Ô nhiễm tại cụm công nghiệp

10 năm trước, cùng với chủ trương đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, TPHCM đã quy hoạch 30 cụm công nghiệp (CCN) ở các quận - huyện và loại bỏ các CCN không đủ điều kiện. Đến thời điểm này đã có 16 CCN hoạt động. Tuy nhiên vấn đề ở nhiều CCN là chủ đầu tư quản lý kém, thiếu đồng bộ, dẫn đến hậu quả môi trường trong và ngoài bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều CCN đã trở thành điểm đen về ô nhiễm.
Ô nhiễm tại cụm công nghiệp

10 năm trước, cùng với chủ trương đưa các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, TPHCM đã quy hoạch 30 cụm công nghiệp (CCN) ở các quận - huyện và loại bỏ các CCN không đủ điều kiện. Đến thời điểm này đã có 16 CCN hoạt động. Tuy nhiên vấn đề ở nhiều CCN là chủ đầu tư quản lý kém, thiếu đồng bộ, dẫn đến hậu quả môi trường trong và ngoài bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều CCN đã trở thành điểm đen về ô nhiễm.

        Dân kêu vì ô nhiễm kéo dài

Do khu đô thị phát triển nhanh, nhiều nhà cao tầng mọc lên, dân cư đông đúc, nên TP đã loại bỏ CCN khu Thủy Lợi (phường Phước Long A, quận 9) đưa ra khỏi quy hoạch. Quyết định đã phê duyệt, nhưng các cơ sở sản xuất ở đây không đóng cửa di dời, mà vẫn tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, dọc hai bên đường Thủy Lợi còn có thêm 6 - 7 cơ sở sản xuất đang hoạt động. Đầu đường là điểm tập kết rác lớn. Hơn 10 năm nay, người dân ở đây phải sống chung với khói bụi, mùi rác, môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Ông Nguyễn Viết Cường (ngụ tại 8B đường Thủy Lợi) than: “CCN này đã bỏ, nhưng ô nhiễm không giảm, mà càng nặng hơn. Người dân ở đây gánh chịu ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất, điểm tập kết rác, và cả khói bụi từ Nhà máy xi măng Hà Tiên bay sang”.

Cách CCN Thủy Lợi không xa là CCN Phước Long (phường Phước Long B, quận 9). Đây là điểm đen về ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm qua. Bà Phạm Thị Hoàn, Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B, cho biết, cứ mỗi lần người dân kêu là phường và quận kiểm tra, lập biên bản xử phạt các cơ sở sản xuất, nhưng ô nhiễm vẫn hoàn ô nhiễm. Tình trạng ô nhiễm CCN này đã kéo dài nhiều năm nay. Để chấm dứt ô nhiễm ở CCN này, không có cách nào khác ngoài việc các cơ sở sản xuất phải chuyển đổi ngành nghề hoặc ngưng hoạt động.

Đường sá trong CCN Tân Thới Nhất bị xuống cấp trầm trọng.

Đường sá trong CCN Tân Thới Nhất bị xuống cấp trầm trọng.

Tại quận 12, có 2 điểm đen ô nhiễm nặng kéo dài là CCN Tân Thới Nhất và CCN Hiệp Thành. 2 CCN này đã hình thành từ 15 năm trước, nay lọt thỏm giữa khu dân cư đông đúc, sầm uất. Hàng ngày, khói bụi từ các nhà máy, cơ sở sản xuất bay trùm cả khu dân cư, còn nước thải thấm dần xuống đất. Ông Trần Đình Dũng ngụ tại 362/13/31/7 đường Hiệp Thành 13 (phường Hiệp Thành) bức xúc: “Hơn 40 cơ sở sản xuất của CCN Hiệp Thành nằm lẫn trong các khu dân cư, đang đe dọa cuộc sống bà con ở phường Hiệp Thành, do đã làm cho nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng. CCN không có hệ thống xử lý, thu gom nước thải, nên các cơ sở sản xuất cứ để nước thải thẩm thấu xuống đất trong khuôn viên sản xuất. Trong khi, do chưa có nguồn nước máy nên người dân vẫn phải dùng nước giếng khoan để phục vụ ăn uống, sinh hoạt”.

        “Cha chung không ai khóc!”

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, cho biết, CCN Tân Thới Nhất hình thành từ năm 1999, do người dân tự cho các doanh nghiệp thuê đất, xây dựng nhà xưởng. CCN này có diện tích 23,55ha, với 70 cơ sở sản xuất đang hoạt động. Là CCN tự phát nên ngành nghề sản xuất trong CCN cũng đa dạng. Chủ đất sau khi ký hợp đồng cho thuê đất với các doanh nghiệp đã không thực hiện trách nhiệm xây dựng hệ thống hạ tầng. 20 năm hoạt động nhưng CCN Tân Thới Nhất vẫn không có hệ thống cơ sở hạ tầng tối thiểu của một CCN như đường nhựa, cống thoát nước và hệ thống xử lý nước thải. Các đơn vị sản xuất trong CCN phải tự xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải tùy theo năng lực, ngành nghề hoạt động. Còn CCN Hiệp Thành do Công ty TNHH một thành viên Công ích quận 12 xây dựng từ năm 2000, với diện tích 22ha. Mang danh chủ đầu tư, nhưng đơn vị này chỉ ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê đất, thu tiền, còn việc đền bù lại do doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân. Sau gần 15 năm, CCN Hiệp Thành mới bồi thường, giải tỏa gần 50% diện tích và đã có 41 đơn vị hoạt động. Hơn 12ha đất của CCN đã có quyết định thu hồi nhưng chưa giải tỏa, vẫn do người dân sử dụng. Vì các doanh nghiệp tự thỏa thuận bồi thường, nên các cơ sở sản xuất không liền kề, giao thông bị cắt khúc, hạ tầng khu vực không nối kết. Đến thời điểm này, CCN Hiệp Thành vẫn không có hệ thống nước sạch, thoát nước, cũng như hệ thống xử lý nước thải công nghiệp. Khi chủ đầu tư chối bỏ trách nhiệm, các cơ sở sản xuất hoạt động trong CCN phải “tự bơi”, nên ô nhiễm là điều khó tránh khỏi.

Phó Chủ tịch UBND phường Phước Long B Phạm Thị Hoàn cho biết, CCN Phước Long cũng trong tình cảnh “cha chung không ai khóc”. Chính quyền đã nhiều lần yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Phước Long khắc phục ô nhiễm, nhưng không có kết quả. Chủ đầu tư cho rằng họ chỉ cho thuê đất, còn các doanh nghiệp vào thuê phải tự chịu trách nhiệm về sản xuất cũng như môi trường. Chủ CCN và đơn vị thuê đất vẫn đổ cho nhau trách nhiệm xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải. Chưa có hồi kết về trách nhiệm, còn người dân nơi đây vẫn phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục