Nỗi niềm cận tết

Những ngày cuối năm, trong khi nhiều bạn trẻ kháo nhau “Tết này được thưởng bao nhiêu?” thì còn đó những trăn trở về bữa tiệc tất niên tưởng là vui nhưng cũng không ít áp lực.

Vừa nhận tiền thưởng từ cơ quan, Minh Khuê (nhân viên truyền thông, ngụ quận 8, TPHCM) khấp khởi mừng vì số tiền nhận đợt 1 cao hơn năm 2021. “Ban đầu tôi cũng không để ý, nhưng thấy điện thoại liên tục thông báo, mở ra mới thấy các đồng nghiệp đang bàn tán rôm rả trong nhóm. Ai cũng mừng vì trong khó khăn chung số tiền nhận được nhỉnh hơn năm ngoái. Tôi còn nghe râm ran, số tiền nhận đợt 2 cũng khá hơn”, cô chia sẻ.

Theo Minh Khuê, thay vì thưởng lương tháng 13 hay phân chia tết dương lịch và âm lịch, cơ quan cô thường chia đôi mức thưởng chung của cả năm để mọi người có tiền chủ động mua vé tàu xe nếu phải về quê đón tết hay sắm sửa trước.

Người trẻ thích không khí vui tươi, thoải mái hơn là sự gượng ép. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Người trẻ thích không khí vui tươi, thoải mái hơn là sự gượng ép. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Với nhiều bạn trẻ, nhất là những người mới ra trường đi làm, việc háo hức trông vào tiền thưởng tết là tâm lý chung. Tuy nhiên, không ít người khi đã có thời gian gắn bó và hiểu tình hình nơi mình đang làm việc, tâm trạng cũng khác đi. “Thật ra em không quá háo hức trông đợi khoản thưởng tết cho lắm. Một phần đi làm rồi cũng cảm nhận được tình hình kinh tế hiện tại, thành ra biết được lương, thưởng sẽ không cao, thậm chí tệ hơn là không có, nên cũng không hồ hởi”, Bảo Hân (phóng viên, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ.

Cũng như Bảo Hân, Ngọc Anh (nhân viên hành chính nhân sự, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, công ty cô đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhân sự thường xuyên bị cắt giảm nên thưởng tết cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. “Tết dương lịch, mức thưởng chúng tôi nhận được vẫn như mọi năm là 500.000 đồng/người, còn tết âm lịch hiện chưa có thông báo gì. Có thưởng thêm đồng ra đồng vào để chi tiêu, còn lại mình đã xác định phải chủ động, thay vì quá trông chờ, lệ thuộc thưởng tết”, Ngọc Anh cho biết.

Câu chuyện của Thu Hương (biên tập viên, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) thì liên quan đến hoạt động văn nghệ tết. Trước đây, khoảng một tháng trước tết, công ty phân công ai vào nhóm nào và phải đăng ký 1-2 tiết mục văn nghệ. Có năm, nhóm của cô chọn nhảy dancesport, năm hát song ca, hay trình diễn thời trang tái chế. Năm nay khi cơ quan thông báo tất niên sẽ cắt các tiết mục văn nghệ, khỏi phải nói Thu Hương mừng như thế nào.

Thu Hương chia sẻ, cô rất thích quan điểm của sếp, tất niên là dịp mọi người được ngồi xuống để ăn uống, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Những tiết mục văn nghệ nên để dành vào các dịp kỷ niệm lớn của công ty, không trùng vào các dịp lễ sẽ khuyến khích mọi người tham gia nhiệt tình.

Xét cho cùng, thưởng tết hay những bữa tiệc tất niên mục đích cuối cùng nhằm tạo động lực, sự hứng khởi cho nhân viên. Những buổi tiệc tất niên nên được trả về đúng vị trí của nó: là dịp để tri ân nhân viên, tạm xa những áp lực công việc và tạo động lực cho một năm mới. Nếu có những tiết mục văn nghệ, nên chăng chỉ mang tính góp vui trên tinh thần tự nguyện, thoải mái để tạo không khí gắn bó, vui vẻ.

Tin cùng chuyên mục