
Những ngày này, cán bộ, đảng viên, đồng bào và chiến sĩ cả nước đang hướng về thủ đô Hà Nội, dõi theo sự kiện trọng đại của đất nước là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII với niềm tin và nhiều kỳ vọng. Các cán bộ, đảng viên, nhân dân kỳ vọng, kỳ đại hội này Đảng sẽ thật sự tạo nên dấu ấn lịch sử về đường lối chiến lược và về nhân sự, đáp ứng được niềm tin ý Đảng lòng dân.
Tự chỉnh đốn Đảng có ý nghĩa quyết định
Đại hội diễn ra vào thời điểm nước ta vừa qua kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, Đảng cộng sản Việt Nam bước vào tuổi 86; đất nước cũng trải qua 30 năm đổi mới với nhiều thành quả và kinh nghiệm thực tiễn, đòi hỏi tư duy mới, đột phá thiết kế nên một giai đoạn đổi mới tiếp theo. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện nhất, với nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức, đòi hỏi tư duy năng động, linh hoạt, hành động bản lĩnh, chuyên nghiệp. Đó là lý do mà đại hội lần này nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân cả nước. Thông tin về phiên khai mạc đại hội đã được cập nhật thường xuyên trên các phương tiện đại chúng suốt thời gian qua. Vì vậy, sáng 21-1, rất nhiều đảng viên lão thành, nhiều người dân đã sắp xếp công việc từ trước để theo dõi phiên khai mạc Đại hội qua truyền hình. Toàn Đảng, toàn dân tuyệt đối gửi gắm niềm tin vào các đại biểu dự Đại hội. Trí tuệ, trách nhiệm, bản lĩnh của từng đại biểu phải in dấu trong nội dung văn kiện và trong lựa chọn nhân sự. Niềm tin, kỳ vọng này được thể hiện qua những câu chuyện của từng cán bộ, đảng viên, người dân về các vấn đề của Đại hội Đảng trong nhiều tháng qua.
Ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, nhân dân băn khoăn nhiều về việc, hiện nay chưa chỉ rõ được một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng, lãng phí… “Để làm được việc này, mỗi cán bộ đảng viên phải tiếp tục và kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Tự chỉnh đốn mình là việc làm có ý nghĩa quyết định. Song, Đảng cũng cần quy định cụ thể về việc chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Muốn chống tham nhũng, lãng phí phải dựa vào dân” - ông Lù Văn Que trao đổi. Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về pháp luật - dân chủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, dù tuổi đã cao nhưng có mối quan tâm sâu sắc đến tình hình đất nước. “Nhân dân rất kỳ vọng Đại hội Đảng đưa ra đường lối, chính sách đổi mới về đất đai, giáo dục, quốc phòng - an ninh và môi trường… Dân cũng quan tâm nhiều về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí. Bởi thực tế có sự lãng phí lớn về tiền của, đất đai, lãng phí về thời gian và nhân lực” - luật sư Lê Đức Tiết chia sẻ. Theo ông, Đại hội Đảng lần thứ XII phải làm sao lựa chọn được nhân tài, đó là những người được nhân dân mến mộ, là những người thời gian qua đã có sáng kiến đưa đất nước phát triển.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng về Đại hội Đảng lần thứ XII. “Không chỉ 4,5 triệu đảng viên mà cả hơn 90 triệu người dân Việt Nam không ai không kỳ vọng Đảng tiếp tục đổi mới ở cấp độ cao hơn, mạnh mẽ hơn để cho đời sống của nhân dân và vị thế của đất nước được nâng lên. Đó cũng là trách nhiệm của Đảng ta”, vị tướng gần 70 năm tuổi Đảng trao đổi. Ông mong muốn Đại hội Đảng lần thứ XII sẽ không chỉ nhìn nhận lại nhiệm kỳ XI, mà còn phải rút ra bài học của 30 năm đổi mới, để từ đây tạo ra giai đoạn phát triển ở cấp độ cao hơn về mọi mặt của kinh tế, xã hội. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, phẩm chất của Đảng ta phải là đạo đức, văn minh. Nếu có đạo đức thì trí tuệ sẽ được phát huy, tập hợp được sâu rộng sức mạnh của toàn thể nhân dân, đồng bào ở các nơi trên thế giới.
