Nụ cười Bayon

Đi ngang dọc đất nước Campuchia, từ Kông-pông Chàm lên Xiêm Riệp, xuống Phnôm Pênh, tôi bắt gặp hình ảnh chim thần Garuda ở khắp đền chùa, tạc trên đá rêu phong hay thếp vàng trên mái... Lòng tôi dậy lên một ý nghĩ: đất nước này như “con chim lửa Phoenix” (phượng hoàng) trong thần thoại phương Tây, sống dậy từ đống tro tàn...
Nụ cười Bayon

Đi ngang dọc đất nước Campuchia, từ Kông-pông Chàm lên Xiêm Riệp, xuống Phnôm Pênh, tôi bắt gặp hình ảnh chim thần Garuda ở khắp đền chùa, tạc trên đá rêu phong hay thếp vàng trên mái... Lòng tôi dậy lên một ý nghĩ: đất nước này như “con chim lửa Phoenix” (phượng hoàng) trong thần thoại phương Tây, sống dậy từ đống tro tàn...

Cách đây hơn ba mươi năm, khi Pôn Pốt xua quân sang giết hại dân ta, tôi lên biên giới Tây Ninh, thấy nhà cửa tan hoang, làng mạc xơ xác, nghe những chuyện giết người man rợ mà thắt cả ruột gan... Tôi đến Mộc Bài, lúc đó chỉ là một cánh đồng hoang, năn lác mọc đầy, bên vệ đường có cột mốc gỗ mòn vẹt cũ kỹ (nguồn gốc địa danh Mộc Bài) và một cái... cân bàn nằm chỏng chơ, dấu hiệu giao thương giữa dân hai nước (?) trong không khí chết chóc rình rập chung quanh... Bây giờ tới Mộc Bài, tôi trình hộ chiếu đi qua cửa khẩu đồ sộ, nguy nga, qua các nhà hàng, khách sạn, casino mọc lên san sát... Cách đấy không xa là khu siêu thị sầm uất, hàng hóa ê hề, toàn hàng hiệu loại sang, miễn thuế nên dân khắp nơi đổ xô về đây mua sắm, nổi tiếng một thời...

Những pho tượng thần đền Bayon ở Angkor Thom, Xiêm Riệp, Campuchia. Ảnh: T.LỘC

Những pho tượng thần đền Bayon ở Angkor Thom, Xiêm Riệp, Campuchia. Ảnh: T.LỘC

Chúng tôi không qua phà Niếk Lương có tượng đài hữu nghị tạc hai anh bộ đội Việt Nam – Campuchia, mà rẽ phải đi  Kôngpông Chàm, nơi chiến trường xưa ác liệt. Ai đã đọc tập bút ký Đường vào Phnôm Pênh của nhà văn thiếu tướng Bùi Cát Vũ (được giải thưởng văn chương) chắc đều nhớ cái mũi tiến công ác liệt của Quân đoàn 3 Việt Nam cùng bộ đội Mặt trận cứu nguy dân tộc Campuchia đánh chiếm tỉnh lỵ then chốt này khiến lính Pôn Pốt giữ mặt trận chính ở Niếk Lương phải hoảng loạn rút chạy trước nguy cơ bị bao vây, mở đường vào Phnôm Pênh nhanh chóng...

Đứng trước dòng Mê Kông mênh mông rộng hơn ngàn mét chảy qua thị xã Kôngpông Chàm, ngắm người dân địa phương đánh xe bò hay chạy xe máy qua lại trên chiếc cầu phao xinh xắn nối thị xã với bãi bồi giữa sông, tôi nhớ tới những ngày năm ấy... Chiến lũy kiên cố, hỏa lực hùng hậu của Khmer đỏ ở trên bờ, còn quân ta ở dưới sông... Bao nhiêu chiến sĩ ta phải nằm lại đây, và có khi thịt xương đã trôi theo nước sông về bồi đắp phù sa cho quê mẹ...

