Tiếng ồn với đủ loại âm thanh lẫn tần suất phát sinh từ đời sống thị thành như giải trí, kinh doanh, sản xuất… là thủ phạm làm giảm sút chất lượng sống, bào mòn tinh thần, thể chất của không ít người dân TPHCM. Làm gì để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ngày càng trầm trọng này?
Tra tấn người dân
Nhiều tháng qua, bà con sống quanh khu vực Trường Đại học Văn hóa TPHCM (phường Thảo Điền quận 2 TPHCM) không thể nghỉ ngơi, thư giãn vào những ngày cuối tuần. Cứ vào khoảng 20 giờ trở đi, họ bị tra tấn bởi tiếng nhạc, tiếng hát karaoke với đủ giọng ca phát ra từ ký túc xá của trường.
Một người dân ở Đường 40 cho biết: “Cuối tuần, sinh viên có thể giải trí, hát với nhau nhưng phải tôn trọng người dân sống ở xung quanh bằng cách mở âm thanh vừa đủ. Đằng này, các em cứ vô tư hát khiến chúng tôi mệt mỏi, chịu hết xiết”.
Phản ánh với đường dây nóng Báo SGGP, bà con mong muốn nhà trường chấn chỉnh ngay việc này và cần trang bị phòng giải trí cho sinh viên có cách âm theo quy định. Nhiều nơi khác, người dân cũng phản ảnh tình trạng mở loa quá to khi nghe nhạc, hát karaoke ở khu dân cư gây ra sự bực bội, phiền toái những người xung quanh, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần hoặc lễ tết.
Đáng sợ hơn nữa là tiếng ồn từ dàn nhạc “khủng” ở các quán cà phê, shop thời trang, siêu thị mini, cửa hàng điện máy vào dịp khuyến mãi hoặc ở những khu vực hội tụ nhiều quán nhậu, quán ăn, vũ trường.
Một cái khổ khó nói khác là chuyện tổ chức ma chay kéo dài. Với cách nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận, hàng xóm chẳng dám than phiền hay trách móc mỗi khi trong xóm có người khuất núi. Thế nhưng, phải chịu đựng những đám tang (chờ ngày tốt) kéo dài vài ngày trở lên với dàn nhạc tây, nhạc ta ầm ĩ từ sáng đến tối khiến ai cũng điên đầu.
Không những thế, tiếng ồn từ những công trình xây dựng, sửa chữa nhà dân cho đến dự án xây nhà cao tầng tra tấn người dân kéo dài vài tháng đến vài năm.
Chị Thanh Hằng, nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), kể lại nỗi khổ khi nhà hàng xóm xây nhà ở 5 tầng. Chị nói: “Sau gần 1 năm chịu đựng những âm thanh chát chúa từ đập phá tháo dỡ nhà cũ, rồi đóng - nhồi cọc bê tông, cắt sắt thép, cưa đục…, cả nhà tôi muốn suy sụp, nhất là mẹ già 80 tuổi”.
Đặc biệt, những tiếng ồn từ những nhà máy, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nằm xen giữa khu dân cư ở các địa bàn quận 11, 6, Tân Bình, Gò Vấp nhiều vô kể. Nhiều hộ dân ở khu vực đường Bùi Minh Trực, Phạm Thế Hiển, Tạ Quang Bửu (quận 8) khổ sở vì bị tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi từ các công ty sản xuất bao bì, chế biến sợi… bủa vây nhiều năm trời. TP đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn ra ngoại thành nhưng nhiều lời hứa sẽ khắc phục, chấp hành chỉ nằm trên giấy.
Thêm thủ phạm gây tiếng ồn
Trong đơn phản ánh gửi Báo SGGP mới đây, bà con ở đường Phạm Văn Chí phường 4 quận 6 TPHCM bức xúc: “Hơn 1 năm trở lại đây, hai căn nhà số 242/1 và 242/2 đường Phạm Văn Chí đã cải tạo, xây dựng một phần sân thượng thành nơi nuôi chim yến. Để tăng số lượng chim yến nuôi tại gia, hộ này đã đặt những dàn loa phát ra tiếng chim ầm ĩ suốt ngày khiến các hộ dân xung quanh không thể nghỉ ngơi, ngủ trưa, các cháu nhỏ khó tập trung học hành. Không chỉ xâm hại sự yên tĩnh vốn có của khu dân cư, việc nuôi yến còn gây mất vệ sinh môi trường sống do chim thả phân xuống nhà dân…”.
Tiếng ồn gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe con người, tác động xấu lên hệ thính giác, hệ thần kinh, hệ tim mạch. Phải tiếp xúc thường xuyên với tiếng ồn ngoài ý muốn sẽ gây ức chế thần kinh, căng thẳng cho cuộc sống, công việc, học tập… Để người dân được hưởng thụ cuộc sống yên lành, đã đến lúc chính quyền địa phương và các ngành chức năng phải quan tâm, xử lý những hành vi gây ồn.
Bài học từ vụ án mạng mà nguyên nhân xuất phát từ tiếng ồn xảy ra ở TP Sóc Trăng cách đây hơn 1 năm cho thấy sức chịu đựng của người dân có hạn. Vì không thể chịu đựng được tiếng ồn do mở nhạc hết công suất từ cửa hàng thời trang gần nhà, hai bên hàng xóm lời qua tiếng lại, xô xát và dẫn đến án mạng làm 1 người chết, 3 người bị thương.
Hướng tới xây dựng một TP văn minh, chúng ta phải loại bỏ dần những thói quen tự do hoặc thích làm gì thì làm, bất chấp việc đó gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.
KHÁNH BÌNH