Một ngôi trường làng không đủ phòng học cho học sinh (HS) nhưng đã biến điều không thể thành có thể. Ngôi trường này cũng có một công trình bích họa theo dòng lịch sử “có một không hai” do chính tập thể HS “trổ tài”. Đó là ngôi trường mang tên vị anh hào trẻ tuổi Trần Quốc Toản.
Hãy động viên, khích lệ các em
Ngôi trường làng cũ xưa không có tầng lầu đổ bóng mát xuống sân trường tạo sự khác biệt so với những ngôi trường hiện đại khác của TPHCM. Nhưng từ ngôi trường làng Trần Quốc Toản đã khởi nguồn cho câu chuyện về những thiên sứ hãy mỉm cười lan truyền trong quận 9.
“Kính thưa các anh chị,
Các anh chị được phân công phụ đạo cho các em HS yếu kém các môn văn, toán, Anh văn để trong 3 tuần các em có thể đạt 6 điểm. Đây quả là một việc khó, dù chúng tôi bố trí lớp dưới 30 em nhưng hiện nay điểm học tập của các lớp là âm 1 đến âm 2. Nếu sau 3 tuần mà điểm học tập đạt 0 điểm là đã thành công, nếu có điểm dương thì thành công hơn. Xin góp một vài ý kiến nhỏ khi tiến hành dạy các lớp này: Tinh thần dạy phải hết sức thoải mái. Chỉ điểm danh thôi, không phê phán, không chửi mắng, không trả bài, không lấy điểm. Dĩ nhiên có thể dùng hình thức trắc nghiệm để biết HS thiếu kiến thức chỗ nào, bổ sung ngay cho các em bằng những kiến thức thật cơ bản, súc tích, những ví dụ hấp dẫn. Không nên nói những câu như “sai rồi”, “tầm bậy”, “dốt quá”…, thay vào đó chúng ta dùng những từ như “chưa chính xác”, “em hãy thử lại lần nữa”, “em làm được mà”. Nếu các em bắt đầu nắm được kiến thức, dù nhỏ, hãy động viên, khích lệ các em. Dù có nhiều em tỏ những hành vi không đúng, thậm chí chọc giận, xin các thầy cô cũng đừng giận, hãy ôn tồn giải thích hoặc bỏ qua, hoặc đưa lên phòng ban giám hiệu. Như vậy, vai trò của thầy cô trong lớp như một thiên sứ mang đến cho HS niềm hy vọng, sự đổi thay với ý nghĩ: Rồi đây mình sẽ tiến bộ, mình sẽ học khá lên…”.
Bức thư tâm huyết của thầy hiệu trưởng Cao Văn Nguyên khiến các thầy cô xúc động và trăn trở. Nâng trình độ những HS mất căn bản lên trung bình quả thật không dễ. Nhưng lá thư đã tạo hiệu ứng tích cực cho những thiên sứ trần gian làm nhiệm vụ không nề hà giờ giấc. Chỉ trong 3 tuần, bằng tình thương và sự ân cần, giáo viên (GV) cố gắng cô đọng kiến thức cho HS dễ hiểu, đồng thời cho các em làm nhiều bài tập để khắc sâu kiến thức. Cuối năm học 2008-2009, hầu hết HS lớp phụ đạo đặc biệt đã tiến bộ như mong mỏi của nhà trường.
“Vẽ chuyện” giúp trò
Chúng tôi đến Trường THCS Trần Quốc Toản vào buổi trưa, đứng giữa sân trường bỗng thấy… lóa mắt. Bức tường trước mặt lấp lánh sắc màu. Cô Nguyễn Dương Minh Hương, Phó hiệu trưởng của trường giới thiệu: Đây là công trình “bích họa theo dòng lịch sử” mô phỏng lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến nay, gồm 42 bức tranh, do chính HS của trường vẽ. Tác phẩm “cây nhà lá vườn” với những nét vẽ hồn nhiên nhưng có một bức tranh dang dở. Cô Minh Hương giải thích: “Ý tưởng của bức hình này là nụ cười bất hủ của chị Võ Thị Thắng đứng trước tòa án địch nhưng các em lại vẽ lộn thành chị Võ Thị Sáu”.
Lo ngại vì kiến thức lịch sử của học trò còn lơ tơ mơ nên nhà trường quyết định tạo sân chơi “câu hỏi tuần”, vừa khơi gợi tinh thần ham học, ham hoạt động, vừa tạo sân chơi trí tuệ cho HS suy nghĩ, phát triển tư duy. Mỗi tuần nhà trường sẽ “ra đề” những câu hỏi thuộc lĩnh vực khoa học xã hội: “Em biết gì về giải Nobel năm 2009? Tóm tắt ngắn gọn thành tích? Em hãy kể 3 vị tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam có chiến tích lừng lẫy mà em biết? Kể 3 sự kiện lịch sử chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình của Đảng CSVN?”.
Ngoài những câu hỏi “chuyện xưa tích cũ”, “câu hỏi tuần” còn căn cứ vào các sự kiện nóng hổi thời sự mới xảy ra để trang bị kỹ năng sống cho HS. Có khi “câu hỏi tuần” thuộc khoa học tự nhiên, mà muốn trả lời hay, các em phải truy cập mạng hoặc tích lũy kiến thức. Em Nguyễn Văn Thi hào hứng: “Những câu hỏi tuần giúp em và các bạn được mở rộng kiến thức nhưng không mang tính bắt buộc, không gây căng thẳng. Những bạn có câu trả lời hay sẽ được thưởng quà nên tụi em đều ráng hết sức để rinh quà”.
Hàng tuần, nhà trường nhận khoảng 40 bài viết của học trò. Ông Cao Văn Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Để đọc và đánh giá các bài viết này cũng mất thời giờ và khá vất vả như chấm 40 bài văn. Do không hiểu mục đích của “câu hỏi tuần” nên có người hỏi tôi “vẽ chuyện” chi cho mệt, nhưng tôi thấy những “chuyện” trường “vẽ” có nhiều thú vị và bổ ích không chỉ cho trò mà cho cả người quản lý. Tôi đã từng bất ngờ khi nhận được đáp án của trò cho câu hỏi “Nếu là hiệu trưởng THCS Trần Quốc Toản, em sẽ làm gì?”. Các em đã viết những suy nghĩ xây dựng nhà trường thân thiện hơn, đã phê bình trường một cách thẳng thắn như nhà vệ sinh chưa sạch khiến các em rất ngại “đi”. Nếu hỏi trực tiếp những bức xúc này thì chưa chắc các em đã chịu nói. Những góp ý của các em giúp nhà trường tốt đẹp hơn”.
Doanh Doanh