Phà Cát Lái là phương tiện giao thông đường thủy nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Trong những ngày tết, các công nhân vận hành phà phục vụ thâu đêm suốt sáng để nối liền mạch giao thông.
Không xuân nào đón tết cùng gia đình
Phà Cái Lái là bến phà lớn huyết mạch, có lượng hành khách đi rất đông. Trong những ngày giáp tết, lưu lượng người và xe qua phà tăng cao. Trên những chuyến phà luôn nhộn nhịp người đi xe máy về quê, chở theo túi xách, va li và quà tết (thùng bia, bánh kẹo…). Trong khi đó, tại buồng lái, thuyền trưởng lặng lẽ điều khiển phà qua lại, chăm chú quan sát, vận hành để lưu thông đảm bảo an toàn.
Chuyến phà Cát Lái phục vụ người dân đi lại trong ngày tết
Khi phà đang cập bến chờ khách lên, thuyền trưởng Hà Ngọc Thanh ngồi trong buồng lái nhìn xuống dưới chờ đồng nghiệp phất tay ra hiệu lệnh chạy. Chúng tôi tranh thủ lúc này để thăm hỏi thuyền trưởng. Anh tâm sự: “Tết năm nay tôi 55 tuổi đời và gần 35 năm trong nghề. Từ khi theo nghề đến giờ thì cũng chừng ấy năm tôi không thể về đón tết cùng với gia đình. Đã chọn nghề này thì phải chấp nhận làm việc căng thẳng, tết cũng không nghỉ. Mấy năm đầu, tết tôi không về, vợ tủi thân lắm, nhưng riết rồi cũng quen”, anh Thanh chia sẻ.
Đồng nghiệp của anh Thanh, thuyền trưởng Võ Chí Đỉnh cũng đã hơn 30 năm theo nghề. Anh Đỉnh kể: “Trước khi lập gia đình, tôi đã theo nghề này, nên ngay từ khi mới quen chưa cưới, vợ tôi đã hiểu công việc của tôi và thông cảm được. Năm nào cũng vậy, đợi khi hết tết, có ngày nghỉ, tôi mới có thể đưa vợ đi chơi bù đắp lại. Gia đình tôi bây giờ đã có cháu nội và cả nhà đều chia sẻ công việc, nên tôi đi làm về mệt nhọc còn được mọi người chăm sóc. Do vậy, tôi có thể tập trung lo công việc lái phà. Ngày tết phục vụ người dân qua lại thuận tiện, an toàn là thấy vui rồi”.
Hết lòng thực hiện nhiệm vụ
Trên phà, công việc căng thẳng, trên bến phà cũng không nhàn hơn, vì cần sự tổ chức phối hợp nhịp nhàng cho sự vận hành phà. Chị Nguyễn Thị Hường đã công tác ở đây 11 năm, chia sẻ: “Ngày tết không được sum vầy với gia đình, hồi mới vào làm thì thấy buồn, nhưng rồi cũng quen, nay thấy cảnh mọi người hân hoan qua phà nhanh chóng, thuận tiện, mình rất vui. Trước và sau giao thừa, nhiều người dân vào trung tâm TPHCM vui chơi và trở về qua phà. Được góp sức nối liền mạch giao thông cho người dân vui tết, mình tìm thấy niềm vui trong công việc của mình”.
Nhớ lại những ngày mới vào làm, anh Nhan Kỳ Quốc kể: “Hồi ấy, tôi mới cưới vợ thì xin được việc việc làm ở bến phà, nên vợ phải ở nhà một mình. Những ngày tết, chồng lại vắng nhà, vợ cũng chạnh lòng rưng rưng nước mắt, nhưng cũng thông cảm chịu đựng. Sau vài năm thì vợ vào làm chung công ty nên tết năm nào cũng có nhau, còn con cái thì để ông bà nuôi”. Chị Ngô Mỹ Hạnh (vợ anh Quốc) vui vẻ tâm sự: “Lúc mới yêu anh ấy, tôi đã biết công việc của anh phải phục vụ 24/24 giờ. Nhưng ngày tết chồng phải làm việc căng thẳng mà mình đi chơi thì cũng không thấy vui. Do vậy, tôi xin vào làm chung đơn vị để cùng san sẻ vui buồn trong công việc với chồng. Sau tết, cả hai xuống ca thì cả nhà đi chơi, ăn tết muộn”.
Ngày tết, chúng tôi thấy ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong (thuộc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong), đang đứng ngoài trời nắng để quan sát, chỉ đạo nhân viên làm việc, nên đến hỏi thăm về hoạt động của xí nghiệp trong những ngày này. Ông Tuấn cho hay: “Hầu như năm nào cũng vậy, từ 20 tháng Chạp cho đến mùng 10 Tết là khoảng thời gian cao điểm rất đông người về quê, du xuân, nên chúng tôi phải tăng nhân sự và tăng chuyến để phục vụ người dân lưu thông qua phà. Hết tết vẫn làm việc bình thường, nhưng đỡ căng thẳng, có thể sắp xếp cho anh em có thời gian nghỉ bù đi chơi với gia đình. Bản thân tôi dịp tết cũng không có ngày nghỉ, vì phải kịp thời giải quyết những chuyện cấp bách, trục trặc. Anh em ở đây có thể tận tâm thực hiện nhiệm vụ là nhờ được gia đình thông cảm, chia sẻ”.
THANH HẢI