Quốc hội tiếp tục chất vấn các bộ trưởng

Những vấn đề bức xúc vẫn... nóng!

Những vấn đề bức xúc vẫn... nóng!

Hôm qua 31-3, Quốc hội tiếp tục chất vấn 3 bộ trưởng: Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường và Tài chính. Dù mỗi bộ trưởng được dành gần 2 giờ để trả lời chất vấn, nhưng vẫn chưa giải tỏa được bức xúc trong những vấn đề “nóng” như nhà sai phép, dầu loang trên biển, khiếu kiện về giá đất…

  • Phạt nhiều lần, nhưng sai vẫn... không sửa
Những vấn đề bức xúc vẫn... nóng! ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân hôm qua có thể nói là “chưa thành công” bởi còn nhiều ĐBQH chưa thỏa mãn với những thông tin mà Bộ trưởng đưa ra, nhất là vấn đề nhà xây dựng sai phép, không phép.

Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết: Trong 4 năm gần đây, bình quân công trình xin cấp phép đã tăng 7%, tỷ lệ sai phép giảm 5%. Tuy nhiên, số lượng nhà xây dựng không phép, sai phép vẫn còn nhiều. Riêng năm 2006, ở TPHCM có 11.800 trường hợp sai phép, không phép; ở Hà Nội tuy có tiến bộ nhưng năm 2005 có 4.500 vụ, năm 2006 có 4.400 vụ phải lập biên bản... Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân thừa nhận là do “quy hoạch chưa đầy đủ và chưa đi trước”. Thêm nữa, cách xử lý cũng chưa dứt khoát. Nhiều vụ vi phạm (như nhà cao tầng sai phép ở Hà Nội) dây dưa 2 - 3 năm, lập biên bản hàng chục lần nhưng vẫn đâu vào đấy. Hiện Bộ Xây dựng đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 156 về xử lý vi phạm hành chính trong xây dựng để khắc phục vấn đề này.

Chưa hài lòng, đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần kiểm điểm sâu hơn về nguyên nhân chủ quan (trách nhiệm của ngành xây dựng) trong quản lý trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, đại biểu này cũng băn khoăn: “Ở Hà Nội, các công trình sai phép là nhà cao tầng, nếu dỡ bỏ thì sẽ lãng phí lớn. Còn không làm thì pháp luật không nghiêm minh. Vậy hướng giải quyết là thế nào?”. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, về nguyên tắc là phải xử lý nghiêm nhà xây trái phép để giữ kỷ cương. Hơn nữa, lỗi của các vụ nhà trái phép ở Hà Nội là nặng vì cố tình, có trường hợp còn “lừa” cơ quan chức năng. “Phạt nhiều lần, hứa nhiều lần, nhưng sai vẫn không sửa. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo TP Hà Nội là phải xem xét xử lý nghiêm một số trường hợp cụ thể” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý rằng “khi dỡ bỏ công trình, sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh như mỹ quan và môi trường”. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) không đồng ý: “Bộ trưởng nói đến vấn đề mỹ quan, nhưng nếu đẹp mà không mọc lên đúng chỗ thì có được không? Tôi cho là, nhà sai phép chỉ như tai đẹp mọc… trên cằm!”.

  • Thủ phạm sự cố dầu loang trên biển sẽ phải bồi thường
Những vấn đề bức xúc vẫn... nóng! ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường Mai Ái Trực trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Ngoài việc chất vấn bằng văn bản, hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Mai Ái Trực tiếp tục nhận được câu hỏi của nhiều ĐBQH về nguyên nhân và hướng giải quyết sự cố dầu loang trên biển. Bộ trưởng cho biết, hiện sự cố tràn dầu đã xảy ra trên biển ở 14 tỉnh miền Trung. Bộ đã kịp thời cùng với địa phương hướng dẫn xử lý và báo cáo Chính phủ. Hiện đã thu gom 1.312 tấn cặn dầu, vận chuyển về trung tâm ở Đà Nẵng xử lý. Về nguyên nhân, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn tìm hiểu. Bộ Tài nguyên – Môi trường đang giao cho các phòng thí nghiệm phân tích tìm hiểu các mẫu dầu này. “Việc tìm kiếm nguyên nhân đang là vấn đề khó khăn nhất. Sự cố tràn dầu từ các tàu thì đã khẳng định là không có” - Bộ trưởng Mai Ái Trực nói. Ông cũng cho biết, có khó khăn trong xác định nguyên nhân vì lý do khách quan như phương tiện kỹ thuật, ảnh chụp từ vệ tinh viễn thám bị ảnh hưởng bởi thời tiết (mây che), sự kết hợp với các tổ chức có chức trách trên thế giới...

