Đến hẹn lại lên - mùa tựu trường, các bậc cha mẹ lại đối mặt với nỗi lo mua sắm sách vở, đồng phục, tiền trường, gồm các khoản thu theo quy định và ngoài quy định. Mặc dù ngành GD-ĐT đã quy định rõ về các khoản thu đầu năm nhưng nó vẫn bị biến tướng dưới nhiều hình thức, núp bóng xã hội hóa giáo dục…
Nghèo - khá đều than
Nhà nào có con cái đi học cũng than thở, nặng lòng vì chi phí đầu tư cho việc học hành của con cái quá nặng, trong đó các khoản đóng đầu năm luôn tạo áp lực lớn. Không chỉ người có thu nhập thấp than thở nhiều, mà ngay cả người có thu nhập trung bình khá từ thành thị đến nông thôn cũng cảm thấy gánh nặng tài chính dành cho sự nghiệp học hành của con cái chiếm nhiều nhất, từ 30% - 50% tổng thu nhập hàng tháng. Anh Trần Hàng, có hai con, một học tiểu học và một học mẫu giáo ở quận Tân Bình, bộc bạch: “Thu nhập của hai vợ chồng làm công nhân cao lắm cũng được 7 - 8 triệu đồng/tháng, ngoài chi phí ăn ở, thuê nhà, mỗi tháng, chúng tôi phải tốn gần 4 triệu đồng tiền học hành cho hai đứa con, trong đó có một cháu học lớp 1 bán trú hết gần 1,5 triệu đồng/tháng) và còn cháu học mẫu giáo tư thục (2 triệu đồng/tháng + tiền sữa 500 ngàn đồng/tháng). Như thế chỉ còn một nửa thu nhập phải cân đo, gói ghém cho sinh hoạt khác. Đầu năm học này, dự tính các khoản nhà trường thông báo phải đóng cho hai con hết gần 5 triệu đồng gồm tiền bán trú, bảo hiển y tế (BHYT), tiền cơ sở vật chất, học Anh văn tự chọn, bảng tương tác, tiền nước uống…”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh, nhà ở đường Quang Trung (quận Gò Vấp) cũng than thở về nỗi khổ tiền trường phải đóng đầu năm học mới. Chị cho biết: “Nhà có hai đứa con đi học, đứa lớn học lớp 12 , đứa học lớp 6 và cảm thấy hụt hơi lo cho chuyện học của con cái. Tổng chi phí phải đóng cho hai đứa đầu năm với nhiều khoản (tiền học chính thức, học ngoài giờ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền cơ sở vật chất, các loại quỹ lớp, quỹ trường, quỹ khuyến học…) hết hơn 8 triệu đồng. Trong số này, riêng con trai học lớp 12 ở Trường THPT Tân Thạnh quận Tân Phú phải đóng tổng cộng 5,5 triệu đồng. Còn con gái nhỏ, lớp chưa họp phụ huynh nhưng dự kiến phải đóng khoảng 3 triệu đồng. Đó là chưa kể các khoản phải mua sắm đầu năm học như sách vở, dụng cụ học tập, quần áo đồng phục, giày dép… của hai con cũng hết gần 2 triệu đồng. Lương công nhân vệ sinh của tôi và lương bảo vệ của chồng làm sao đủ chi phí cho con học ”.
Học sinh mẫu giáo có cần thay đổi đồng phục mới?
Khảo sát nhiều phụ huynh có mức thu nhập trung bình và khá ở TPHCM (thu nhập bình quân tối thiểu 3 - 5 triệu đồng/người/tháng trở lên), họ cũng thở than không ít. Theo họ, chi phí đầu tư cho con cái ăn học thời nay quá tốn kém, nhất là cho con học tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Anh Hiền - một phụ huynh thuộc diện thu nhập khá ở TPHCM, có con học ở một trường tiểu học quận 3, ngao ngán liệt kê các khoản phải chi đầu năm cho cậu con trai học lớp 1 hết gần 15 triệu đồng. Trong đó, riêng khoản tiền học chương trình tiếng Anh tích hợp đóng luôn 1 quý cùng sách vở học cả năm hết 11 triệu đồng.
Tự nguyện theo kiểu “ép buộc”
Năm nay, mức đóng BHYT tăng cao gần gấp đôi năm ngoái, kèm theo đó tiền ăn bán trú và nhiều khoản tiền trường tăng cao hơn đã tạo gánh nặng cho nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, những khoản đóng bắt buộc nhiều khi không cao bằng khoản tiền được gọi là xã hội hóa. Anh Tấn, có con học ở một trường mầm non ở quận 5, cho biết: “Nhà trường có thông báo vận động phụ huynh đóng góp chi phí để lắp máy lạnh đạt 100% số phòng. Tuy nói là tự nguyện nhưng thử hỏi phụ huynh nào có thể phản đối.
Không những thế, trường còn đổi đồng phục tốn kém và bắt buộc các cháu phải mua đồ ngủ để thay ở trường vào mỗi buổi trưa!”. Cũng theo anh Tấn, đầu năm nhà trường “đẻ” ra những khoản thu và chi thêm không hợp lý khiến phụ huynh phải nặng gánh lo âu.
Năm học trước, nhiều trường học ở TPHCM đã “núp bóng” xã hội hóa và đặt ra nhiều khoản thu ngoài quy định không được phụ huynh đồng tình. Điển hình như Trường THCS Collette (quận 3) dự định xây mới nhà vệ sinh hiện đại hết 2 tỷ đồng. Một số trường khác thì vận động phụ huynh đóng góp kinh phí để xã hội hóa trang thiết bị trường học như mua bảng tương tác, máy chiếu hoặc đầu tư phòng tập đa năng, sân bóng mini, trang bị phòng máy lạnh… Khi bị phụ huynh chất vấn, phản ứng về những khoản thu bất hợp lý thì ban giám hiệu nhà trường luôn đẩy “trái bóng trách nhiệm” về phía ban đại diện cha mẹ học sinh. Và câu chuyện này luôn ẩn chứa nhiều điều khó nói, bởi lẽ nếu không tham gia thì sợ bị nhà trường “để ý”, còn “tự nguyện” thì ấm ức vì phải làm theo số đông hoặc theo ban đại diện hội phụ huynh…
Phải thừa nhận hàng năm nguồn kinh phí dành cho giáo dục của TPHCM dù lớn nhưng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như mong muốn nâng cấp, hiện đại hóa môi trường học đường ở các trường. Vì thế, sự chung tay, chung sức của xã hội đã góp phần giải quyết bài toán khó này. Nhiều năm qua, nhờ cầu nối xã hội hóa giáo dục, diện mạo của nhiều trường học ở TPHCM, nhất là các quận trung tâm ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, các khoản thu đầu năm luôn là bài toán khó, nặng trĩu nỗi niềm. Để tạo được sự đồng thuận của phụ huynh trong việc tham gia xã hội hóa giáo dục thì các khoản thu thêm ngoài quy định phải hợp lý, minh bạch, rõ ràng. Trong tình hình kinh tế, đời sống khó khăn, thu nhập của một bộ phận người dân đi xuống, việc cố gắng đầu tư cho con em đi học và học hành đàng hoàng đối với nhiều phụ huynh đã vượt quá sức. Chính vì thế, các trường đừng nghĩ ra các khoản thu ngoài quy định hoặc cố tình “móc túi” phụ huynh dưới cái mác tự nguyện.
HÀ KHÁNH