Căng thẳng Nga-phương Tây

Nước Nga trở về với truyền thống Xô Viết

Nước Nga trở về với truyền thống Xô Viết

Quan hệ giữa Nga và phương Tây trở nên căng thẳng, nhiều người còn cho rằng đang ở mức thấp nhất và có nguy cơ trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh xung quanh hàng loạt vấn đề như: Tách Kososvo khỏi Serbia, dời tượng đài Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô ở Estonia, Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu… Trong bối cảnh đó, người ta thấy nước Nga đang trở về với các giá trị truyền thống thời Xô Viết.

Trước cuộc duyệt binh và diễu hành kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức vào ngày 9-5, truyền hình Nga phát liên tục vào buổi sáng và buổi tối những bộ phim được sản xuất từ thời Liên Xô mô tả đậm nét thất bại của Đức quốc xã. Những buổi phát hình cũng tràn ngập thông tin về việc Estonia di dời tượng đài chiến sĩ Liên Xô khỏi thủ đô Tallinn kèm những cuộc biểu tình của thanh niên Nga phản đối quyết định này.

Tuần hành của những người Cộng sản Nga nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5.
Tuần hành của những người Cộng sản Nga nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5.

Trên nhiều tờ báo, các quan chức Nga tấn công mạnh mẽ kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu. Tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo về sự đổ vỡ quan hệ Nga - phương Tây nếu Mỹ tiếp tục kế hoạch này và cách đây vài ngày, tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Yury Baluyevsky dự báo kế hoạch của Mỹ sẽ đưa tới một cuộc chạy đua vũ trang không thể kiểm soát. Như châm dầu vào lửa, NATO, EU và Mỹ lại công khai ủng hộ quyết định của Estonia di dời tượng đài “Người lính đồng” đã khiến dư luận Nga lên án phương Tây. Tờ nhật báo Gazeta đưa tít lớn ngay đầu trang nhất: “Khối đế quốc hung hăng đang nhe nanh”. Tờ Izvestia đặt thẳng vấn đề “ Chúng ta không thể bảo vệ tượng đài vậy có thể bảo vệ đồng bào của chúng ta ở Estonia hay không?”.

Theo nhà phân tích Yevgeny Volk thuộc Trung tâm nghiên cứu Heritage Foundation, tinh thần ái quốc của người Nga hiện nay đang trỗi dậy bù đắp cho sự nhún nhường thường thấy những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã. Cũng theo ông này, đó cũng là ước vọng đưa nước Nga trở lại với vị trí siêu cường trên thế giới.

Nếu như những năm đầu của thập niên 1990, lực lượng cầm quyền của Nga muốn đoạn tuyệt với quá khứ Xô Viết, ngày nay các biểu tượng từ thời Xô Viết đang ngày càng xuất hiện nhiều. Một dự luật của Quốc hội về việc đưa cờ búa liềm ra khỏi các biểu tượng trong ngày diễu hành mừng chiến thắng phát xít ngày 9-5 đã bị Tổng thống Putin phủ quyết. Ông Vladimir Slutsker, một trong những nghị sĩ thuộc Thượng viện Nga chống lại dự luật này nói: “Cố đưa các biểu tượng quan trọng khỏi lịch sử đất nước được xem như là sự hủy hoại toàn xã hội của chúng ta”.

  • Mỹ - Nga một cuộc chiến tranh lạnh mới ?

Những bài phát biểu gần đây của Tổng thống Nga V.Putin đã chỉ ra những điều tồn tại ngày càng trở nên lớn hơn giữa Nga và Mỹ, nếu không giải quyết được, khó tránh khỏi nguy cơ chiến tranh lạnh. Một trong những tồn tại lớn nhất giữa Nga và Mỹ là chính sách Đông tiến của Mỹ.

Trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ triển khai tại Đông Âu, Mỹ muốn đặt 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan và một số radar tại Cộng hòa Czech với lý do để ngăn chặn các cuộc tấn công tên lửa từ Iran, bảo vệ châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng Nga cho rằng hiện chưa có một âm mưu tức thì nào và khẳng định Mỹ đang đặt mục tiêu là kho tên lửa chiến lược của Nga.

Việc NATO mở rộng các căn cứ sang gần lãnh thổ Nga cùng với kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của Mỹ gây ra lo ngại đặc biệt cho Nga. Chính vì vậy, Nga đã tuyên bố ngừng thực hiện Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE). Theo hiệp ước này, Nga sẽ thông báo với các nước NATO về việc di chuyển quân trên lãnh thổ Nga.

Thế nhưng Mỹ lại cáo buộc Nga tăng cường các hoạt động tình báo “chống Mỹ”. Michael McConnell, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ, thậm chí còn cho rằng Nga và Trung Quốc là hai nước thu thập thông tin tình báo (trên nhiều lĩnh vực) từ Mỹ nhiều nhất với mức độ tương đương thời chiến tranh lạnh. Mỹ cũng không vừa khi đang đưa ra dự luật mở rộng quyền hạn trong đạo luật tình báo nước ngoài năm 1978 theo đó cho phép cài đặt các thiết bị ghi âm và ghi hình hoặc xông thẳng vào các tòa nhà tình nghi tịch thu tài liệu của các máy vi tính. Trong thông điệp Liên bang Nga năm nay, Tổng thống Putin chỉ thẳng ra rằng các chính phủ phương Tây đã dùng tiền để gây mất ổn định nước Nga. Nhiều tổ chức phi chính phủ tại Nga gần đây bị bắt quả tang nhận tiền từ bên ngoài để gây phá hoại tình hình kinh tế và chính trị của Nga.

  • Sức mạnh của Nga

Sức mạnh của nước Nga ngày nay, theo phân tích của các chuyên gia chính là nguồn dầu và khí đốt dồi dào mà Nga đang sở hữu. Châu Âu đã phải khốn đốn như thế nào khi Nga ngừng dẫn dầu và khí đốt. EU hiện phụ thuộc vào Nga 25% nguồn dầu và khí đốt. Nhờ những chính sách kinh tế hiệu quả, kinh tế Nga đã thoát khỏi tình trạng giảm phát và đang trở lại hàng “top ten”. Ước tính từ nay đến năm 2010, nền kinh tế Nga trung bình tăng trưởng hàng năm là 5,2%, trong đó dầu tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nga ít nhất trong 3 năm tới và nguồn thu từ dầu sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của Nga. Theo dự báo GDP của Nga tăng 6,1% trong năm 2008, 6% trong năm 2009 và 6,2% năm 2010.

Các báo Mỹ cho rằng xét cho cùng căng thẳng Nga - Mỹ hiện nay xuất phát từ vấn đề dầu mỏ. Nga và Mỹ đều muốn kiểm soát nguồn dầu của thế giới trong lúc nguồn năng lượng này ngày càng cạn kiệt và nhu cầu lại ngày càng tăng. 

HUY QUỐC
(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục