Từ loạt bài “Lặng lẽ binh vận”
Sau loạt bài Lặng lẽ binh vận đăng trên báo SGGP (tháng 10-2014), Văn phòng Chủ tịch nước vừa chuyển các tài liệu liên quan về công tác binh vận đến đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, để chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. TPHCM và các tỉnh, thành phố đang đồng loạt có các hoạt động ghi lại thành tích, tìm nhân chứng sống và tái khởi động xử lý các tồn đọng chính sách đối với cán bộ binh vận. Nhiều tín hiệu vui, hy vọng mới đã được thắp lên.
“Bắt đầu làm theo trách nhiệm của mình”
Khóc…
Trước cả trăm người tóc bạc trắng dự buổi họp mặt cán bộ binh vận trên chiến trường Cần Thơ thời kỳ chống Mỹ vừa được tổ chức tại Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Thảnh (tức Chín Hoài), nguyên Bí thư Chi bộ đặc biệt Ban Binh vận Khu Tây Nam bộ, nghẹn ngào. Giọng ông lạc đi, cố kìm nén song đành phải tạm ngưng phần giới thiệu những trận đánh tiêu biểu của ngành binh vận Cần Thơ. Người cán bộ binh vận sắc sảo xưa kia, nay 82 tuổi vẫn luôn rổn rảng nói cười, giờ đây lại bối rối lấy khăn tay chậm đi giọt nước mắt trước mặt đồng đội.
Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ (bìa trái) cùng các nhân chứng ngành binh vận
Hội trường im lặng. Nhiều mái đầu bạc tiếp tục lặng lẽ giấu đi niềm đau. Những hoạt động thời trai trẻ, tươi xuân ùa về. Sức dội lại mạnh mẽ của những kỷ niệm hào hùng được khuếch đại bởi khoảng trống “tồn đọng chính sách nhưng… không ai làm” càng nhói lên trong lòng mỗi người tâm tư mới. Trong tài liệu phát cho đại biểu, ông Nguyễn Xuân Kỷ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Phó ban Binh vận Khu Trung Nam bộ, đặt câu hỏi: Tại sao một ngành lớn của Đảng là Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam được thành lập từ năm 1955, có hệ thống tổ chức từ Trung ương Cục đến các quân khu, các tỉnh, thành, quận - huyện, phường - xã - thị trấn, cả đến ngay tận vị trí đồn bót địch, đều được tổ chức bộ máy rất đầy đủ, chặt chẽ, nhưng rồi sau 1975 lại “tan đàn xẻ nghé”, quảy túi lủi thủi trở về quê, sống cuộc sống lẻ loi đời thường không được hưởng một chính sách gì? Làm sao gỡ cho nỗi bức xúc này bị lãng quên cả 4 thập kỷ?”. Câu hỏi của ông Nguyễn Xuân Kỷ cũng là câu hỏi chung của những người từng làm công tác binh vận.
“Tồn đọng chính sách là có thật. Chúng ta chỉ mới giải quyết xong chính sách với hệ địch vận của bên quân sự, còn chính sách với cán bộ binh vận của cấp ủy trong kháng chiến chống Mỹ là chưa giải quyết đến nơi đến chốn. Tôi day dứt lắm”, ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, nguyên Phó Ban Binh vận Khu Tây Nam bộ phát biểu. Ông Tư Cẩn cung cấp nhiều thông tin sau loạt bài Lặng lẽ binh vận đăng trên báo SGGP khiến không khí bừng hẳn lên. Ông cho biết, phạm vi chung trong cả nước chưa giải quyết được. Nhưng ở các tỉnh, thành phố, từng địa phương “đã bắt đầu làm theo trách nhiệm của mình”.
Tại TPHCM, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Huỳnh Thanh Khiết cho biết, liên quan đến chế độ với tập thể và cá nhân người đã tham gia công tác binh vận trong kháng chiến chống Mỹ, thành phố vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để trình kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét có chính sách đãi ngộ và khen thưởng. Sau TPHCM, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã giao Ban Thi đua khen thưởng tỉnh chủ trì, kết hợp các đơn vị liên quan rà soát các quy định của Trung ương; nghiên cứu, xem xét thành tích của Ban Binh vận. Đồng thời, rà soát lại các đối tượng tham gia Ban Binh vận qua 2 thời kỳ.
Niềm đau sẽ lành lại
Những tín hiệu vui đang nhiều lên, thắp lên nhiều hy vọng. Tại Cần Thơ, ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ, cho biết Thành ủy Cần Thơ luôn trân trọng ghi nhận những đóng góp của cán bộ trong ngành binh vận. Trong thẩm quyền của mình, TP Cần Thơ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng vận dụng, làm tốt các chính sách đền ơn đáp nghĩa để ghi nhận công lao của cán bộ binh vận.
Tại An Giang, ngày 15 và 16-12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo công tác Binh vận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với 150 đại biểu tham dự. Buổi hội thảo là dịp hiếm hoi giúp người từng làm công tác binh vận hội ngộ, bởi trong kháng chiến, ngành binh vận có tính chất đặc thù là hoạt động đơn tuyến, rất ít người biết mặt nhau và suốt 40 năm qua toàn ngành đã giải thể, mỗi người một nơi. Tương tự như Cần Thơ, An Giang, Tỉnh ủy Hậu Giang cũng đang rốt ráo tìm các nhân chứng sống, người từng hoạt động công tác binh vận để ghi lại thành tích và phục vụ việc xử lý các tồn đọng về chính sách với người hoạt động binh vận.
Giờ đây, một mảng việc còn dang dở 40 năm qua là thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ binh vận đang được khởi động lại. Trước sự vào cuộc của các tỉnh, thành, ông Trịnh Văn Lâu nhận xét: “Vậy là có lối ra trong giải quyết chính sách cho cán bộ binh vận. Thành tích của anh em binh vận, có cái đáng được phong anh hùng, có cái đáng được huân chương, có cái dù là bằng khen thôi anh em cũng hả lòng. Mong không bỏ quên bất cứ ai, không ai bị day dứt nữa”.
ĐƯỜNG LOAN