Chưa thỏa mãn, đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng: “Trách nhiệm chính trong việc tìm ra nguyên nhân các sự cố về môi trường phải thuộc về Bộ TN-MT. Bộ trưởng không thể thoái thác trách nhiệm?”. Bộ trưởng Mai Ái Trực trả lời: “Chúng tôi không thoái thác, nhưng Thủ tướng đã giao cụ thể trách nhiệm cho cơ quan có đầy đủ chức năng và phương tiện để tìm kiếm nguyên nhân. Còn về phần bộ, chúng tôi cũng đã cố gắng thực hiện những giải pháp như hiện tại”. Theo xác định, dầu đang trôi dạt trên bờ biển hiện nay là loại dầu thô, nhưng không cùng gốc với loại dầu ô nhiễm ở khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Đại biểu Trần Đình Xuân (Tây Ninh) quan tâm tới việc giúp người dân đánh giá thiệt hại để tiến hành thủ tục đền bù. Bộ trưởng Mai Ái Trực nói: “Bộ đang xác định thiệt hại. Nếu tìm được nguyên nhân và thủ phạm chính trong sự cố dầu loang thì sẽ yêu cầu bồi thường, kể cả đối tượng đó là từ phía nước ngoài”.

  • Xử lý dứt điểm quy hoạch “treo” trước 30-6
Những vấn đề bức xúc vẫn... nóng! ảnh 3

Đại biểu Quốc hội
chất vấn tại hội trường.

Trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng Mai Ái Trực tái khẳng định quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo” vào giữa năm nay: “Sau ngày 30-6-2007, nơi nào có quy hoạch treo, thì mong nhân dân hãy gọi về số 04.7734941, 04.7734942, 04.7734943”. Theo Bộ trưởng, giải quyết tình trạng “treo” không phải là xóa bỏ dự án, quy hoạch mà chỉ xóa bỏ phần “treo” của các dự án đó. Vấn đề này không giải quyết triệt để sẽ dẫn tới hiện tượng tham nhũng trong đất đai, khiếu kiện kéo dài.

Liên quan đến chất vấn của đại biểu Trần Đình Đàn (Hà Tĩnh) và đại biểu Lê Quốc Dung (Thái Bình) về cách xử lý khiếu kiện của dân về giá đền bù khi thu hồi đất quá thấp so với giá thị trường, Bộ trưởng Mai Ái Trực khẳng định “Có nguyên nhân về cơ chế chính sách, có nguyên nhân trực tiếp từ giá đất”, nhưng không phải “nói đến đất đai là do Bộ TN-MT chịu trách nhiệm hoàn toàn”. Đền bù phải do địa phương chịu trách nhiệm khi không thực hiện đúng các chính sách đề ra. “Về giá đất, chúng ta không đưa ra giá đất chủ quan. Chúng ta phải đền bù sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường” – Bộ trưởng Trực nói. Ông cũng lưu ý rằng, nếu không giải quyết được vấn đề này, chính cơ chế sẽ làm nảy sinh tham nhũng.

  • “Hạ nhiệt” chứng khoán bằng cân đối cung - cầu
Những vấn đề bức xúc vẫn... nóng! ảnh 4

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: MINH ĐIỀN

Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tập trung khá nhiều thời gian nói về hiện tượng lên - xuống thất thường của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian gần đây. Nguyên nhân chính được xác định là: ổn định về chính trị, xã hội; nền kinh tế phát triển bền vững với tốc độ 7% - 8%/năm; sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, và đặc biệt là công cuộc cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp đã thu được những thành quả ban đầu, tạo ra “hàng hóa” cho thị trường này. Đến nay, tổng số vốn lưu chuyển của TTCK chiếm 38% GDP, tạo một tín hiệu tốt cho sự đầu tư phát triển kinh tế.

Song Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng lưu ý: “TTCK luôn tiềm ẩn những rủi ro”. Giá chứng khoán tăng nhanh, chỉ số giá tăng chưa chắc đã phản ánh đúng giá trị thật, có thể được tạo ra do sự mất cân đối về cung - cầu, do các hoạt động đầu tư theo phong trào của các nhà đầu tư ngắn hạn… Để kiểm soát hiện tượng này, tạo điều kiện cho TTCK phát triển an toàn và bền vững, thời gian tới, sẽ đẩy nhanh công tác cổ phần hóa các công ty, kể cả các ngân hàng thương mại… để cân đối “cung - cầu”. Đồng thời, Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quy chế phối hợp giám sát các luồng vốn, đặc biệt là các luồng vốn lớn từ nước ngoài. “Việc áp dụng thu thuế thu nhập từ giao dịch chứng khoán đã được bàn thảo và có thể sẽ ban hành trong thời gian tới” – Bộ trưởng Ninh khẳng định.

BẢO MINH – VĨNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục