Niềm tin lớn vào nông nghiệp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu của nước ta tăng mạnh với kim ngạch đạt tới 33,62 tỷ USD (tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước) và xuất siêu đạt hơn 1 tỷ USD. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2017, giá trị nhập siêu lên tới gần 50 triệu USD.

Đây rõ ràng là một tín hiệu đáng mừng của năm 2018 khi niềm tin của xã hội vào nền kinh tế ngày càng bền vững và khởi sắc. Nhưng mổ xẻ và lý giải cho câu hỏi động lực nào thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu đạt được kỳ tích như thế, chúng ta thực sự ngạc nhiên khi nhận ra rằng trong hơn 1 tỷ USD xuất siêu đó có tới gần 820 triệu USD là từ ngành nông nghiệp. 

Thực tiễn nhiều năm qua đã chứng minh nông nghiệp là lợi thế của đất nước. Từ năm 2008, khi kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái, các sản phẩm nông nghiệp vẫn là chủ lực xuất khẩu, mang lại giá trị tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước, góp phần bình ổn xã hội. Thậm chí, nông nghiệp đã được tôn vinh là hậu phương bền vững của nền kinh tế khi gặp khủng hoảng và suy thoái. Giờ đây, kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng nông nghiệp vẫn trên đà tăng trưởng mạnh, liên tục lập nên kỷ lục bất ngờ. Trong các năm 2014, 2015, 2016, xuất khẩu và thị trường của nông sản đối mặt với nhiều rủi ro khó khăn đầu năm nhưng đến cuối năm vẫn đạt thành tích ngoạn mục, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thậm chí, trong 3 năm qua, có những sản phẩm như trái cây còn đạt giá trị xuất khẩu vượt cả lúa gạo và dầu mỏ, thị trường ngày càng rộng mở, kim ngạch năm sau vượt trội so với năm trước.

Cũng theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), 2 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đã đạt 6,1 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2017, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt tới 36,37 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,55 tỷ USD. Sự thật không thể phủ nhận là chính nông nghiệp đang mang về rất nhiều ngoại tệ cho đất nước. 

Nông nghiệp đang giữ vai trò quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhiều lần khẳng định, dư địa của ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều. Mấu chốt đặt ra hiện nay vẫn là câu chuyện giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ. Trong năm 2017 cũng như nhiều năm trước đó, không chỉ những người nông dân, doanh nghiệp mà cả các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cả xã hội vẫn còn đau đầu với thực trạng giải cứu nông sản, được mùa mất giá. Vì thế, nói về đầu ra cho thị trường nông nghiệp ở nước ta, then chốt hiện nay vẫn là hướng tới xuất khẩu. Trong một hội nghị tổng kết của Bộ Công thương tổ chức đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, tiềm lực sản xuất nông sản ở nước ta hiện nay rất lớn, chúng ta không lo sản xuất, thậm chí nhiều sản phẩm còn dư thừa nguồn cung nhưng khó nhất là tìm thị trường tiêu thụ. Để thúc đẩy giá trị tăng trưởng cũng như giải quyết bài toán thị trường, chúng ta cần phải hướng tới thị trường xuất khẩu. Ai sẽ là người lo tìm thị trường xuất khẩu? Thủ tướng đánh giá cao vai trò của các tham tán thương mại trong việc thông tin, đưa ra dự báo nhu cầu của các thị trường nhập khẩu cũng như nỗ lực giải quyết rào cản về kỹ thuật, xử lý sự cố tranh chấp... Mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã có cuộc gặp gỡ các tham tán thương mại và đánh giá cao công tác thương vụ. Chủ tịch nước yêu cầu công tác thương vụ phải lấy thành công của doanh nghiệp và hàng hoá Việt Nam làm thước đo và kim chỉ nam cho hành động của mình. Như vậy, vai trò của người đi tìm thị trường xuất khẩu rất quan trọng. Tuy nhiên, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cùng với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh nông sản hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới, điều quan trọng vẫn là nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước, không thể để như tình trạng rau trồng 2 luống, tôm xuất khẩu có kháng sinh, tỷ lệ mạ băng quá cao. Hàng hóa có thực sự chất lượng thì người làm ngoại giao mới có thể mạnh miệng giới thiệu về sản phẩm chúng ta làm ra với người tiêu dùng thế giới. 

Mặc dù còn rất nhiều điều trăn trở song chúng ta vẫn đang có một niềm tin lớn vào nông nghiệp. Vấn đề đặt ra bây giờ là chính sách như thế nào, có đi đúng hướng, đầu tư cho nông nghiệp có tương xứng với tiềm năng hay không?

Tin cùng chuyên mục