Nỗi niềm thầy nuôi dạy trẻ

20 năm vẫn mình ta với ta
Nỗi niềm thầy nuôi dạy trẻ

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, thầy giáo mầm non tại các quận huyện ngày càng hiếm hoi. Những đơn vị đào tạo giáo viên mầm non cũng thưa dần bóng dáng nam sinh. Chưa kể, đào tạo 10 nữ giáo viên mầm non, có 2 người bỏ nghề, còn đào tạo 10 nam giáo viên mầm non thì có đến 8 người bỏ nghề, số còn lại, mấy ai trụ được với nghề dài lâu. Bởi thế, thầy nuôi dạy trẻ hiện nay chẳng khác nào “hạt ngọc” giữa lòng đại dương bao la.

Thầy Nguyễn Thanh Lương chăm sóc trẻ mầm non.

Thầy Nguyễn Thanh Lương chăm sóc trẻ mầm non.

20 năm vẫn mình ta với ta

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục quận 3, nói: “Không cần mất thời gian thống kê hay rà soát danh sách, quận chúng tôi có một và chỉ một thầy duy nhất làm trong ngành mầm non”. Đó là thầy Lương Trọng Bình, hiện là Hiệu trưởng Trường Mầm non 11.

Năm 1991, tốt nghiệp Trường Trung học Sư phạm Mầm non, thầy Lương Trọng Bình đã về Trường Mầm non 3, quận 3 trong vai trò người nuôi dạy trẻ. Ngày đó, phụ huynh nhìn giáo viên mầm non nam vẫn còn lạ lẫm. Ai nấy đều e ngại, liệu người đàn ông có thân hình thô ráp, râu ria xồm xoàm này sẽ chăm sóc và nuôi dạy bọn trẻ thế nào? Không ai ngờ, người đàn ông này lại có tài hát hay, múa giỏi và yêu trẻ con đến thế. Với sự nỗ lực không ngừng, thầy đã từng bước chinh phục bọn trẻ, phụ huynh lẫn phòng giáo dục. Đến năm 1994, thầy Bình được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng quản lý chuyên môn Trường Mầm non Tuổi thơ 7 và nay đang làm Hiệu trưởng Trường Mầm non 11.

“Đến bây giờ, ngẫm lại tôi thấy thật ra là nghề chọn mình, chứ không phải mình chọn nghề. Lúc làm hiệu phó, tôi cũng nhận vài nam sinh thực tập và mong muốn nhận các em về trường nhưng rồi từng người một đã “bỏ của chạy lấy người”. Cho đến nay, nhiều người vẫn có tâm lý về giới rằng đàn ông là phải khai sơn phá thạch, làm những chuyện đội đá vá trời mới ra dáng nam nhi, còn công việc ẻo lả là của nữ giới. Ngay cả bây giờ, nhiều phụ huynh đến Trường Mầm non 11 vẫn không giấu được sự ngạc nhiên vì thầy làm hiệu trưởng mà không phải là cô, bởi trong suy nghĩ của họ, làm trong môi trường mầm non chỉ có nữ giới mà thôi” - thầy Bình tâm sự.

Người cha thứ hai

Thầy Nguyễn Thanh Lương, Hiệu phó chuyên môn Trường Mầm non 15, quận 11, tâm sự: “Hồi đó, ban đầu do ham vui quá nên mình thử đăng ký học ngành sư phạm mầm non cho biết, chứ trong lòng vẫn chưa xác định gì cả”. Đến khi đi thực tập, chàng trai trẻ này mới bắt đầu thấy tình hình không ổn vì phải đối mặt với… trẻ con. “Vậy mà không hiểu sao, tôi đã “dính” nghề này đến tận bây giờ. Ngày cuối tuần về nhà, không nghe được tiếng cười nói của trẻ con, tôi lại thấy trống vắng lạ thường” - thầy Lương tâm sự.

Hồi tưởng lại 20 năm trong nghề, thầy Lương không giấu được niềm tự hào và hạnh phúc. Ngày đó, trong kỳ thực tập, nhờ có sự giúp đỡ tận tình của cô trưởng phòng giáo dục - đào tạo của quận, thầy mới xác định được hướng đi của đời mình. Năm 1990, tốt nghiệp ra trường, thầy Lương nhận nhiệm sở tại Trường Mầm non Sơn Ca 7 với vai trò người nuôi dạy trẻ. Bỏ ngoài tai dư luận xã hội và quyết tâm tạo niềm tin cho phụ huynh, mọi công việc của người nuôi dạy trẻ như soạn giáo án, cho trẻ ăn, ru trẻ ngủ, ói mửa, tiểu tiện, thầy đều làm được. Đến năm 1996, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu phó Trường Mầm non quận 11 - trường trọng điểm của quận. Từ năm 2009 đến nay, thầy công tác tại Trường Mầm non 15 của quận.

Thầy tâm sự: “Ngày đầu tiên nhận lớp, tôi hồi hộp và lo lắng lắm, không biết rồi các bé và  phụ huynh sẽ chào đón mình thế nào. Sau một thời gian đứng lớp, tôi phát hiện, trẻ thích thầy hơn cô, có lẽ do tâm lý trẻ con, vốn đã quen với cô, nên giờ gặp thầy, có nét gì đó mới mẻ, lạ lẫm nên các em cảm thấy thích thú hơn. Các em gọi tôi là ba Lương, thậm chí có phụ huynh nói đùa tôi giống người cha thứ hai của các bé. Được các phụ huynh tin tưởng và chia sẻ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.

Đối với những người chọn cho mình nghề nuôi dạy trẻ, không mong gì đến chuyện lương cao hay cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn như các ngành nghề khác. Họ đến với nghề  bằng một cái tâm. Riêng đối với thầy nuôi dạy trẻ, ngoài cái tâm, họ phải dũng cảm vượt qua định kiến giới của xã hội, suy nghĩ của phụ huynh… Thầy Lương Trọng Bình tâm sự: “Dù phải nghe đi nghe lại những câu chuyện từ bạn bè, sự so sánh nghề nghiệp, về đồng lương, thậm chí có nhiều người còn đánh dấu hỏi về giới tính của chúng tôi nhưng chỉ cần có một cái tâm, thì không có gì làm mình dao động. Chúng tôi sẵn sàng múa, hát, kể cả những công việc tưởng chừng như “cánh mày râu” chúng tôi không thể làm được. Ban giám hiệu và ngành giáo dục luôn là “hậu phương lớn” hỗ trợ hết mình cho chúng tôi, còn các bạn nữ đồng nghiệp xem chúng tôi như anh em trong nhà”.

* Bà Đinh Thị Tứ, Trưởng khoa Sư phạm Mầm non, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết: “Năm trước, cũng có vài nam sinh nộp đơn thi tuyển vào ngành Sư phạm mầm non nhưng chỉ trúng tuyển một em. Những năm gần đây, tỷ lệ nam sinh đăng ký vào ngành này cũng ngày một thưa dần. Nguyên nhân một phần do tâm lý, phần do tốt nghiệp ra trường thu nhập không cao”.

* Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay toàn ngành có gần 13.000 giáo viên mầm non nhưng số lượng nam giáo viên, cán bộ quản lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại các quận, huyện rải rác chỉ một vài thầy, thậm chí không có. Hiếm lắm mới có người trụ được với nghề này lâu dài, hầu hết đều xin nghỉ hoặc chuyển sang nghề khác.

Nguyễn Thủy - Anh Khoa

Tin cùng chuyên mục