầu như tất cả các loại phương tiện giao thông, các loại hình vận tải hành khách đều hoạt động hết công suất.

Thế nhưng, mỗi năm, không khí lại càng nóng, càng căng thẳng chuyện tàu xe. Có lẽ kinh tế đất nước càng khấm khá lên, mọi người lại càng có xu hướng bù đắp những thiếu thốn tình cảm về gia đình, quê hương, bản xứ. Âu cũng là lẽ thường tình.

Trong số đông hành khách ấy, lượng công nhân đi làm ăn xa về quê ăn tết lại chiếm phần lớn. Một năm làm việc cực nhọc, họ chờ đợi mấy ngày tết để về quây quần xum họp bên gia đình. Tâm tư, tình cảm ấy thật đáng quý và đáng trân trọng. Một nét văn hóa rất đặc trưng của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thông tin khác còn nóng hơn chuyện tàu xe đi lại. Nhiều doanh nghiệp, trong đó phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cứ đến dịp cuối năm, dịp tết, vào đầu năm, chuyện tìm kiếm và giữ đủ lượng công nhân đáp ứng kế hoạch sản xuất lại khá gian nan, vất vả. Bên cạnh việc phải đảm bảo tiền lương, tiền thưởng, chế độ cho công nhân, lãnh đạo doanh nghiệp lại phải đối phó với các doanh nghiệp cùng ngành nghề, cùng khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc giữ chân công nhân. Điều này bắt nguồn từ việc thiếu hụt lao động đồng loạt do công nhân về quê ăn tết. Sản xuất bị ách tắc, hợp đồng giao hàng bị bể, khách hàng kêu ca, phiền hà...

Chỉ riêng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có gần 300 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động. Nhiều doanh nghiệp khá băn khoăn về việc sản xuất đình trệ trong những dịp tết. Nỗi lo của những các nhà đầu tư nước ngoài cũng là điều băn khoăn của chúng ta - những người mời gọi đầu tư. Vì, khu vực đầu tư nước ngoài chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Cho nên, thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cần phải được tiến hành song song, đồng bộ. Vấn đề giải quyết hợp lý giữa quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động thế nào, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên ra sao, nói cho cùng là câu chuyện của chúng ta.

CHÂU LONG

Tin cùng chuyên mục