Tổng quy mô học sinh toàn TPHCM năm nào cũng tăng theo cấp số nhân, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng đi lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu khiến mỗi năm vào đầu năm học mới, bài toán về quản lý vận chuyển học sinh lại đặt ra những yêu cầu mới. Trong đó, sự an toàn và tiện lợi luôn được các sở, ngành bức thiết đặt ra.
Xe đưa rước sụt giảm
Mới đây, tại hội nghị chuyên đề về đưa rước học sinh trên địa bàn TPHCM do Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM tổ chức, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, thừa nhận số lượng học sinh đi học bằng xe đưa rước đã giảm trong khoảng 3 năm trở lại đây. Cụ thể, nếu như năm học 2012-2013, toàn TP có 274 trường tham gia đưa rước học sinh bằng xe buýt với hơn 100.000 học sinh đăng ký tham gia thì cuối năm học 2015-2016 chỉ còn 133 trường với 32.159 học sinh di chuyển bằng phương tiện này, chiếm tỷ lệ 1,9% tổng số học sinh toàn TP. Lý giải điều này, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết, nguyên nhân chính làm giảm số trường và số lượng học sinh đi xe đưa rước là do tâm lý e ngại từ phía nhà trường, không có đủ nhân lực và kinh phí dành cho nhân viên kiểm soát khối lượng học sinh đi xe đưa rước nên nhiều đơn vị ngừng đăng ký tham gia. Ngoài ra, chất lượng phương tiện vận chuyển với hầu hết đã có tuổi thọ trên 10 năm cũng là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh chưa mặn mà loại hình dịch vụ này.
Học sinh Trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) sau giờ tan học được giáo viên tập trung, hướng dẫn qua đường
Minh chứng rõ nét điều trên, đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, thời gian đầu mới triển khai loại hình xe đưa rước, toàn quận 12 có 100% trường tiểu học và THCS đăng ký tham gia. “Do đặc thù địa bàn quận 12 có nhiều khu công nghiệp, có hai tuyến quốc lộ 1A và 22 giao nhau, nhiều xe lớn lưu thông vô cùng nguy hiểm nên nhu cầu phụ huynh đăng ký cho con đi học bằng xe buýt khá cao”, vị này cho biết. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm trở lại đây số lượng sụt giảm nghiêm trọng và nay chỉ còn 2 trường đăng ký tham gia. Riêng ở các quận nội thành, do đặc trưng đường phố nhỏ hẹp, thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm, cộng với việc học sinh sau giờ học chính khóa còn học thêm bồi dưỡng văn hóa, năng khiếu khiến xe đưa rước dù có nhiều tiện lợi vẫn không thu hút học sinh. Hơn nữa, theo quy định phân tuyến hiện nay của TPHCM, hai bậc tiểu học và THCS tuyển sinh theo địa bàn cư trú, học sinh ở phường nào sẽ được phân tuyến vào học tại trường trú đóng trên địa bàn phường đó nên khoảng cách từ nhà đến trường không xa, phụ huynh chọn hình thức tự đưa đón để chủ động về mặt giờ giấc. Trái lại, học sinh ở các huyện ngoại thành hoặc học sinh ở các bậc học lớn hơn mới có nhu cầu cao về xe đưa rước nhưng nhiều phòng GD-ĐT lại chưa quan tâm loại hình dịch vụ này. Cụ thể, chỉ có 15/24 quận, huyện tổ chức cho học sinh đi xe đưa rước nhưng khi được mời tham gia đóng góp ý kiến chỉ có 14 phòng GD-ĐT tham gia, 1 đơn vị còn lại và 9 quận, huyện chưa triển khai dịch vụ tỏ ra thờ ơ với loại hình dịch vụ này.
Khó quản phương tiện cá nhân
Xe đưa rước bị “thất sủng”, trong khi nhu cầu đưa rước của phụ huynh ngày càng cao do nhiều quận, huyện đang thực hiện chủ trương giảm số lớp học 2 buổi/ngày khiến số lượng học sinh sử dụng phương tiện cá nhân tăng vọt. Theo ước tính của phó phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm TPHCM, hiện nay có hơn 50% học sinh THCS, tập trung ở hai khối 8 và 9 trên địa bàn quận sử dụng xe đạp điện và xe máy đến trường. Đối với bậc THPT, con số này càng nhiều hơn nhưng chưa có đơn vị nào thống kê, kiểm soát nổi số lượng do các em gửi xe ở nhiều nơi, nhất là đối với những trường hợp học sinh đi xe phân khối lớn gởi xe bên ngoài để tránh sự quản lý, nhắc nhở của lực lượng giám thị. Kết thúc năm học nào, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt Công an TPHCM cũng gửi danh sách học sinh vi phạm luật giao thông cho Sở GD-ĐT, sau đó danh sách này được gửi về tận các trường có học sinh vi phạm để kịp thời nhắc nhở, giáo dục học sinh. Tuy nhiên, theo thừa nhận của nhiều hiệu trưởng, động thái này chưa đủ sức răn đe vì hình phạt lớn nhất theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông chỉ là bị buộc nghỉ học một tuần, không ảnh hưởng trực tiếp kết quả học tập khiến học sinh phớt lờ quy định. Các lỗi học sinh thường vi phạm là chạy xe không đội nón bảo hiểm, điều khiển xe phân khối lớn chưa đủ tuổi quy định, không có bằng lái, chạy xe vào đường ngược chiều…
Trước tình trạng đó, bà Bùi Thị Diễm Thu yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về lợi ích của xe buýt cho học sinh nhằm hướng các em tham gia loại hình vận tải công cộng, vừa an toàn, tiện lợi vừa tiết kiệm chi phí, thời gian cho phụ huynh cũng như góp phần giảm ùn tắc giao thông cho TP. Về phía Sở GTVT TPHCM, bà Thu cũng kiến nghị nghiên cứu lại lộ trình xe đưa đón để học sinh thuận tiện di chuyển. Trong đó, mọi kế hoạch hợp tác giữa các đơn vị vận tải với nhà trường cần công khai, minh bạch, ứng dụng thiết bị hỗ trợ bằng công nghệ để giảm khối lượng quản lý cho nhà trường, nâng cao khả năng kiểm tra, giám sát.
MINH QUÂN