Nói dễ, làm khó

Có một nghịch lý là ai cũng biết vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường là rất hữu ích nhưng không phải ai cũng sẵn lòng lựa chọn loại này khi thi công xây dựng công trình.

Có một nghịch lý là ai cũng biết vật liệu xây dựng (VLXD) thân thiện với môi trường là rất hữu ích nhưng không phải ai cũng sẵn lòng lựa chọn loại này khi thi công xây dựng công trình.

Một kiến trúc sư đã nhiều năm lăn lộn trong nghề cho biết gỗ chính là loại VLXD dẫn đầu về tính thân thiện với môi trường, đơn giản là vì một khi không còn sử dụng được gỗ nữa thì bản thân gỗ ấy khi tự phân hủy cũng tạo ra mùn đất vốn dĩ rất có ích cho cây cối. Tiếp theo là các loại vật liệu xuất phát từ đất và cát, chẳng hạn như gạch không nung được lấy từ đá bazan cắt ra hoặc đá gạch tự nhiên. Nguyên nhân khiến vật liệu nung không thân thiện với môi trường là vì khi phân hủy, vật liệu nung không còn có ích gì cho tự nhiên.

Kiếng xây dựng vốn dĩ đang là mốt thời thượng trong hầu hết công trình xây dựng hiện đại thì sao? Kiếng lắp đặt trong hầu hết công trình xây dựng sẽ không phải là VLXD thân thiện với môi trường nếu chỉ đơn thuần là… kiếng. Thế nhưng kiếng lắp đặt trong công trình xây dựng sẽ có ích nếu có tính năng tích hợp, hấp thụ ánh sáng mặt trời để phục vụ cuộc sống con người như để chiếu sáng, đun nấu…

Theo các dẫn giải nêu trên, rõ ràng những vật liệu không thể tự phân hủy đều không có tính thân thiện với môi trường mà tiêu biểu cho số này chính là các loại vật liệu polymer. Trên thực tế phải thừa nhận gần đây có xu hướng xây dựng nhưng cố gắng giảm thiểu bê tông hóa, từ làm đường sá cho đến làm nhà. Điều này giải thích vì sao gần đây trên nhiều tuyến đường tại TPHCM, khi làm đường hay nâng cấp cải tạo các vỉa hè, cơ quan chức năng luôn chừa ra các khe rãnh, các khoảng hở không bê tông, thay vào đó là các mảng xanh của cây cỏ, lá hoa.

Một chuyên gia của Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM cho biết, trên lý thuyết, mấu chốt của tiêu chí phát triển “xanh” là khuyến khích sử dụng năng lượng sạch và sử dụng VLXD thân thiện với môi trường. Chỉ tiếc một điều là, cho đến nay dường như vẫn còn thiếu vắng tiêu chí “xanh” trong xây dựng. Sự thiếu vắng này không phải cơ quan chức năng không biết nhìn xa trông rộng nhưng có lẽ vì ngay cả khi có tiêu chí “xanh” trong xây dựng thì tiêu chí ấy cũng chỉ mang tính khuyến khích chứ chưa thể bắt buộc.

Gần đây, các chuyên gia trên thế giới và trong nước cũng đã khẳng định rằng  “VLXD thân thiện với môi trường” sẽ trở thành một trong những khuynh hướng chính của cuộc sống hiện đại. Không chỉ tại các nước phát triển, ngay cả những quốc gia đang phát triển, các tầng lớp dân cư cũng đã bắt đầu ý thức hơn về mua sắm VLXD thân thiện với môi trường với nhận thức rằng sản phẩm không chỉ có chất lượng tốt, mà còn phải an toàn cho sức khỏe và không hoặc ít gây ảnh hưởng đến môi trường sống!

Có thể nhắc đến sản phẩm sơn như một điển hình cho sự thích ứng này. Bằng việc sử dụng nguyên vật liệu an toàn, có một thương hiệu sơn tên tuổi đã tung ra thị trường loại sơn có chứa hàm lượng VOC thấp. Trong chuyên môn, VOC chính là tập hợp các chất hữu cơ dễ bay hơi có tác dụng làm sơn mau khô nhưng tác dụng phụ là dễ gây ra hiệu ứng nhà kính - đồng nghĩa ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu, gây tác động xấu đến sức khỏe con người như dị ứng, viêm xoang, đau đầu, tổn hại gan… Mặt trái hay chính xác hơn hạn chế của loại sơn đặc chế có hàm lượng VOC thấp này chính là chi phí đầu tư tốn kém hơn, tức là giá thành sản phẩm sẽ cao hơn bình thường!

Nói cách khác, nếu vì yếu tố lợi nhuận, kinh tế sẽ không lạ nếu người ta không tha thiết với các loại VLXD thân thiện với môi trường. Đó là cái khó lớn nhất để các loại VLXD thân thiện với môi trường trở nên phổ biến trong cuộc sống.

THIỆN NHÂN

Tin cùng chuyên mục