Đến Xiêm Riệp, chúng tôi ở khách sạn bốn sao “tươi cười” (Smiling Hotel). Không “tươi cười” sao được khi nhớ lại hơn hai mươi năm trước, tôi đến đây lúc thị xã vừa giải phóng khỏi tay Khmer đỏ. Lúc đó, tôi đi trên những con đường vắng vẻ với tâm trạng đầy “cảnh giác”, đêm ngủ trên những chiếc giường dã chiến và thỉnh thoảng giật mình vì những loạt súng của tàn quân Khmer đỏ quấy phá bộ đội ta.

Campuchia có một “quốc bảo” mà tiền nhân để lại cho con cháu hôm nay: khu di tích Angkor ở Xiêm Riệp, một trong bảy kỳ quan thế giới. Năm xưa tôi đến đây, tuy trong tâm trạng luôn “cảnh giác” và trong tình hình an ninh chẳng có chút gì bảo đảm, tôi vẫn phải tới Angkor Wat vì sức hấp dẫn kỳ lạ của nó. Lần đó, tôi ra về trong tâm trạng ngẩn ngơ suốt mấy ngày, như vừa giáp mặt với người con gái đẹp hớp mất hồn mình. Y hệt tâm trạng của tôi lần đầu giáp mặt với vịnh Hạ Long...

Lần này tôi có thời giờ, đi ngắm cả Angkor Thom và Angkor Wat. Angkor Thom có tượng đá bốn mặt với “nụ cười Bayon bí ẩn” nổi tiếng toàn thế giới. Chắc rất nhiều người lầm, tưởng đó là tượng thần Bayon, nhưng theo người hướng dẫn chuyên nghiệp bản địa thì Bayon có nghĩa là “bùa của cha” (ba = cha, yon = bùa). Thuở đó, vương quốc này bị xâm lăng, đô hộ, đến khi vua đeo bùa vào thì đánh đâu thắng đó, giành lại non sông, còn mở rộng đất nước sang nhiều quốc gia khác...

Tìm trong tư liệu thấy nói ngôi đền gồm 54 tháp lớn nhỏ, trên mỗi tháp đều có điêu khắc khuôn mặt của thần Lokesvara, hay còn gọi là thần Avalokitesvara nhìn theo bốn hướng, có tài liệu nói thần này tương ứng với Quán Thế Âm bồ tát bên Phật giáo Đại thừa..., tạc “nụ cười Bayon” bốn mặt đá với chiều sâu triết lý: hỉ, xả, từ, bi...

Ở Angkor Thom có đền Ta Prung, phế tích chằng chịt rễ cây, đang trùng tu, nơi được lấy làm bối cảnh quay bộ phim nổi tiếng Bí mật ngôi mộ cổ; có tháp “vỗ ngực” khi ta đứng trong đó vỗ ngực mình thì có âm vang lạ lùng; có phòng thờ hoàng thái hậu gắn đầy kim cương, hồng ngọc, lam ngọc... giờ chỉ còn là những hốc nhỏ như ngàn con mắt mù bị móc mất tròng... Bên ngoài đền có dãy tượng ông thiện, ông ác, có dãy tượng 12 con giáp, có quảng trường đấu voi...

Angkor Thom gây ấn tượng cho tôi còn mạnh hơn Angkor Wat, một đằng là vẻ đẹp tráng lệ, hùng vĩ, một đằng là vẻ đẹp triết lý suy tư... Đi trong quần thể này, đâu đâu tôi cũng có cảm giác tượng vẫn theo dõi mình. Có tượng tạc rất thấp, tôi thấy như tượng đang nhìn vào mắt mình mỉm nụ cười Bayon bí ẩn. Nhìn những rễ cây mấy trăm năm tuổi quấn chặt như muốn bóp chết tường thành, cung điện, tôi thấy thiên nhiên như đang cảnh báo sự kiêu hãnh của con người dám thách thức mình... Tôi tưởng tượng nếu mình đến đây ban đêm... Và may mắn nhặt được mấy câu của Henri Marshall, viết trong cuốn Cẩm nang Khảo cổ về các đền ở Angkor: “...

Đặc biệt vào những đêm trăng, người ta có cảm tưởng như đang viếng một ngôi đền thuộc một thế giới khác... Người ta cảm giác như mình đang sống trở lại với một thời đại của những chuyện thần tiên...”.

Trần Thanh Giao

Tin cùng chuyên mục