Người dân Tây Nguyên phấn khởi
Sáng 21-1, hòa chung trong không khí cả nước phấn khởi chào mừng sự kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, người dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Gia Lai cũng hân hoan, phấn khởi theo dõi phiên khai mạc đại hội.
Ngay sáng sớm, trên các ngả đường của thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), cờ Đảng, cờ Tổ quốc đã tung bay rực rỡ. Cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thì nô nức, phấn khởi theo dõi diễn biến của phiên khai mạc đại hội một cách nghiêm túc, trang trọng. Nhà ông Phạm Hữu Thông, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức, đông vui, nhộn nhịp hơn thường lệ bởi có cán bộ, người dân cùng đến theo dõi phiên khai mạc Đại hội Đảng được truyền hình trực tiếp trên ti vi. Với họ, Đại hội Đảng là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, ai cũng phải theo dõi để nắm bắt được những kết quả đất nước đạt được trong thời gian qua và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn. Ông Thông hồ hởi nói: ‘’Hôm nay khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tôi thấy rất háo hức, phấn khởi. Với niềm tin tuyệt đối vào Đảng, tôi mong rằng, đại hội lần này, Đảng sẽ tiếp tục đề ra những quyết sách đúng đắn, sáng suốt để lãnh đạo đất nước, nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, tiến bộ hơn’’.
Buôn Ngô, xã Uar (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) có hơn 95% là người đồng bào Jrai sinh sống với công việc chính là trồng mì và lúa nước. Ngay trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra, dù còn bận rộn với việc nương rẫy nhưng người dân vẫn tranh thủ thời gian để phát dọn đường sá, treo cờ hoa khắp các con đường, làng bản. Đến buôn Ngô vào thời điểm này, không khí vui tươi bao trùm cả buôn bản.

Người dân buôn Ja Rá, xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) tập trung tại nhà già làng Y Ly (bên phải ảnh) theo dõi phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII qua truyền hình (Ảnh: CÔNG HOAN)
Còn ở xã Nâm Nung (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), người dân cũng tạm gác công việc đồng áng để theo dõi phiên khai mạc Đại hội Đảng. Tại nhà già làng Y Ly (89 tuổi, ở bon Ja Rá, xã Nâm Nung), nhiều người dân đã tập trung để cùng nhau theo dõi diễn biến phiên khai mạc đại hội. Bên chén trà xanh, già làng Y Ly cùng người dân trong buôn vừa xem ti vi vừa bàn luận với nhau về các vấn đề liên quan đến Đại hội. Già làng Y Ly cho hay: Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm trật tự an toàn, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, về phát triển kinh tế, bà con đã được vay vốn xóa đói giảm nghèo, được đầu tư chương trình nước sạch, hỗ trợ cây trồng vật nuôi. Trong nhiệm kỳ tới, hy vọng Đảng, Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa để nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Đảng, Nhà nước cần đào tạo thêm nhân lực người dân tộc thiểu số, nhất là những cương vị lãnh đạo để góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng cho đất nước.
“Tôi đi theo Đảng đã hơn 50 năm và trải qua hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhờ ơn Đảng, ơn Bác, đất nước chúng ta có nhiều đổi thay và phát triển, cuộc sống người dân chúng tôi ngày càng ấm no hơn nhiều. Trong những năm qua, con em đồng bào M’nông ở xã vùng sâu chúng tôi đã được đến trường, đến lớp và một số ít đi học cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, phần lớn con em đồng bào vùng xa chúng tôi vẫn còn nghèo cái chữ và từ đó đã hạn chế đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để giúp đồng bào phát triển hơn nữa, chúng tôi mong các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm đến việc chăm lo “cái chữ’’ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa’’, già làng Y Ly tâm sự.
NHÓM PV