Góp ý sửa đổi hiến pháp

Những thay đổi về chính quyền địa phương

Theo Hiến pháp 1992, chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND ở cấp tỉnh, huyện và xã.

Nghị quyết 26/2008 Quốc hội khóa 12 về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã cho phép 10 tỉnh, thành thực hiện việc thí điểm này, trong đó TPHCM là nơi được thí điểm với quy mô lớn nhất - ở tất cả 24 quận, huyện và 259 phường.

Từ thực tiễn hoạt động ở chính quyền địa phương, và cũng là địa phương có thực hiện thí điểm, xin được nêu một số ý kiến cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp như sau:

Mặc dù khu vực nông thôn và đô thị có những điểm khác nhau cơ bản nhưng hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, cơ cấu tổ chức chính quyền nói riêng chưa có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn. Chính vì vậy, việc quản lý của chính quyền hiện nay ở các đô thị lớn còn nhiều bất cập. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và quận, huyện có chức năng chủ yếu là cơ quan tham mưu nên nhiều việc dồn cho UBND. Cơ cấu tổ chức của HĐND trong thực tế chưa đảm bảo để làm tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Vừa qua, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã đạt được những kết quả quan trọng. Quyền làm chủ của người dân được thực hiện bằng nhiều hình thức, có trực tiếp, có gián tiếp, thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và các tổ chức Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội… Mặt trận và các đoàn thể đã tích cực tổ chức các hoạt động giám sát theo chuyên đề, theo đối tượng. UBND quận, huyện, phường tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân góp ý trực tiếp qua các cuộc hội nghị nhân dân, các cuộc đối thoại giữa chính quyền và nhân dân, qua các hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của chính quyền…

Bước đầu đã thực hiện tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước các cấp. Sự chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Một số quyết định về chủ trương, chính sách giảm được quy trình và thời gian so với trước đây.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đổi tên Chương IX “HĐND và UBND” thành tên gọi “Chính quyền địa phương” là phù hợp. Bên cạnh đó, đề nghị đổi tên UBND thành Ủy ban hành chính để phản ánh đúng tính chất pháp lý và chức năng cơ bản của cơ quan này.

Địa bàn đô thị và nông thôn có những đặc thù khác nhau, do vậy, việc phân chia cấp hành chính và xác lập chính quyền địa phương ở địa bàn đô thị và nông thôn cũng phải khác nhau. Vì vậy, kiến nghị bổ sung vào đoạn cuối Điều 115, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nội dung:

– Đối với các đô thị loại đặc biệt, việc phân chia cấp hành chính sẽ do Quốc hội quyết định. Trong đó, kiến nghị cho phép có thành phố trực thuộc thành phố.

– Việc thành lập HĐND và Ủy ban hành chính ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý. Ở huyện, quận, phường chỉ thành lập Ủy ban hành chính.
Xem xét bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi những quy định có tính nguyên tắc làm nền tảng cho việc thiết kế chính quyền đô thị đối với những thành phố lớn hội đủ tiêu chí của một đô thị. Sau khi Hiến pháp sửa đổi xác lập định chế này, Quốc hội sẽ xem xét ban hành Luật về chính quyền đô thị.

Cho phép các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban hành chính có chức năng chính là quản lý. Đẩy mạnh phân cấp và tăng thẩm quyền, gắn liền với làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban hành chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
 

PHẠM PHƯƠNG THẢO
 

VUSTA triển khai lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Chiều 16-1, tại Hà Nội, Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Theo đó, từ đây đến giữa tháng 3-2012, VUSTA sẽ tiến hành 6 cuộc tọa đàm và 2 hội thảo theo các nhóm chủ đề: Cấu trúc, quan điểm xây dựng Hiến pháp và chế độ chính trị; quyền con người và các nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường; Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và tòa án, Viện Kiểm sát; chính quyền địa phương; Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước. Song song đó, VUSTA sẽ tiến hành lấy ý kiến trí thức khoa học - công nghệ, các hội thành viên, các tổ chức khoa học - công nghệ trực thuộc về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. VUSTA cũng sẽ mở diễn đàn để đăng tải các bài viết, ý kiến của giới trí thức khoa học - công nghệ Việt Nam góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

TR.BÌNH

Góp ý sửa đổi hiến pháp:

>> Hiến định rõ quyền hành pháp của Chính phủ

>> Đất đai thuộc sở hữu toàn dân là phù hợp với yêu cầu phát triển 

Tin cùng chuyên mục