Nỗi khổ “3 trong 1”

Mới đây, trong một lần người viết có dịp đến thăm Trường Tiểu học - THCS tư thục Hồng Ngọc (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM), cơ sở 2 của trường đặt tại khuôn viên của Trường THCS Trí Đức (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) đã chứng kiến cảnh các em học sinh lớp 3, 4 nằm thu mình trên những chiếc phản, vốn là bàn học của các lớp buổi sáng được kê lại làm giường ngủ “dã chiến” cho các em. Do là giường ngủ tận dụng từ bàn học nên chiều dài mỗi chiếc giường chỉ khoảng 1m.

Mới đây, trong một lần người viết có dịp đến thăm Trường Tiểu học - THCS tư thục Hồng Ngọc (phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TPHCM), cơ sở 2 của trường đặt tại khuôn viên của Trường THCS Trí Đức (phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) đã chứng kiến cảnh các em học sinh lớp 3, 4 nằm thu mình trên những chiếc phản, vốn là bàn học của các lớp buổi sáng được kê lại làm giường ngủ “dã chiến” cho các em. Do là giường ngủ tận dụng từ bàn học nên chiều dài mỗi chiếc giường chỉ khoảng 1m.

Trao đổi với chúng tôi, một bảo mẫu tại đây cho biết đối với học sinh các khối 1, 2, 3, việc ngủ của các em khá thoải mái. Nhưng đối với những học sinh lớp 4, 5, cơ thể các em đã phát triển, có em cao đến 1,3m nên khi ngủ, nếu nằm ngửa sẽ bị dư chân ra ngoài, trường hợp nằm nghiêng mới đảm bảo cả người và chân cùng trên mặt phản. Giải thích vấn đề này, bà Trần Thị Nga, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết do đây là cơ sở dùng chung với Trường THCS Trí Đức nên thiết kế bàn, ghế chưa phù hợp với việc ăn, ngủ của học sinh tiểu học. Song “đây chỉ là cơ sở học tạm trong thời gian chờ xây mới cơ sở 2, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng từ tháng 6-2016. Sau khi chuyển về cơ sở mới, các em sẽ có phòng ăn, chỗ ngủ đàng hoàng với thiết kế dành riêng lứa tuổi học sinh tiểu học”, bà Nga cho biết.

Trường hợp khác, Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn (quận 7, TPHCM) hiện nay đang hoạt động theo mô hình trường công lập tự chủ tài chính toàn phần, có tiền thân là Trường Dân lập Nam Sài Gòn với thiết kế xây dựng ban đầu dành cho hai bậc mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, sau này khi đưa vào sử dụng, trường mở rộng thêm nhiều cấp học, trong đó có hai bậc THPT và THCS. Theo ông Đào Văn Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, đơn vị đã phải sửa chữa, cải tạo rất nhiều cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở các bậc học cao hơn. Cụ thể, phòng ăn cho học sinh mầm non và tiểu học đã được cải tạo làm hội trường có nhiều vách ngăn, khi cần có thể ngăn ra làm ba phòng học chuyên đề cho học sinh trung học. Ngoài ra, trong khuôn viên trường vẫn còn lưu giữ nhiều cầu tuột, xích đu, sân chơi cát vốn dành riêng cho lứa tuổi học sinh mầm non và tiểu học. Kể chuyện vui, vị lãnh đạo này cho biết nhiều hôm đang răn dạy một học sinh trung học thì có một học sinh tiểu học chạy đến kéo áo thầy “méc” tội bạn học cùng lớp. “Khó khăn của chúng tôi hiện nay là tổ chức những buổi sinh hoạt dưới cờ sao cho phù hợp với cả ba nhóm đối tượng khác nhau ở ba bậc học”, ông Lợi bày tỏ.

Qua hai trường hợp vừa kể trên, một ở trường tư thục, một ở trường công lập đã cho thấy khó khăn chung của những ngôi trường đang hoạt động theo mô hình nhiều cấp học. Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trong việc “co kéo” cơ sở vật chất, tổ chức sinh hoạt phù hợp chung với tất cả học sinh ở các bậc học. Song nếu căn cứ vào nhu cầu giảng dạy cũng như những đặc trưng riêng về tâm sinh lý của học sinh ở từng độ tuổi sẽ thấy dù san lấp thế nào, khoảng cách vẫn là điều khó tránh khỏi. Nhất là khi quỹ đất dành riêng cho giáo dục của TPHCM luôn trong tình trạng “cung không đủ cầu” thì giấc mơ đạt chuẩn ở từng cấp học xem ra là hành trình còn rất dài… 

THANH THU

Tin cùng chuyên mục