Những việc làm bình dị mà cao quý của một kỷ lục gia Việt Nam - Tình người thiêng liêng nhất

Là gương mặt thân quen ở phòng tiếp nhận từ thiện của Báo SGGP từ năm 1993, suốt 22 năm qua, ông Hồ Đại Phước (69 tuổi, hiện ở đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình, TPHCM), là một kỷ lục gia chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam, luôn đều đặn đến thăm tòa soạn và góp tiền giúp nhiều bà con khó khăn, cơ nhỡ, bệnh tật… đăng trang Nhịp cầu nhân ái của báo.
Những việc làm bình dị mà cao quý của một kỷ lục gia Việt Nam - Tình người thiêng liêng nhất

Là gương mặt thân quen ở phòng tiếp nhận từ thiện của Báo SGGP từ năm 1993, suốt 22 năm qua, ông Hồ Đại Phước (69 tuổi, hiện ở đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình, TPHCM), là một kỷ lục gia chụp ảnh các ngôi chợ có tên nhiều nhất Việt Nam, luôn đều đặn đến thăm tòa soạn và góp tiền giúp nhiều bà con khó khăn, cơ nhỡ, bệnh tật… đăng trang Nhịp cầu nhân ái của báo.

Như một cơ duyên, ông Phước luôn trăn trở, day dứt với những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật ấy. Ngày trước cũng vậy, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng ông đều dành ra một khoản tiền nhất định để chung tay giúp đỡ đồng bào bị thiên tai và những mảnh đời bất hạnh.

Ông Hồ Đại Phước xem lại những bức ảnh chụp gia đình mình dâng hoa lên tượng đài Bác Hồ những năm trước.

Ông Hồ Đại Phước xem lại những bức ảnh chụp gia đình mình dâng hoa lên tượng đài Bác Hồ những năm trước.

“Thời bom đạn, ai cũng khổ như ai, nghèo đói là tình trạng chung. Nhưng ngày nay, cuộc sống đã khá lên nhiều mà còn có người đói, khổ, đau vì bệnh tật thì thực không cầm lòng được. Mình không đau ốm đã là phước đức nên tôi rất muốn chia sẻ với những người kém may mắn. Khoản tiền tôi đóng góp cũng không nhiều nhặn gì nhưng đó là tấm lòng của một người dân đất Việt đối với đồng bào của mình. Đối với tôi tình người là điều thiêng liêng nhất, làm việc thiện cũng là tích đức cho con cháu sau này”, ông Phước tâm tình. Có lẽ vì vậy mà toàn bộ khoản tiền mừng đám cưới của cậu con trai và cô con gái cả trăm triệu đồng đều được ông và gia đình sử dụng làm từ thiện.

Điều đặc biệt, 22 năm qua gắn bó với Báo SGGP cũng chính là ngần ấy thời gian ông Phước âm thầm đóng góp khoản tiền nhỏ vào quỹ tôn tạo Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vào ngày 13-5 hàng năm, ông Phước đều đến tòa soạn báo khá sớm để nhờ Báo SGGP chuyển trao những khoản tiền thiện nguyện. Nào là phong bì tiền đóng góp vào quỹ tôn tạo Lăng Bác, nào là khoản tiền dành giúp nạn nhân chất độc da cam và thêm một khoản tiền nữa góp vào Quỹ Xã hội từ thiện của báo. Xong đâu đấy, ông Phước lại tự mình tới cửa hàng hoa tươi để đặt hoa, sáng 19-5 ông cùng gia đình trang trọng đến dâng hoa lên tượng đài Bác.

Những việc làm ấy suốt 22 năm qua chưa bao giờ ông quên, ước nguyện ấy, tấm lòng ấy, thói quen ấy như đã thấm đẫm vào tâm trí của ông như một người con hiếu thảo tưởng nhớ đến ngày giỗ của cha ông mình. Với ông Phước, tháng 5 ngày 19 còn là ngày gia đình riêng của ông có nhiều sự kiện nhớ đời: Đó là ngày vui khi ông được “giải phóng” sau 1 năm bị chế độ cũ kết án và cũng là ngày mất vào năm 1964 của người em trai kế - liệt sĩ hy sinh tại Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn)…

Vốn là một thầy giáo trường tư, năm 1973 ông Phước bị bắt đi lính, rồi đào ngũ, bị chính quyền cũ bắt rồi kết án lao động khổ sai ở Đắk Lắk và được thoát “gông xiềng” khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Ông trở về làm cán bộ văn hóa thông tin ở địa phương một thời gian rồi sau đó chuyển sang làm rẫy và chăn nuôi. “Sống trong thời chiến tranh loạn lạc mới hiểu được giá trị của hòa bình. Tôi có được ngày nay cũng là nhờ Đảng, Nhà nước và Bác Hồ. Bản thân tôi luôn trân trọng điều đó nên tôi muốn thành kính tưởng nhớ đến Bác theo cách riêng của mình. Vừa để thỏa cái tâm, vừa để răn dạy con cháu sau này về công ơn của Bác, của thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do, hòa bình của đất nước, nhất là chung lòng bảo vệ vẹn toàn biển đảo Tổ quốc ta”.

Những việc làm của ông Hồ Đại Phước làm người ta nhớ đến câu hát “Mỗi ngày ta chọn một niềm vui” và hơn hết, việc làm ấy còn đem niềm tin vượt qua nghịch cảnh của nhiều người khốn cùng, cần xã hội đùm bọc giúp đỡ. Và như truyền thống gia đình mấy chục năm qua, trong ngày hôm nay, tại tượng đài Bác Hồ trên đường Nguyễn Huệ (TPHCM), gia đình người công dân bình thường ấy tiếp tục hòa vào dòng người kính cẩn dâng lên Người lẵng hoa của lòng biết ơn sâu sắc…

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục