Phát triển xe buýt CNG, xe buýt điện
Theo Văn phòng Biến đổi khí hậu TPHCM (BĐKH), một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất trên địa bàn TPHCM là khói thải của các phương tiện giao thông. Chính vì vậy, việc TPHCM đưa vào hoạt động xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu và sử dụng xe buýt điện sẽ tác động đáng kể giảm tình trạng ô nhiễm môi trường không khí của thành phố.
Xe buýt CNG hoạt động tại TPHCM. Ảnh: CAO MINH
Khói xe buýt sẽ không còn đen
Nếu không có gì thay đổi, ngày 1-3-2016, 23 xe chiếc buýt sử dụng khí CNG sẽ chính thức đi vào hoạt động trên tuyến Bến xe An Sương - Đại học Quốc gia TPHCM. Như vậy, tính cả 23 chiếc xe buýt này, TPHCM đã có trên 50 xe buýt sử dụng khí CNG hoạt động. Chưa hết, theo lộ trình đổi mới xe buýt của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ nay đến cuối năm 2016 sẽ có 500 xe buýt mới được thay thế. Những xe được thay mới chủ yếu là xe buýt sử dụng khí CNG làm nhiên liệu.
Cùng với xe buýt sử dụng khí CNG, TPHCM đã chuẩn bị mở thêm 4 tuyến xe buýt chạy trong nội thành bằng xe buýt điện. Nói chuẩn bị bởi vì, điều kiện vật chất để thực thi đã được xác định, Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý với kế hoạch của TPHCM. Tuy nhiên, dự án còn phải chờ Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ cho phép. Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sở kỳ vọng dự án sẽ sớm được thông qua để TPHCM có điều kiện sớm đưa xe buýt điện vào hoạt động.
Đáng lẽ phải là loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường nhưng do cách nay hơn 10 năm - thời điểm TPHCM đổi mới 1.318 xe buýt, kinh tế thành phố gặp nhiều khó khăn, công nghệ sản xuất xe buýt của đơn vị cung cấp xe còn hạn chế nên toàn bộ số xe này được sản xuất không theo một tiêu chuẩn về khí thải tiên tiến nào. Sau hàng chục năm hoạt động, sự xuống cấp cộng với hạn chế về công nghệ thời đó đã làm cho nhiều xe buýt… thải khói đen đặc khi hoạt động. “Buýt đen” là tên mà nhiều người dân thành phố đặt cho những xe buýt thải khói đen này. Tuy nhiên, với những thay đổi nêu trên, xe buýt TPHCM đang dần cải thiện hình ảnh của mình trong mắt người dân. Và quan trọng hơn cả, chúng sẽ góp phần làm cho bầu không khí của TPHCM thêm trong sạch.
Kiểm soát khí thải xe gắn máy
TPHCM hiện có hơn 5,6 triệu xe gắn máy 2 bánh, chưa kể còn khoảng hơn 1 triệu xe gắn máy ở các tỉnh do người dân mang vào thành phố để đi lại. Lượng xe khổng lồ nêu trên hoàn toàn chưa được kiểm soát khí thải. Theo Bộ Giao thông Vận tải, đúng ra theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giai đoạn năm 2013-2015, việc kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy 2 bánh đã được áp dụng tại các đô thị loại I, II. Song do chương trình này tác động trực tiếp đến đa số người dân, nhất là người nghèo, cũng như cần chuẩn bị đủ điều kiện cần thiết, nên lộ trình đã được giãn ra.
Cũng theo Bộ Giao thông Vận tải, hoạt động giao thông vận tải tiêu thụ nhiên liệu lớn, chiếm tới 55% tổng lượng xăng dầu trong cả nước. Khí thải từ xe cơ giới được nhận định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị. Hoạt động của giao thông vận tải góp khoảng 22,6% tổng lượng phát thải khí nhà kính. Chính vì vậy, việc “thả lỏng” kéo dài thời hạn kiểm soát khí thải xe gắn máy 2 bánh, theo nhiều chuyên gia về môi trường là không nên. Nhất là khi tình trạng ùn tắc giao thông ở TPHCM đang diễn biến ngày một phức tạp. Rất nhiều tuyến đường ở thành phố vào giờ cao điểm, tốc độ lưu thông của các phương tiện giao thông chỉ còn khoảng 5km/giờ. Chưa kể đến hiện tượng, người dân TPHCM càng có xu hướng ưa chuộng các loại xe phân khối lớn. Sử dụng xe phân khối lớn mà chạy trong nội thành với tốc độ chậm, nhiều chuyên gia về môi trường cho rằng, sẽ gây hại “gấp đôi, gấp ba” cho môi trường. Nhiên liệu không được đốt hết hoàn toàn khi xe phân khối lớn thường xuyên phải chạy với tốc độ chậm là nguyên nhân chính của hiện tượng này.
Ngành giao thông có thể tiến hành xã hội hóa công tác kiểm soát khí thải xe gắn máy 2 bánh tương tự như việc xã hội hóa công tác đăng kiểm ô tô nhằm giảm bớt áp lực cho ngành đăng kiểm. Để bảo vệ môi trường thành phố, giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ra môi trường, cơ quan chức năng cần hành động ngay.
| |
TÂM ĐỨC