Giữa bao bộn bề lo toan, bao so hơn tính thiệt, bao tiêu cực bất công, bao ngổn ngang gian khó trong cuộc sống, họ vẫn âm thầm góp sức cho TPHCM vượt lên phía trước với tâm thế bình thản, tư thế vững vàng và tấm lòng trung hậu, tình nghĩa, thủy chung. Đó là cảm nhận chung về những tấm gương điển hình tham gia giao lưu tại Đại hội Thi đua yêu nước TPHCM lần thứ V diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình ngày 14-6.
Tấm lòng và quyết tâm
Về hưu hơn 13 năm, nay gần 80 tuổi đời nhưng tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh vẫn chưa ngày nào ngơi nghỉ. Ông là tác giả của công trình nghiên cứu khoa học tận dụng bùn thải công nghiệp nguy hại để chế tạo vật liệu xây dựng. Ông nghĩ: “TP có 15 KCX-KCN, 3 cụm công nghiệp và hàng ngàn nhà máy, xí nghiệp. Từ trước đến nay, bùn thải nguy hại chỉ được xử lý bằng cách chôn hoặc đốt, gây ô nhiễm không khí, đất, nước mà lại tốn kém chi phí. Nếu có cách gì biến cái “của nợ” ấy thành tài nguyên thì hay biết chừng nào!”. Nghĩ là làm. Đầu tiên, ông đem bùn của kênh Nhiêu Lộc, bùn ở KCN Lê Minh Xuân về nghiên cứu, thử nghiệm. Thành công đâu chưa thấy, chỉ thấy “ô nhiễm” khắp nhà. Cố gắng thêm, cuối cùng, ông đã tìm ra cách biến chất bùn nguy hại bậc nhất được thải ra từ công ty thuộc da, công ty dệt nhuộm thành vật liệu có khả năng thay thế cát vàng trong quá trình trộn bê tông. Thứ bê tông mới này có tính bền còn cao hơn bê tông thông thường.
Tâm sự về những gì mình đã làm, tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh trầm ngâm: “Tôi sinh ra và lớn lên giữa thời đất nước còn chia cắt, theo Đảng làm cách mạng từ năm 1945. Qua 2 cuộc chiến, bạn bè cùng thời đi 10 người thì hy sinh hết 9, gia đình có 4 người con trai thì hy sinh hết 3. Tôi còn sống đây là nhờ Đảng, nhờ dân, nhờ anh em đồng chí đã đùm bọc, giáo dục và cưu mang. Cho nên tôi luôn tâm niệm rằng còn sống ngày nào là còn góp sức để xây dựng đất nước.
Nhìn bà con mình hễ có bệnh nặng lại phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để đi nước ngoài chữa trị, bác sĩ Đỗ Hoàng Giao, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định lại thấy nao lòng. Ông trăn trở: Làm sao bệnh viện công trong nước có thể đưa được kỹ thuật cao trong điều trị để người bệnh đỡ phần nào gánh nặng. Ngay từ năm 1996, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp cận và học tập kỹ thuật mổ nội soi. Đầu tiên, bệnh viện chỉ có thể mổ được những ca đơn giản, những bệnh về đường tiêu hóa. Dần dà, bệnh viện thực hiện được những ca phức tạp hơn. Tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật giảm từ 30% - 40% xuống còn dưới 1%. “Người Việt mình thông minh lắm. Khi có kế hoạch, có tấm lòng và có quyết tâm, chúng ta sẽ làm được nhiều việc tưởng chừng không làm nổi” - bác sĩ Đỗ Hoàng Giao chia sẻ.
Cuối năm 2008, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng chính thức vận hành. Đây là một trong 5 gói thầu thuộc dự án cải thiện môi trường nước TP, có chức năng xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt của các khu dân cư trên phạm vi gần 1.000 ha, trọng tâm là xử lý nước thải ở các quận nội thành. Ban đầu, lãnh đạo TP dự kiến sẽ thuê chuyên gia Nhật Bản vận hành nhà máy, chi phí ước tính lên đến hơn 400 tỷ đồng. Trước tình hình đó, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân Nhà máy nước thải Bình Hưng đau đáu một suy nghĩ: “Bạn làm được, tại sao mình không làm được?”. Vậy là anh em quyết tâm tìm mọi cách để có thể tự mình vận hành nhà máy.
Nhớ lại giai đoạn này, ông Trần Kim Sơn, Giám đốc nhà máy kể: “Trước tiên, chúng tôi tìm hiểu kỹ về thiết kế của nhà máy để chủ động viết nên nhiều chương trình, phương án vận hành. Song song đó, chúng tôi cũng cử người đi khắp nơi, ra Bắc, vào Nam để học hỏi kinh nghiệm. Sau khi chuẩn bị sẵn sàng, anh em chúng tôi tự tin đề xuất với TP cho kỹ sư và công nhân Việt Nam được tiếp nhận và vận hành nhà máy”. Nhờ quyết tâm dám làm, dám chịu trách nhiệm và ít nhiều máu “liều lĩnh” đó, tập thể kỹ sư, công nhân nhà máy đã tiết kiệm được 300 tỷ đồng cho ngân sách TP.
Hướng đến cộng đồng
“Ở vùng sâu, vùng xa, nơi ánh đèn điện chưa thể đến, được xem phim là niềm hạnh phúc to lớn của bà con. Hiểu điều ấy nên anh em trong đội chúng tôi đều hết mình vì nhiệm vụ đem ánh sáng văn hóa phục vụ bà con. Kỷ niệm về lần phục vụ cho bà con ở Bình Long đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Đoạn đường từ điểm dừng xe đến điểm chiếu khá xa, nếu không có bà con đánh xe bò chở anh em, máy móc vào giùm thì chúng tôi không biết xoay xở thế nào. Khi suất chiếu chỉ còn 10 phút, thấy bà con vẫn còn đốt đuốc lặn lội đi đường xa mấy tiếng đồng hồ đến xem, anh em chúng tôi hội ý và quyết định chiếu thêm một suất, dù biết như vậy sẽ gặp khó khăn do định mức nhiên liệu được cấp cho việc chiếu phim có hạn. Đêm đó, ngoài trời lạnh nhưng trong lòng anh em đều ấm” – ông Vũ Trọng Tuấn, đội trưởng Đội chiếu phim lưu động thuộc Công ty cổ phần Truyền thông Điện ảnh (Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn) tâm sự. Qua 4 năm hoạt động, với tinh thần hướng về cộng đồng, đội đã phục vụ hơn 310.000 lượt người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Xuất thân trong gia đình lao động nên ông Trương Vĩ Kiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dây và Cáp điện Tân Cường Thành rất hiểu những vất vả của công nhân. Do vậy, ngay từ khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, bằng tấm lòng nhân ái, ông đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện. Không chỉ luôn chú trọng nâng cao tay nghề, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hơn 600 CB-CNV trong công ty, từ năm 2005 đến nay, công ty dành gần 30 tỷ đồng đóng góp vào quỹ xóa đói giảm nghèo, quỹ khuyến học, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương... Ông bộc bạch: “Khi còn sống, ba tôi luôn dạy các con phải sống có nghĩa có tình với mọi người. Trách nhiệm của doanh nghiệp là phát triển đơn vị đi đôi với sẻ chia cùng cộng đồng. Lời dạy ấy, chúng tôi khắc cốt ghi tâm”.
Ái Chân - Mai Hương