Ngày 7-3, cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tới Syria nhằm tìm cách chấm dứt các cuộc xung đột tại nước này để mở đường cho viện trợ nhân đạo. Cùng lúc đó, Nga và Trung Quốc cũng cử các phái viên tới Syria làm trung gian cho một cuộc ngừng bắn, ổn định tình hình nước này.
Cơ hội thành công: 5%
Cựu Tổng thư ký Kofi Annan bắt đầu chuyến thăm Syria ngày 7-3 trong nỗ lực ngoại giao mới nhất để chấm dứt xung đột giữa các lực lượng của chính phủ Syria với lực lượng đối lập. Có thể ông Annan sẽ gặp rất nhiều khó khăn nên hãng tin AFP gọi chuyến đi này là “nhiệm vụ bất khả thi”. Ông Annan sẽ có các cuộc hội đàm với lãnh đạo Liên đoàn Ảrập (AL) tại Cairo trước khi đến Syria cùng với phái đoàn hỗn hợp của LHQ và AL. Một thành viên phái đoàn LHQ cho biết dù cho cơ hội thành công của chuyến đi này là 5%, họ cũng phải cố gắng. Mục tiêu khiêm tốn của LHQ chỉ là ngừng bắn để tạo điều kiện cho công tác viện trợ nhân đạo tới các thành phố đang có chiến sự của Syria.
Ông Annan từng có nhiều cuộc tiếp xúc với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad từ khi ông còn là Tổng thư ký LHQ. Mặt khác, việc ông phản đối chiến dịch quân sự của NATO chống Libya năm 2011 có thể giúp cho ông nhận được thiện cảm từ Tổng thống Assad. Ông Annan yêu cầu rằng chỉ một mình ông là trung gian hòa giải cho vấn đề Syria. Điều này được đương kim Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ủng hộ khi cho rằng cộng đồng quốc tế nên dồn sức ủng hộ người tiền nhiệm của ông.
Hiện Nga và Trung Quốc cũng có các phái viên tới Syria. Li Huaxin, cựu đại sứ Trung Quốc tại Syria cũng sẽ tới Syria vào ngày 7-3 và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Cairo vào ngày 10-3 để gặp Tổng thư ký AL Nabil el-Arabi. LHQ hy vọng các phái viên của Nga và Trung Quốc cùng hợp sức với ông Annan tìm giải pháp cho Syria. Ông Annan khẳng định nhiệm vụ của ông không phải đến Syria để kêu gọi ông Assad từ chức, vì vậy, có thể ông sẽ nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, nhất là khi hai nước này đồng ý ủng hộ các nỗ lực cứu trợ nhân đạo chứ không ủng hộ lời kêu gọi của phương Tây đòi ông Assad từ chức.
Thông điệp cứng rắn từ đồi Capitol
Trong khi các nỗ lực ngoại giao vẫn đang được xúc tiến thì từ đồi Capitol, trụ sở Quốc hội Mỹ, theo AP, Thượng nghị sĩ John McCain đã kêu gọi chính phủ của ông Barack Obama mở một cuộc không kích vào Syria. Ông McCain cho rằng sự chần chừ của Nhà Trắng trong lúc chờ các biện pháp ngoại giao và cấm vận phát huy hiệu quả đã trở nên quá trễ so với tình hình thực tế, do đó nếu ông Assad tiếp tục nắm quyền thì đó sẽ là “thất bại về mặt chiến lược” của Mỹ. Theo ông, chỉ viện trợ vũ khí cho lực lượng đối lập thì chưa đủ. “Thế giới đang trông đợi Mỹ dẫn đầu một cuộc tấn công quân sự” - ông McCain nói. Thượng nghị sĩ McCain cũng là một trong những chính khách Mỹ kêu gọi nước này tham chiến tại Libya năm 2011.
Nhà Trắng cũng đang trông chờ thái độ của Nga khi Nga có tổng thống mới. Hãng tin Ria-Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết Mỹ hy vọng Nga gia tăng nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và chính trị ở Syria sau cuộc bầu cử tổng thống. Washington trước đó chỉ trích Nga không hợp tác đầy đủ với cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn bạo lực ở Syria khi cùng Trung Quốc 2 lần phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ về Syria.
Theo các nhà phân tích, Tổng thống đắc cử Nga Vladimir Putin sẽ không thay đổi chính sách của Nga với Syria. Ông Putin mới đây cảnh báo phương Tây chớ có can thiệp vào Syria, đất nước có quan hệ truyền thống với Nga. Theo Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, không cần thiết phải có nghị quyết mới về Syria và Nga đang có nghị quyết riêng để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria phù hợp với kế hoạch của AL.
Cũng hãng tin Ria-Novosti dẫn lời ông Yevgeny Satanovsky, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông tại Mátxcơva: Chính sách của Nga với Syria cũng như với các đối tác truyền thống khác thuộc khối Ảrập sẽ không thay đổi vì nó dựa trên lợi ích của Nga chứ không phải một cá nhân nào.
THỤY VŨ tổng hợp
- Thông tin liên quan:
>> Nga: Al Qaeda đang sát cánh cùng lực lượng đối lập Syria