Nỗ lực đi lên từ vùng đất thấp

Quận Bình Thạnh (TPHCM) vốn là vùng đất thấp, vùng trũng thường xuyên bị ngập nước, ngập úng do mưa và triều cường, đã bao đời làm cho các cấp chính quyền và Đảng bộ địa phương phải nỗ lực tìm mọi giải pháp giải quyết.

Quận Bình Thạnh (TPHCM) vốn là vùng đất thấp, vùng trũng thường xuyên bị ngập nước, ngập úng do mưa và triều cường, đã bao đời làm cho các cấp chính quyền và Đảng bộ địa phương phải nỗ lực tìm mọi giải pháp giải quyết.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trải qua một giai đoạn cực kỳ thử thách trước vấn nạn đó, tưởng chừng như phải kéo dài thời gian, thế nhưng sự quyết tâm của chính quyền và đồng thuận cao của nhân dân, riêng quận Bình Thạnh sau hơn 40 năm đã làm thay đổi vấn nạn trên và tạo niềm tin trong nhân dân bằng nhiều dự án công trình và phi công trình.

Có thể điểm lại các dự án đó, đó là Trạm Kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, các công trình đê bao tại phường 28, công trình đê bao sử dụng cừ nhựa UPVC, cải tạo đường cống thoát nước đường Bùi Đình Túy, tuyến cống hộp 125 Đinh Tiên Hoàng (phường 3) và rất nhiều dự án khác. Chỉ riêng trong nhiệm kỳ Đảng bộ quận Bình Thạnh 2010-2015 đã đầu tư gần 54 tỷ đồng, tăng 180% so với nhiệm kỳ trước là minh chứng cho sự quyết tâm chống ngập trên vùng đất thấp này. Hiệu quả không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, mà còn thực hiện có kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ - sản xuất đúng theo định hướng và quy hoạch phát triển của một quận nghèo có nhiều yếu tố lịch sử trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng thành phố, đất nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bình quân mỗi năm tăng 8,4% (chỉ tiêu nghị quyết là 7%), thương mại dịch vụ bình quân hàng năm tăng 25,02%, trong đó ngành chiếm tỷ trọng cao nhất và chủ yếu là thương mại tăng 69,4%.

Con số trên trong nhiệm kỳ Đảng bộ quận Bình Thạnh 2010-2015 đã khẳng định sự phát triển này và từng bước hình thành diện mạo mới ở những khu vực có nhiều tuyến đường thường bị ngập nước như Trung tâm thương mại Văn Thánh, Khu thương mại dân cư Bình Hòa, khu chuyên doanh theo ngành nghề tài chính, ngân hàng (trên trục đường Phan Đăng Lưu, Điện Biên Phủ), văn phòng cho thuê (trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố), trang trí nội thất, trang thiết bị văn phòng (đường Bạch Đằng, Nơ Trang Long), khu vực bách hóa, công nghệ phẩm (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), khu vực kinh doanh ăn uống, khu vực dịch vụ du lịch ở bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, tạo cơ sở để quận lập quy hoạch phát triển thế mạnh trên địa bàn đến năm 2020.

Sự phát triển trên cho thấy đời sống của người dân, kể cả những nơi phức tạp nhất cũng “thay da đổi thịt”, có nề nếp văn hóa, văn minh trong đời sống hơn so với trước đây. Chẳng hạn như trên các đường Nguyễn Công Trứ, Ngô Tất Tố thuộc phường 19, cách đây 10 năm cũng có đường, có điện, có nước máy đầy đủ, nhưng khi mưa xuống hoặc triều cường thì con đường vẫn bị ngập nước, phải mất vài giờ sau mới rút hết. Nhờ công trình cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà nhiều con đường và cả khu vực đến dọc các đoạn đường Trường Sa, Hoàng Sa không còn bị ngập và sạch sẽ, khang trang hơn.

Điều đáng ghi nhận nữa là thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều công trình giao thông cũng được xúc tiến đầu tư cùng với các dự án chống ngập, cải tạo kênh rạch, không những làm cho đường phố có bộ mặt mới, mà qua đó người dân được hưởng lợi có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, có đời sống khá, đóng góp cho ngân sách nhiều hơn, tạo thêm điều kiện cho quận đầu tư tiếp các dự án phục vụ dân sinh, phát triển mọi mặt theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế: thương mại - dịch vụ - sản xuất có hiệu quả cao hơn.

Quá trình đầu tư - phát triển đó đem lại nhiều cơ hội và những thử thách, kể cả những bài học kinh nghiệm, để tiếp tục vực dậy vùng đất thấp mà nhiều người sống ở Sài Gòn xưa và TPHCM hôm nay đã ví von như vậy. Vùng đất ngập nước, ngập úng và phức tạp mọi mặt về an ninh, trật tự đến nay tuy đã đổi thay lớn nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là còn nhiều kênh rạch, những nơi đời sống của người dân còn khốn khó do ngập nước, thiếu cơ sở hạ tầng, kể cả nơi bị quy hoạch treo như bán đảo Thanh Đa bị quy hoạch “treo” nhiều năm không thể phát triển, thu hút đầu tư; hoặc con rạch Phan Văn Hân không khác gì con kênh đen, cũng hơn chục năm liền không giải quyết nỗi những bức xúc từ phía người dân và chính quyền.

Điều đáng mừng là đến năm thứ 41 sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các công trình trên và nhiều dự án khác đã được xúc tiến. Tin rằng một giai đoạn mới sẽ mở ra cho quận Bình Thạnh phát triển nhanh hơn, đúng theo định hướng phát triển của Đảng bộ Bình Thạnh và Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM.

NGỌC XUÂN

Tin cùng chuyên mục