Chỉ còn gần 1 tháng nữa là tốt nghiệp. Chờ đợi, mong mỏi là thế nhưng không hiểu sao càng gần đến ngày này lại vui, lo lẫn lộn. Vui vì đã không uổng phí 4 năm xa nhà, phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, người thân, bạn bè cũng như gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Còn lo vì không biết chặng đường phía trước, mà cụ thể là công việc sau khi tốt nghiệp, sẽ ra sao.
Hồng Trang cùng các bạn trong một buổi thực hành.
Tuần rồi gặp anh bạn người Ấn Độ đang theo học nghiên cứu sinh tại Trường ĐH Khoa học và công nghệ Missouri. Anh này cho biết ban đầu anh không có ý định học nghiên cứu sinh, nhưng mọi chuyện thay đổi sau khi anh đi xin việc. Anh nộp đơn xin việc tại 70 công ty nhưng chỉ có 6 công ty gọi anh phỏng vấn.
Theo anh bạn, các công ty Mỹ từ chối bởi vì anh là sinh viên nước ngoài. Để làm việc ở Mỹ, các sinh viên nước ngoài phải xin được visa H1B1. Nhà tuyển dụng muốn thuê sinh viên nước ngoài phải trả một khoản không nhỏ cho visa H1B1 và giấy phép làm việc. Sinh viên nước ngoài được công ty Mỹ bảo trợ, thuê thường là những người có bảng thành tích học tập ấn tượng và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng. Quá nản với đi xin việc, anh bạn quyết định theo học lên tiến sĩ. Giờ anh vừa học vừa làm trợ giảng cho một giáo sư và hướng dẫn các sinh viên trong phòng thí nghiệm, những công việc anh được phép làm với visa F1 cho sinh viên nước ngoài.
Ngoài yếu tố visa, sự khác biệt trong văn hóa, cách sống cũng là trở ngại khi làm việc tại Mỹ. Tôi cũng đã tính đến chuyện trở về nước nhưng khi nghe bạn bè, người thân kể về môi trường làm việc, ở nhiều nơi, vẫn còn nhiều trì trệ; người trẻ có tài chưa được đánh giá đúng năng lực, tôi không khỏi lo ngại. Đang quen với môi trường làm việc năng động, phải nỗ lực hết mình mới có được một công việc tốt, tôi lo rằng môi trường làm việc như vậy sẽ làm nảy sinh tâm lý chán nản, mất đi động lực trong công việc. Bao nhiêu kiến thức có được sau 4 năm du học có thể sẽ chẳng dùng đến, mai một, uổng phí vô cùng. Chưa kể thu nhập trong nước của một cử nhân chỉ vào khoảng 5 triệu đồng/tháng, rất khó khăn để trang trải cuộc sống hàng ngày.
Khi nào lên trường hoặc đi làm thêm, công việc bận rộn cuốn đi thì quên, chứ cứ về nhà là đầu óc lại quay cuồng với mớ suy nghĩ về công việc. Càng gần đến tốt nghiệp, tôi càng trăn trở chuyện về hay ở lại Mỹ. Lựa chọn của anh bạn người Ấn Độ cũng là một hướng đi hoặc có thể tôi sẽ xin vào làm hoặc thực tập ở một công ty truyền thông, đúng chuyên ngành tôi theo học, tích lũy kinh nghiệm một vài năm rồi về nước. Biết tôi lo lắng, mấy bạn cùng phòng đều khuyên tôi rằng chuyện đến đâu hay đến đó, tùy cơ ứng biến. Điều quan trọng là 4 năm học cũng đã phần nào trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để chúng tôi có thể thích nghi dù ở môi trường làm việc như thế nào. Có lẽ đây cũng là điều tôi cảm thấy hài lòng nhất bởi thời gian xa nhà đã dạy tôi biết sống tự lập, biết học hỏi, lắng nghe và tự tin hơn trong giao tiếp. Tôi hy vọng những kỹ năng mềm này có thể giúp tôi tìm được công việc mà tôi ưng ý.
Hồng Trang