Nỗi lo nhà trọ sinh viên xuống cấp

Chuyên mục Sự kiện & Vấn đề Báo SGGP số ra ngày 29-7-2014 đăng bài “

Chuyên mục Sự kiện & Vấn đề Báo SGGP số ra ngày 29-7-2014 đăng bài “Khi xã hội chung lòng”, có đề cập thực trạng rất nhiều công nhân và sinh viên (SV) đang lao động và học tập tại TPHCM không có một chỗ ở trọ đảm bảo điều kiện sống và hồi phục sức khỏe. Đó là một thực trạng của cả chục ngàn SV Làng đại học Thủ Đức. Các SV khó có thể an cư được trong những năm tháng đại học, do hầu hết các khu nhà trọ ở đây đều đã xuống cấp trầm trọng. Đã vậy, giá thuê cao, mà vệ sinh và an ninh không đảm bảo, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và sức khỏe của SV.

Do nằm trong khu vực phải giải tỏa, nên các dãy trọ ở đây đều được xây cất rất tạm bợ. Mùa nắng trong các phòng trọ rất nóng và bức bí; mùa mưa lại ướt át ẩm thấp. Bạn Minh Thùy (SV ĐH Bách khoa TPHCM) than: “Mỗi lần mưa xuống, dãy nhà trọ ngập trong nước, nhiều phòng bị dột, phải lấy thau ra hứng. Tuy đã sửa chữa nhiều lần nhưng mái tôn đã cũ mục, nên ngày càng dột nhiều hơn”. Bạn Phương Thảo (SV Trường ĐH Kinh tế - Luật) ở thuê tại phòng trọ đối diện Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, lo lắng: “Tường bị nứt một đường dài, chỉ cần có chấn động cũng có thể sập đổ. Ở đây vừa xảy ra một vụ sập nhà trọ khiến một nam SV bị thương nặng”. Nguồn nước ở nhiều khu trọ không thể dùng để nấu ăn được vì được bơm trực tiếp từ giếng lên, không được lọc mà lại nhiễm phèn nặng. Giếng khoan cách hầm cầu chỉ vài mét cũng là tình trạng chung của rất nhiều khu nhà trọ. Hệ thống thoát nước bị nghẽn, ngày mưa cống rãnh ứ nước; ngày nắng nóng bốc mùi hôi thối khó chịu. Chưa kể đây còn là nơi chuột, gián, muỗi... cư ngụ. Mỗi lần mưa ngập, kiến, gián từ các cống thoát nước bò lên khắp phòng. Bạn Thanh Hiếu (SV ĐH Khoa học Tự nhiên) chia sẻ: “Ban ngày chuột thản nhiên bò qua lại, đêm chúng phá phách, xơi từ thức ăn đến sách vở, quần áo, dây điện… Có bạn đang ngủ bỗng thấy chân đau nhói, bật dậy thì phát hiện chân bị chuột cắn”. Tình trạng khu trọ mất vệ sinh thế này khiến cuộc sống của SV bất an, nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao.

Do nơi đây có rất nhiều SV có nhu cầu thuê phòng trọ, nên các phòng trọ xuống cấp vẫn cho thuê được với giá cao. Một số chủ nhà trọ còn dùng chiêu thu tiền trước, buộc người thuê trọ đóng tiền trước 6 tháng hoặc 1 năm, trong thời gian đó vẫn nâng mức thu nhằm kiếm lợi. Bạn Ngọc Nữ (SV ĐH Kinh tế - Luật) than thở: “Diện tích phòng chỉ để được cái giường đôi, tủ đồ, dắt thêm cái xe máy vào nữa là không còn lối đi. Ấy vậy mà đã 1,2 triệu đồng/tháng, muốn tìm phòng rộng hơn thì tiền nhiều hơn. Đó là chưa kể tiền điện, nước, internet rồi cả phụ thu tiền rác hàng tháng nữa”.

Cùng với chất lượng phòng trọ xuống cấp, độ an toàn của các khu vực nhà trọ này cũng không được đảm bảo. Ở những khu trọ này thường xuyên xảy ra mất trộm. Một phần vì đây là địa bàn giáp ranh giữa quận Thủ Đức (TPHCM) và Dĩ An (Bình Dương) nên quản lý an ninh trật tự không chặt chẽ, một phần do phòng ốc và cửa khóa không chắc chắn nên dễ bị đột nhập. Không chỉ trộm cắp, mà còn xảy ra những vụ cướp của, hãm hiếp, thậm chí giết người ở khu vực này. Trong thời điểm chuẩn bị vào năm học mới, rất mong chính quyền địa phương tăng cường việc cải thiện môi trường sống và an ninh trật tự tại các khu nhà trọ SV.

NGỌC QUỲNH
(ĐH KHXH-NV TPHCM)

Tin cùng chuyên mục