Theo dòng thời sự

Nỗi đau người hâm mộ

Nỗi đau người hâm mộ

Câu chuyện cổ tích thời hiện đại đã không xảy ra. Lào dù rất cố gắng dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả Việt Nam vẫn không qua nổi một Singapore mạnh hơn và toàn diện hơn. Điều mà Lào làm được là ghi 2 bàn vào lưới Singapore, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Thế là hết! Một Tiger Cup đầy cay đắng và cũng là nỗi đau quá lớn đối với sự kỳ vọng của người hâm mộ Việt Nam.

Nỗi đau người hâm mộ ảnh 1

Thạch Bảo Khanh (phải), cầu thủ chơi rất nổi bật của đội tuyển Việt Nam.

Sau trận thua Indonesia, các cầu thủ đã được tự do, điện thoại đã được trả và được phép rời khách sạn Horizon đi chơi hoặc về thăm gia đình… Thời gian đối với họ bây giờ thật dài và ngán ngẩm.

Với các quan chức Liên đoàn lại càng tệ hại hơn. Họ phải chịu trách nhiệm trước thất bại này dù không hẳn tất cả những lỗi lầm đều thuộc về họ.

Bóng đá vốn là một cuộc chơi, chỉ có điều là cuộc chơi này quá cay đắng và nghiệt ngã. 80 triệu con tim đã chết lặng khi lưới của Việt Nam rung lên. Những ngày nay, đi đâu cũng nghe mọi người nói trong đau xót và ở nơi nào cũng thấy họ bàn về thất bại của đội nhà. Sao mà chua xót thế!

Chiều qua, trong dòng người cổ vũ cho đội Lào, tôi nghe được nhiều tiếng thở dài: “Yêu thì vẫn yêu, cổ vũ thì vẫn cổ vũ nhưng liệu rồi có còn mãi niềm tin nữa hay không? Lào thắng rồi cầu thủ mình có đá tử tế nữa không?”.

Tôi hiểu, có những lúc niềm tin đã bị tổn thương và người ta ghê sợ với chính cái niềm tin đã hằng ấp ủ ấy. Mội đội tuyển được kỳ vọng hơn bao giờ hết và chưa bao giờ chúng ta đặt ra những chỉ tiêu cao như thế cho chính mình, thế mà tất cả đã bị xóa sạch.

Nỗi đau nào cũng qua đi, nhưng thất bại của hôm nay lại là một cái chết sẽ được lưu dấu vào lịch sử về một triều đại và một cách làm thiếu trách nhiệm để bóng đá Việt Nam phải trả cái giá quá đắt.

Ông Tavares ra đi sớm thời hạn và bây giờ, khi giải chưa kết thúc đã nghĩ ngay đến một HLV ngoại mới cho bóng đá Việt Nam, liệu có cần thiết?

Chúng ta không thất bại chỉ vì thầy ngoại cũng không hẳn là thua chỉ vì cầu thủ lãn công. Thất bại lớn hơn ở đây là thất bại trong công tác điều hành trong việc hoạch định những chiến lược mang tính tầm nhìn. “Tôi từ chối Việt Nam, chọn Indonesia vì thấy kế hoạch và chiến lược của quốc gia này rõ ràng và thực tế hơn với những gì mà bóng đá Việt Nam đặt ra” – lời của ông Peter Withe khi trở lại Việt Nam với tư cách là nhà cầm quân của Indonesia có lẽ đã nói thay tất cả.

Trở lại trận thua Indonesia, khi Phó Chủ tịch Trần Duy Ly đề nghị với ông Tavares về đội hình không hợp lý mà ông đưa ra trước khi bóng lăn có phải là một ý kiến hay? Lẽ ra chúng ta hoàn toàn có thể tránh được thảm họa mà không cần phải lên tiếng ở phút 89 nếu những người có trách nhiệm dũng cảm và trung thực hơn với chính mình.

Đổ tội cho Tavares để sau đó Tavares đổ tội cho cầu thủ thì quá dễ và quá đơn giản. Những người gắn bó với bóng đá Việt Nam lâu nay vẫn có chung một nhận xét khi nói về “phong trào” thuê HLV ngoại và đổ hết trách nhiệm cho HLV ngoại sau mỗi thất bại là an toàn nhất (!?). Đó là một thói quen chết người vì nó không giúp cho những người chịu trách nhiệm có được lòng can đảm mỗi khi nhìn vào trách nhiệm và chỗ đứng của mình.

Hai hôm nay, Văn phòng Liên đoàn bóng đá và Ủy ban TDTT khá nhộn nhịp cho những cuộc họp hành, mổ xẻ, giải quyết (và cả giải pháp) với giao ban. Mọi cái đều đang rối lên trong vòng quay của nó. Cũng từ đây, nghe thông tin từ nội bộ là sẽ có đại hội bất thường để cải cách, để chỉnh huấn lại bộ máy và cũng nghe cả những cuộc chạy chỗ và chạy ghế.

Nguyên Anh

Tin cùng chuyên mục