Nỗi buồn cúng riêng

Nỗi buồn cúng riêng

Vừa ăn cơm tối xong, bà Dần vội gọi chồng từ trong buồng ra để nói chuyện. Khi ông Tâm ra bàn pha trà uống nước, bà Dần bảo:

- Ngày mai là tới ngày giỗ bố đấy, ông có nhớ không?

Uống ngụm trà, rít xong bi thuốc lào, ông Tâm mới thủng thẳng nói:

- Giỗ ông đẻ ra tôi sao mà tôi lại không nhớ! Thế bà định lo toan chuẩn bị đám giỗ ngày mai đến đâu rồi?

- Tôi chẳng hiểu ý ông định thế nào, mở rộng, hay mời gọi những ai, nhưng theo tôi thì năm nay kinh tế khó khăn nhà mình làm giản đơn một mâm cơm, trước cúng cụ, sau cả nhà ăn chứ không có mời gọi ai cả…

- Thì tùy bà đấy! Muốn làm thế nào thì làm, giờ còn vui vầy gì nữa mà tổ chức to tát mở rộng cho tốn kém khi cái gia đình này đã tan nát… Con cả, con thứ hai, và cả thằng út đều cúng bố mẹ riêng rồi…

Bố ông Tâm có  4 người con, trong đó 2 gái, 2 trai, ông Tâm thứ 3, nhưng tính con trai thì là “cả” và theo truyền thống ở làng quê thì phải lo liệu việc cúng giỗ bố mẹ, ông bà tiên tổ. Những năm đầu khi bố ông Tâm mới mất, cả 3 người con kia đều theo giỗ ở nhà ông Tâm, nghĩa là họ góp giỗ để làm cỗ bàn cùng cúng bố mẹ rất vui vẻ. Thế nhưng, vài năm nay mảnh đất bố ông Tâm để lại rất rộng, lại có giá lên tới cả mấy triệu bạc một mét vuông nên những người chị, em của ông Tâm đã hùa nhau về đòi phần, đòi phận của mình để cắt bán. Ông Tâm nhất quyết không chia chác cho hai bà chị mình, tuyên bố phận nữ nhi đi lấy chồng hưởng lộc nhà chồng. Còn người em trai út của ông, dù khi bố mẹ chết không để lại di chúc chia chác rành rọt, nhưng ông vẫn cắt cho người em non nửa mảnh đất, nghĩa là ít hơn một chút xíu so với mình, bởi ông nghĩ mình là “trưởng” phải lo toan cúng giỗ, nhiều công việc họ hàng nên nhận hơn một chút cũng không phải tham lam… Thế nhưng, người em trai ông luôn ấm ức, nhiều bận còn chửi cả ông khiến tình cảm anh em sứt mẻ. Mâu thuẫn càng trầm trọng hơn khi hai chị gái ông đã hùa với em trai để xúm vào đòi đất, dẫn đến anh chị em ông kiềng mặt nhau.

Hai năm nay, cứ đến ngày giỗ bố, giỗ mẹ là chỉ có bà Dần con dâu và ông Tâm lo sửa soạn cơm cúng lễ, còn hai bà chị với em trai đã tự cúng riêng. Năm ngoái, gia đình ông Tâm cúng giỗ còn mở mang tới gần chục mâm để mời gọi những người họ hàng bên nội, bên ngoại, chứ năm nay bà Dần đã chỉ làm 1 mâm cơm cúng đơn giản.

Chuyện ngày giỗ mà các con cúng bố mẹ riêng bây giờ không còn là chuyện hiếm của nhiều gia đình ở làng Bầu ngoại thành này nữa, mà đã trở thành thực trạng chung đáng buồn ở nhiều làng quê khác, thậm chí ở cả các khu vực nội thành. Nguyên nhân là do trong cuộc sống hàng ngày giữa những người con đã nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí mâu thuẫn trầm trọng tới không thể hàn gắn được. Nếu như ở những thập kỷ trước, hiếm lắm người ta mới cúng riêng bố mẹ khi đến ngày giỗ, có khi chỉ vì lý do các con sống và lập nghiệp ở những vùng miền khác nhau, không tiện đoàn tụ nên mới làm vậy. Còn ngày nay, trong các đám giỗ bố mẹ, ông bà, cụ kỵ… mà có đủ đầy nhiều thế hệ cùng đoàn tụ đông vui hàn huyên là không còn nhiều lắm. Nguyên nhân khiến các người con cúng riêng bố mẹ do tranh chấp, chia chác đất đai, tiền bạc như gia đình bà Dần, ông Tâm ở xã hội hiện nay cũng rất nhiều, bởi đồng tiền và sức mạnh của nó đã làm nhiều người mờ mắt, chà đạp lên tình ruột thịt, máu mủ. Với những người coi đồng tiền là trên hết, họ chắc không nhận ra một điều rằng: Tiền bạc mất đi còn có thể làm được, lấy lại được, chứ tình cảm mất đi thì sẽ không bao giờ có thể gắn nối keo sơn.

Nguyễn Long (Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục