Trong một hành động mang tính biểu tượng nhưng cũng là sự phê bình gay gắt đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Hạ viện Mỹ ngày 24-6 đã bác bỏ một nghị quyết cho phép Tổng thống Obama có hành động quân sự ở Libya.
Thất vọng về việc Tổng thống Obama không xin phép quốc hội khi can thiệp quân sự vào Libya, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo đã bác bỏ nghị quyết trên với tỷ lệ 295/123. Điều đáng nói, chính ngay các nghị sĩ đảng Dân chủ cũng phản đối cuộc chiến của ông Obama.
Nghị sĩ đảng Dân chủ Dennis Kucinich nói: “Chúng ta chưa đủ các cuộc chiến tranh sao? Chiến tranh Iraq, Afghanistan, lẽ nào chúng ta cần thêm một cuộc chiến nữa?”. Một số khác kêu gọi quốc hội và chính phủ quan tâm hơn nữa đến nền kinh tế đang suy thoái hơn là tiến hành thêm một cuộc chiến tốn kém.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999, Hạ viện Mỹ bác bỏ một nghị quyết cho phép tổng thống tiến hành chiến tranh. Năm 1999, Hạ viện Mỹ đã phủ quyết việc cho phép Tổng thống Bill Clinton oanh kích Nam Tư về vấn đề Kosovo.
Vài nhà phân tích cho rằng hành động trên của Hạ viện là một cảnh báo nữa đối với ông Obama về sự bất mãn ngày một gia tăng trong các nghị sĩ nước này sau một thập kỷ chiến tranh tại Afghanistan và Iraq đã ngốn mất của Mỹ hơn 1.000 tỷ USD. Thế nhưng trớ trêu thay, ngay sau đó Hạ viện Mỹ lại bác bỏ một nghị quyết khác của các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm cắt giảm ngân sách cho các cuộc không kích Libya.
Có nghĩa là Hạ viện Mỹ vẫn cho phép chi tiền cho cuộc chiến. Mâu thuẫn này làm dư luận trong và ngoài nước ngạc nhiên. Đâu là bản chất của vấn đề? Có thể nói việc Tổng thống Obama đưa quân tham gia cuộc chiến Libya mà không xin phép quốc hội đã làm các nghị sĩ tức giận. Trong khi đó nước Mỹ bắt đầu bước vào cuộc vận động tranh cử tổng thống, thì đây là dịp tốt nhất để các nghị sĩ đảng Cộng hòa làm giảm điểm của ông Obama bằng các nghị quyết chỉ trích trước đó và nghị quyết không trao quyền tiến hành chiến tranh chống Libya cho ông Obama mới đây.
Nhưng họ vẫn ủng hộ việc chi tiền cho cuộc chiến. Điều đó cho thấy các nhà chính trị Mỹ nhận thấy điều không thể chối cãi rằng Libya là nguồn lợi khổng lồ nếu thao túng được chính phủ đất nước này. Mỹ không thể rút lui để các nước khác của NATO tiếp tục chiến tranh cho đến ngày có thể lật đổ được Tổng thống Libya M. Gaddafi để rồi họ được hưởng lợi từ đống dầu mỏ của quốc gia Bắc Phi này.
Bên cạnh đó nếu Mỹ rút lui cũng có nghĩa là vô hình trung giao quyền dẫn dắt một cuộc chiến nói riêng và lèo lái tình hình ở các nước khu vực Bắc Phi và Trung Đông cho một thế lực khác. Đây có thể dẫn đến sự trượt dài trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau này. Chính Ngoại trưởng Mỹ Hilarry Clinton cũng khẳng định cuộc bỏ phiếu thứ hai cho thấy Hạ viện đều nhất trí với chính sách mà ông Obama đang theo đuổi.
Bằng hai quyết định mâu thuẫn nhau, dư luận cho rằng nhà cầm quyền Mỹ vẫn chưa chán ngán chiến tranh, bởi sau chiến tranh là những nguồn lợi kinh tế khổng lồ, sự khẳng định tầm ảnh hưởng chính trị, quân sự của cường quốc thế giới. Chỉ có người lao động Mỹ mới chán ngán chiến tranh, bởi hiện tại tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đang quay đầu tăng sau vài tháng giảm ngắn ngủi, kinh tế vẫn còn u ám, người nghèo đói gia tăng theo từng năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008.
VIỆT TRUNG