Nỗi lo bạo lực học đường

Dí dỏm, nhạy cảm, lịch sự, năng động là những gì mà gia đình cậu bé 14 tuổi Lee Sang-hwa nhìn thấy ở em. Ở nhà, em là con ngoan còn ở trường, thầy cô đánh giá em là học trò thông minh, thân thiện. Mọi người đều kỳ vọng và thương yêu em nên khi hay tin Lee nhảy từ lầu 20 của chung cư ở Yeongju, North Gyeongsang vào tháng 4-2012 tự tử ai cũng đau xót, bất ngờ.

Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, Lee giải thích em không chịu được sự bạo hành của 2 người bạn cùng lớp. Lee viết rằng 2 cậu học sinh này đã tra tấn em mỗi ngày, một người thường ôm hôn em, một người thì lấy vật nhọn đâm em để ép buộc em phải gia nhập băng nhóm. Ngay sau khi bức thư tuyệt mệnh được công bố và 3 ngày sau khi cảnh sát xác nhận lời tố cáo của Lee là đúng sự thật, trường trung học của Lee đã đuổi học 2 cậu học sinh kia và cả hai chuyển đến học tại ngôi trường ở thị trấn gần đó.

Về phía cha mẹ Lee, vừa phải hứng chịu nỗi mất mát quá lớn sau cái chết của con, họ lại phải đối mặt với một trận chiến khó khăn hơn từ các cơ quan giáo dục địa phương. Ngôi trường Lee học và phòng giáo dục địa phương đã chuyển hướng dư luận sang vấn đề sức khỏe tâm thần của em. Sau khi cái chết của Lee được thông báo vào buổi sáng thì trưa cùng ngày, Phòng giáo dục tỉnh North Gyeongsang nói rằng em có tên trong danh sách những học sinh có nguy cơ tự tử cao nhất theo một cuộc kiểm tra tâm lý của nhà trường vào năm trước.

Theo báo cáo, Lee đã được điều trị và cuộc điều trị này kết thúc vào tháng 9-2011. Các nhà giáo dục cố gắng quy kết cái chết của Lee là do quyết định bốc đồng trong trạng thái tâm thần bất ổn chứ không phải là lối thoát tuyệt vọng của một học sinh thường xuyên bị bắt nạt.

Từ nạn nhân, Lee bị coi như một cậu học sinh có tinh thần không ổn định. Cha mẹ Lee đã làm mọi cách chứng minh con mình hoàn toàn khỏe mạnh. Thậm chí, nếu Lee có tinh thần bất thường thật thì em cũng không được nhà trường và cơ quan giáo dục chữa trị như đã nêu. Đáng nói là trong một lần kiểm tra tâm lý vào tháng 11-2011, bác sĩ lại nói rằng Lee hoàn toàn bình thường và không cần điều trị gì cả.

Đó là câu chuyện của một học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường. Cái chết của Lee còn đặt ra câu hỏi về hình phạt cho những kẻ bắt nạt trong nhà trường. Hai học sinh bắt nạt được nêu theo thư tuyệt mệnh của Lee không bị truy tố vì dưới 14 tuổi. Theo giới chức trách, dù 2 học sinh này đã bị triệu ra Tòa án gia đình Daegu nhưng việc họ phải đi cải huấn ở các trung tâm thanh thiếu niên địa phương là rất mong manh.

Bạo lực học đường ở xứ Hàn tăng cao tới mức tháng 2 vừa qua, Bộ Giáo dục Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đã phải công bố cẩm nang ngăn chặn bạo lực học đường. Quy định mới sẽ khiến những học sinh bắt nạt bạn bè bị ghi vào học bạ những “thành tích” bất hảo của mình. Tuy nhiên, nếu hình phạt của các tay “anh chị” trong trường chỉ là bị chuyển trường hay vài dòng trong lý lịch cũng như nếu các nhà giáo dục không dũng cảm thừa nhận thì e rằng nạn bạo lực học đường sẽ còn lâu mới chấm dứt và nạn nhân sẽ khó tránh khỏi những suy nghĩ, hành động tiêu cực như cậu học sinh Lee kể trên.

Hoàng Kim (từ Busan)

Tin cùng chuyên mục