Nỗ lực nâng chất bữa ăn học đường

Theo số liệu vừa được Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM công bố, TPHCM hiện có 41,9% học sinh thừa cân, béo phì. Đây là một trong những hệ quả của việc ăn uống thiếu khoa học, nhiều đạm, đường và tinh bột, ít rau xanh và trái cây.
Nỗ lực nâng chất bữa ăn học đường

Theo số liệu vừa được Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM công bố, TPHCM hiện có 41,9% học sinh thừa cân, béo phì. Đây là một trong những hệ quả của việc ăn uống thiếu khoa học, nhiều đạm, đường và tinh bột, ít rau xanh và trái cây.

Nỗ lực nâng chất bữa ăn học đường ảnh 1

Cải tiến chất lượng bữa ăn học đường là một trong những giải pháp nâng cao tầm vóc người dân

Được biết, từ năm 2013, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng và Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phát hành bộ thực đơn chuẩn áp dụng cho tất cả trường tiểu học ở 24 quận, huyện. Song quá trình thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì sao?

Khó chồng khó

Mặc dù được triển khai từ tháng 8-2013, nhưng tính đến hết tháng 7-2015 mới có 33 trên tổng số 151 trường tiểu học công lập có tổ chức bếp ăn bán trú áp dụng 100% bộ thực đơn chuẩn, 10 trường áp dụng 50% thực đơn và 108 trường (chiếm 72%) chưa áp dụng hoặc chỉ áp dụng thực đơn theo từng món ngẫu nhiên. Qua đó cho thấy sau hơn 3 năm thực hiện, số lượng trường áp dụng thực đơn chuẩn chưa nhiều, vẫn còn đơn vị duy trì thực đơn theo kiểu cũ với 2 món canh và mặn, thiếu rau xào và bổ sung thêm trái cây tráng miệng. Lý giải vấn đề này, bà Trần Thị Hoài Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh), cho biết với mức thu 25.000 đồng/ngày tiền ăn bán trú hiện nay, trường chỉ tổ chức được một bữa rau xào mỗi tuần; những ngày còn lại, khẩu phần ăn của học sinh chỉ bao gồm một món mặn, canh và trái cây tráng miệng.

Mặt khác, theo ông Quách Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Phú (huyện Củ Chi), thực đơn chuẩn yêu cầu bộ phận cấp dưỡng phải thay đổi thực đơn theo hướng giảm thịt, tăng rau, song điều này gặp không ít phản đối từ phía phụ huynh. Bởi thói quen ăn uống không phải chuyện có thể thay đổi một sớm một chiều. Thêm vào đó, học sinh không quen với khẩu phần ăn nhiều rau nên bỏ mứa thức ăn, phụ huynh vừa lo con không no bụng vừa tiếc số tiền đã đóng nên không ủng hộ cách làm của nhà trường. Bên cạnh đó, theo bà Châu Minh Thùy Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Bình Thạnh), thu nhập của cấp dưỡng hiện nay không nhiều dẫn đến việc đội ngũ này thường xuyên biến động, mỗi khi trường thay bếp trưởng mới lại có sự xáo trộn trong áp dụng thực đơn khiến việc áp dụng thực đơn chuẩn rất khó thực hiện. Ngoài ra, theo đánh giá của đại diện Phòng GD-ĐT quận 1, việc áp dụng thực đơn chuẩn khiến số lượng món ăn tăng hơn so với trước đây dẫn đến việc tăng cả khối lượng công việc lẫn thời gian phục vụ của cấp dưỡng. Để giải quyết tạm thời khó khăn này, các trường phải ổn định tư tưởng của bộ phận cấp dưỡng, thường xuyên bổ sung lực lượng bảo mẫu hỗ trợ nhà bếp trong một số thời điểm quan trọng. Song về lâu dài, các đơn vị kiến nghị sở, ngành nên sớm tăng thêm định biên bảo mẫu, cấp dưỡng để các cô tăng thêm thu nhập, yên tâm công tác.

Từng bước thay đổi nhận thức của học sinh

Đứng trước hàng loạt khó khăn về cải tiến chất lượng bữa ăn của học sinh, Phòng GD-ĐT quận Tân Phú đã vạch ra lộ trình thực hiện bao gồm lựa món ngẫu nhiên (năm học 2011-2012), lựa chọn thực đơn theo tuần (năm học 2012-2013) và áp dụng trọn bộ thực đơn (từ năm 2013 đến nay) cho tất cả lớp học. Ngoài ra, quận cũng tổ chức nhiều sân chơi kiến thức với tên gọi “Bữa ăn dinh dưỡng học đường” để tăng thêm hiểu biết và sự nhận thức về khẩu phần dinh dưỡng cho tất cả giáo viên, học sinh. Một số địa bàn khác như Phú Nhuận, Tân Bình, quận 10 không chỉ giới hạn phạm vi áp dụng ở trường công mà đơn vị còn động viên, khuyến khích trường tư và bếp ăn công nghiệp trú đóng trên địa bàn cùng thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 10, cho biết ngoài hai hình thức tổ chức bếp ăn ngay tại trường và hợp đồng với các công ty chuyên cung cấp suất ăn sẵn, địa phương còn phát triển loại hình hợp đồng căn tin cung cấp bữa trưa thông qua công đoạn chế biến ngay tại trường. “Sắp tới, chúng tôi sẽ áp dụng cho cả bậc THCS, tổ chức nhiều gameshow tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng và nâng cao chất lượng bữa ăn học đường”, bà Thủy bày tỏ.

Ở khía cạnh khác, cách làm đã được nhiều trường tiểu học trên địa bàn quận 10 chia sẻ để thực hiện, gồm in thực đơn chuẩn ra thành nhiều bản, gửi học sinh đem về cho gia đình đóng góp ý kiến. Ngoài ra, trên tất cả bảng thông tin, tuyên truyền đặt ở sân trường đều có thông tin về hàm lượng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cũng như yêu cầu cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh. Theo ông Nguyễn Minh, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD-ĐT TPHCM, sắp tới sở sẽ phối hợp với Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho đối tượng là các hiệu trưởng, bảo mẫu và cấp dưỡng tại tất cả trường tiểu học trên địa bàn TP. Ông Minh cũng kiến nghị các quận, huyện dựa trên tình hình thực tế tại đơn vị cân nhắc mức thu hợp lý để vừa đảm bảo áp dụng được thực đơn, vừa không gây hoang mang, lo lắng cho phụ huynh. Hiện mức thu tiền ăn bán trú ở các trường dao động trong khoảng từ 20.000 - 35.000 đồng/học sinh/ngày.

 Sau hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học thời gian gần đây, Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành văn bản tăng cường phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn, căn tin trường học. Theo đó, đối với các trường có tổ chức bếp ăn bán trú, bếp ăn phải có chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, bố trí ở nơi vệ sinh, môi trường thông thoáng, sạch sẽ, cơ sở vật chất đảm bảo đúng quy định bếp một chiều, thức ăn nấu chín có dụng cụ che đậy. Thực phẩm phải được thường xuyên kiểm tra 3 bước (đầu vào, trong quá trình chế biến và trở thành thành phẩm) trước khi cho học sinh ăn. Tất cả nhân viên làm việc ở bếp ăn phải tham dự lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe theo quy định.

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục