Nỗi đau chồng nỗi đau...

Con đường vào ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước (Hòn Đất, Kiên Giang) quanh co núp dưới bóng tràm, bóng tre mát rượi. Đó cũng là con đường dẫn đến ngôi nhà của bà Phạm Thị Xinh, 76 tuổi, nằm tựa lưng vào bụi chuối ven đường.
Nỗi đau chồng nỗi đau...

Con đường vào ấp Phước Hảo, xã Mỹ Phước (Hòn Đất, Kiên Giang) quanh co núp dưới bóng tràm, bóng tre mát rượi. Đó cũng là con đường dẫn đến ngôi nhà của bà Phạm Thị Xinh, 76 tuổi, nằm tựa lưng vào bụi chuối ven đường.

Bà Xinh quê gốc ở ấp 3 xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, Cần Thơ. Chồng bà, ông Võ Văn Chiếu mất năm 1974 khi bà còn rất trẻ, để lại một bầy con 7 đứa. Sau đó, chết mất 2 người. Trong 5 người con ấy có 2 người mắc bệnh tâm thần từ nhỏ là Võ Thị Nguyên, 42 tuổi và Nguyễn Văn Lai, 40 tuổi. 3 người con còn lại nghèo khó, bệnh tật nên chẳng giúp được mẹ nhiều.

Khoảng năm 1999, cuộc sống quê nhà khó khăn, bà rời nơi chôn nhau cắt rốn đến sinh sống tại ấp Phước Hảo, mang theo 2 người con là Nguyên và Lai. Những ngày đầu sinh sống tại nơi đất khách quê người bà mưu sinh bằng nghề cắt lúa mướn, dặm lúa thuê. Làm thuê ở nơi nào, mẹ con bà lấy tấm bạt, bao tải... dựng nhà ở tạm sống cho qua ngày đoạn tháng. 2 người con bị mắc bệnh tâm thần nên không giúp gì mẹ, gánh nặng gia đình đè trên đôi vai gầy của bà.

Nơi ở của gia đình bà Xinh được dựng bằng những tấm ni lông rách nát, tựa vào vườn chuối ven đường. Ảnh: ANH SÁNG

Nơi ở của gia đình bà Xinh được dựng bằng những tấm ni lông rách nát, tựa vào vườn chuối ven đường. Ảnh: ANH SÁNG

Thấy mẹ con bà khó khăn, không có chỗ ở, bà Tư Bé ngụ tại ấp Phước Hảo cho ở đậu trên khoảnh đất nhỏ vườn nhà. Bà con chòm xóm người giúp công, kẻ giúp của dựng cho mẹ con bà cái nhà nho nhỏ để trú mưa, trú nắng.

Từ ngày có chỗ ở ổn định, bà cũng đỡ vất vả hơn, không phải di chuyển chỗ ở thường xuyên nữa, chỉ lo mần ăn kiếm sống thôi. Mỗi lúc lên cơn, chị Nguyên lại chửi mẹ, rồi còn chửi hàng xóm và chửi cả bà Tư Bé nữa. Chịu đựng mãi không nổi, cuối năm 2010, bà Tư Bé đã không cho mẹ con bà ở đậu trên đất của gia đình nữa. Mẹ con bà trở thành người không chốn nương thân.

Thương cảm cho hoàn cảnh của mẹ con bà, anh Trương Thành Phước ở số nhà 104 cùng ấp, cho mẹ con bà mượn đất tá túc từ cuối tháng 10-2010. Mọi người lại xúm nhau vào giúp, người cho chiếc mùng, chăn, nồi nấu cơm, bát đũa… và dựng cho mẹ con bà cái nhà để ở. Gọi là “nhà” cho oai chứ nó chỉ là một túp lều nhỏ được căng, che chắn bởi những tấm bạt ni lông, bạt quảng cáo, bao tải kết lại, dựa vào lùm chuối. Mùa khô còn đỡ khổ chứ vào mùa mưa bão này thì “nhà” bà dột tứ tung, chăn mùng, giường chiếu ướt sũng.

Tuổi đã cao lại mang trong người trọng bệnh, bà không còn đủ sức đi cắt lúa mướn, dặm lúa thuê được nữa. Hàng ngày, buổi sáng bà đi dọc khắp các kênh rạch trong xã để hái trái mỏ quạ, rau muống, rau má, rau thuốc Nam đem ra chợ Mỹ Lâm hoặc ra đình ông Nguyễn Trung Trực bán kiếm tiền mua gạo, mắm muối; mỗi chuyến đi như thế bà kiếm được 20.000 đồng. Nhưng nguồn trái mỏ quạ, rau muống, rau má rồi cũng cạn kiệt nên lượng rau, lá thuốc bà kiếm được ít hơn khiến cuộc sống ngày càng khó khăn.

Nhưng đau lòng cho người mẹ già bất hạnh ấy biết bao, khi chị Nguyên ở nhà một mình, không biết kẻ táng tận lương tâm nào đã mò vào “giở trò” đồi bại khiến chị có mang, sinh cho bà đứa cháu trai vào năm 2001. Cháu ra đời, bà vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình có cháu ẵm bồng, nhưng lo vì không biết nó có mắc bệnh như mẹ nó không? Rồi nhà nghèo, bà lại già yếu bệnh tật không biết lấy gì mà nuôi cháu đây? Bà thương lắm, đặt tên là Võ Trọng Nhân.

Con cái bị tâm thần, bây giờ bà lại nuôi thêm cháu nên vất vả càng đè nặng trên đôi vai gầy guộc của bà. Hàng ngày, bà vay gạo nấu cháo rồi gạn lấy nước cơm cho cháu uống, khi thì bà mua sữa về pha cho cháu cầm hơi. “Nhờ trời, thằng bé sinh ra không bị mắc bệnh như mẹ, không ốm đau, bệnh tật nên cũng mừng, nếu không thì không biết xoay xở thế nào” - bà buồn bã tâm sự.

Năm 2005, khi Nhân được 5 tuổi, bà dẫn hai con và cháu lên núi bà chúa Sam ở An Giang chơi. Lễ hội đông đúc, người đi lễ chen chúc chật như nêm, Lai được giao nhiệm vụ cõng Nhân trên lưng, rồi mải vui bị lạc mất cháu, đến tận bây giờ bà cũng không biết cháu của mình lưu lạc nơi nào.

Mất con, bệnh tình của Nguyên càng trở nên trầm trọng, chửi bới bà suốt ngày. Những lời chửi mắng của con như những mũi kim đâm vào lòng bà đau xé tâm can. Nhiều lúc bà muốn bỏ đi, nhưng tình mẫu tử, tình yêu thương con của người mẹ đã níu kéo bà ở lại. Nỗi đau mất cháu chưa kịp nguôi ngoai thì năm 2007 bất hạnh lại đổ lên đầu bà, Nguyên lại vác cái bụng lùm lùm về bắt tội bà. Năm 2008, bé Như Ý chào đời trong sự khốn khó.

Anh Trương Thành Phước, người cho mẹ con bà Xinh ở đậu trên đất nhà, chia sẻ: “Gia cảnh bà Xinh rất khó khăn, đáng thương. Bà đã lớn tuổi lại bệnh tật nên rất yếu, một mình bà bươn chải nuôi hai con tâm thần và nuôi cháu nhỏ nên vất vả nhiều, nhất là về nơi ở”.

Còn ông Bàng Văn Cạn, Trưởng ấp Phước Hảo, cho biết, bà con và chính quyền địa phương muốn giúp đỡ dựng cho bà một căn nhà nhỏ để ổn định chỗ ở, nhưng do không có đất nên không thể giúp đỡ được. Mong rằng các nhà hảo tâm sẽ giúp đỡ cho bà có được miếng đất nho nhỏ để làm nơi trú ngụ. 

TRƯƠNG ANH SÁNG

Tin cùng chuyên mục