Nỗ lực vượt khó, đem lại niềm tin cho người bệnh

Nỗ lực vượt khó, đem lại niềm tin cho người bệnh

Năm 2022 dù phải đối mặt với nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 để lại nhưng toàn ngành y tế đã chung sức đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, đạt được kết quả quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2023), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã dành cho phóng viên Báo SGGP cuộc trao đổi về những định hướng, mục tiêu ưu tiên năm 2023.

Bộ trưởng ĐÀO HỒNG LAN: Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương, sự cố gắng nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế, công tác y tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ngành y tế đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể của ngành và lĩnh vực được Chính phủ giao.

Cùng với đó, công tác thể chế được tập trung hoàn thiện, nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành y tế đã được phê duyệt. Nổi bật là Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Ban hành Nghị quyết số 80 /2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến ngày 31-12-2024… cùng nhiều chính sách quan trọng khác.

Đặc biệt, Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và là quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới. Các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến khác cũng được kiểm soát, chủ động giám sát, không để lây lan ra cộng đồng. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường từng bước phục hồi sau hơn 2 năm phòng chống dịch Covid-19… Những kết quả trên đây chính là động lực quan trọng để ngành y tế tiếp tục nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm 2023.

Đúng vậy! Những khó khăn, thách thức mà ngành y tế đang đối mặt là vô cùng lớn. Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp, có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn, cùng với đó là nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi. Trong khi hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước, đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc giai đoạn “hậu Covid-19” ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật còn bất cập, chưa đầy đủ, nhất là liên quan tới mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công. Năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, còn hạn chế. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Đối với lĩnh vực dược, công tác hậu kiểm giá thuốc kê khai còn hạn chế do bất cập về các tiêu chí rà soát hậu kiểm. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế. Vaccine cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, giá vaccine chưa được điều chỉnh trong nhiều năm.

Việc quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập quốc tế. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế ở cơ sở y tế công lập gia tăng do áp lực công việc, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp.

Về khách quan là các cơ chế chính sách và mô hình tổ chức hoạt động đối với lĩnh vực y tế đang trong quá trình chuyển đổi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thu nhập của người dân chưa cao, đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Về chủ quan, việc thực thi nhiệm vụ có nơi còn thiếu chủ động, chưa đổi mới, năng lực hạn chế, còn có tâm lý lo ngại sợ sai, sợ trách nhiệm. Việc thể chế hóa, hướng dẫn các quan điểm, chủ trương đã được ban hành trong một số luật, nghị định, nghị quyết của Đảng, Nhà nước còn chậm. Công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ nên việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vì thế để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó đầu tiên là tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức các đơn vị thuộc phạm vi Bộ Y tế quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để toàn xã hội đồng thuận, tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Triển khai các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các tuyến.

Đặc biệt, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù của ngành y tế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế. Giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Tăng cường quản lý giá thuốc, đảm bảo thị trường dược phẩm được duy trì bình ổn, đáp ứng đủ thuốc vaccine cho nhu cầu phòng và điều trị của người dân.

Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Tăng cường các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh giám sát thực hiện quy chế chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện. Về nhân lực và khoa học - công nghệ y tế, đẩy mạnh xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay diễn ra trong bối cảnh toàn ngành y tế đang đồng sức, đồng lòng vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 để lại. Cán bộ, công nhân viên chức ngành y tế đã luôn đoàn kết, vững vàng vượt qua gian nan, lấy người bệnh là trên hết và sẵn sàng dấn thân khi người bệnh cần, Tổ quốc cần. Dự báo thời gian tới, ngành y tế sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức mới, tôi mong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, thầy thuốc trên khắp mọi miền Tổ quốc tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, cố gắng hơn nữa, góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục