Dịp cuối năm, nhu cầu thực phẩm tăng mạnh, người dân lại canh cánh nỗi lo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Có thể thấy, liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra ở nhiều nơi với quy mô và số lượng lớn càng khiến người dân cảm thấy bất an và mất niềm tin vào các cơ quan chức năng. Bởi, dường như đã và đang diễn ra tiền lệ, khi các cơ quan quản lý vào cuộc thanh tra kiểm soát thì ATVSTP được an toàn hơn.Vậy nhưng, ngay khi các đợt thanh - kiểm tra kết thúc, hàng loạt vụ ngộ độc với quy mô lớn, nhiều người nhập viện lại xảy ra, khiến dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Phải chăng, chỉ khi có sự vào cuộc của các nhà quản lý, vấn đề ATVSTP tại các chợ, nhà hàng, khách sạn mới được đề cao?
ATVSTP luôn là nỗi lo thường trực với mọi người. Các phương tiện truyền thông không ngày nào là không loan tin, phản ánh các vụ buôn bán lậu thực phẩm ôi thiu, nhập khẩu trái phép gà thải loại, rau quả chưa qua kiểm nghiệm. Rồi bếp ăn tập thể ở trường học, nhà máy, đám cưới, cuộc nhậu, hàng chục người bị ngộ độc thực phẩm, chết vì rượu có chất độc hại. Bản thân mỗi nhà, mỗi người không ít trường hợp mỗi năm mấy lần bị rối loạn tiêu hóa, cấp cứu bệnh viện vì ăn phải thức ăn không đảm bảo về ATVSTP. Số liệu mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2013 trên toàn quốc đã ghi nhận 87 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.856 người mắc, 1.649 người đi viện. Đây chỉ là con số thống kê được, như phần nổi của tảng băng chìm về hậu quả của việc không thực sự đảm bảo được về ATVSTP.
Sở dĩ tình trạng ATVSTP còn phức tạp như hiện nay, theo các chuyên gia, việc ngăn ngừa nhập khẩu lậu thực phẩm chưa qua kiểm tra thực hiện chưa được nhiều. Hậu kiểm tra sau cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP để kinh doanh thực phẩm, cũng như chất lượng thực phẩm còn chưa thường xuyên. Hình thức xử phạt còn chưa đủ sức răn đe, vì thế còn nhiều cơ sở vẫn cố tình “lờn luật”. Những bất cập trên là những vấn nạn mà xã hội đang khẩn thiết đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần chỉnh sửa ngay để thực hiện cho đạt mức cao nhất về bảo vệ sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng thông qua việc đảm bảo ATVSTP.
Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng này, ngoài công tác tuyên truyền, hướng dẫn thì các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương cần thể hiện rõ vai trò của mình. Đồng thời, lực lượng Quản lý thị trường, Trung tâm Y tế dự phòng và các cơ quan chuyên môn khác nên phối hợp thường xuyên và xử lý triệt để những hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển và buôn bán các loại thực phẩm không đảm bảo VSATTP. Bên cạnh đó, cũng cần có sự giúp sức từ phía người tiêu dùng, người tiêu dùng nên mạnh dạn phát hiện những cơ sở làm ăn gian dối, những thực phẩm kém chất lượng vi phạm các điều kiện về ATVSTP đến các cơ quan chức năng để tố cáo. Mặt khác, các doanh nghiệp làm ăn có uy tín cũng nên công khai rõ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm của công ty mình bằng cách tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. Có như vậy mới làm cho người tiêu dùng yên tâm. Có thể khẳng định rằng, nếu có sự đóng góp tích cực từ phía người tiêu dùng cùng với trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và sự kiên quyết của các ngành chức năng sẽ góp phần rất lớn để hạn chế tình trạng này.
M.H.