Diễn đàn “Hành động vì trẻ em”

Ông Hai Hoàng và những câu lạc bộ cộng đồng

Ông Hai Hoàng và những câu lạc bộ cộng đồng

Làm gì để con em trong ấp sống tốt, hiếu thảo với ông bà - cha mẹ, hiểu biết truyền thống “uống nước nhớ nguồn”? Cách nào giúp trẻ em nghèo ở địa phương có điều kiện nâng cao kiến thức, học tập tốt để mai này giúp ích xã hội?... Trăn trở với suy nghĩ đó, ông quyết định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Ông - Bà - Cháu, CLB Tủ sách thiếu nhi… tại nhà. Ông tên là Lý Châu Hoàng (Hai Hoàng) ở tổ tự quản ấp 6, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TPHCM.

Ông Hai Hoàng kể, trước đây, khu vực tổ tự quản là vùng đất ít người ở, là nơi có nhiều tệ nạn xã hội. Từ năm 2000 - 2004, nhiều hộ gia đình từ miền Bắc và Trung vào đây định cư. Do kinh tế khó khăn nên rất ít gia đình cho con em đi học, trong khi chung quanh dãy đầy tệ nạn như trộm cắp, hút chích… rất dễ khiến bọn trẻ sa ngã. Thấy vậy, năm 2005, ông đứng ra thành lập CLB Ông - Bà - Cháu, rồi đến từng hộ trong tổ vận động các cháu thiếu nhi, thiếu niên tham gia sinh hoạt để vừa học hỏi, vừa vui chơi lành mạnh.

Một góc Tủ sách thiếu nhi tại nhà ông Hai Hoàng

Một góc Tủ sách thiếu nhi tại nhà ông Hai Hoàng

Là một họa sĩ - chiến sĩ từng ngang dọc trên các chiến trường Nam, Trung, Bắc, ông Hoàng có cả kho kiến thức lịch sử, hiểu biết về truyền thống của đất nước qua trải nghiệm của chính mình. Những câu chuyện đầu tiên ông kể cho lũ trẻ nghe là những bài học về cách sống giản dị, tiết kiệm, tinh thần vượt khó, ý chí bất khuất… của Bác Hồ và Bác Tôn.

Sau đó, ông Hoàng kêu gọi những người có trình độ trong ấp, xã đến tư vấn, chia sẻ, giảng giải cho các em về những vấn đề như: lối sống chuẩn mực, đạo đức con người, quan hệ gia đình - xã hội, sống có ích… Ông Hoàng còn tổ chức cho các em tập diễn kịch, diễn tiểu phẩm hài trên sân khấu… Phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương được khơi dậy, các em càng thích đến với CLB hơn.

Tham gia CLB, nhiều học sinh trước đây có ý định bỏ học, nay quyết tâm vượt khó để tiếp tục đến trường, số học sinh khá giỏi trong ấp cũng tăng lên đáng kể. Tình trạng thiếu niên tham gia cướp giật, tiêm chích… giảm hẳn. Thông qua CLB Ông - Bà - Cháu, con em trong ấp đã hiểu và tự vượt khó để đến trường, học giỏi, lễ phép với ông bà…

Tuy nhiên, điều kiện học tập của con em nhiều gia đình trong ấp vẫn còn hạn chế. Thấy vậy, đầu năm 2009, ông Hoàng lại đứng ra thành lập CLB Tủ sách thiếu nhi tại nhà. Để duy trì hoạt động của CLB Ông - Bà - Cháu và Tủ sách thiếu nhi, ông Hoàng đã sử dụng chính những đồng lương hưu và khoản tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, cộng với sự giúp đỡ của nhiều người quan tâm đến sự nghiệp “trồng người”, vì tương lai tốt đẹp của thế hệ sau. Rồi ông gõ cửa nhiều nhà in (Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà in Báo Nhân Dân, Nhà in Trần Phú....) tìm sự ủng hộ, đến nay đã xây dựng được tủ sách khoảng 700 cuốn, với 100 đầu sách các loại. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cũng gửi tặng CLB nhiều sách hay. Mỗi ngày, tủ sách đón hàng chục lượt em đến đọc, mượn sách về nhà.

Ông Đặng Thái Quảng, tổ trưởng tổ 23 ấp 6, phấn khởi nói: “Từ ngày có Tủ sách thiếu nhi, các em học sinh trong tổ tự quản cũng như trong ấp 6 được tiếp thêm nguồn kiến thức, hỗ trợ cho việc học và giải trí lành mạnh. Em Thân Thị Hồng Nhung, học sinh lớp 9 tổ 23 cho biết, em rất thích đến Tủ sách thiếu nhi ấp để đọc, vì có nhiều sách rất hay và hữu ích. Nhờ đọc sách nhiều và chăm chỉ học tập mà năm rồi em đạt được học sinh giỏi.

Việc làm mang ý nghĩa cộng đồng cao của ông Hai Hoàng hết sức thiết thực. Hiện nay không ít địa phương còn nhiều khó khăn, nhiều gia đình thiếu điều kiện chăm lo cho con trẻ, xã hội vẫn cần lắm những ông “Hai Hoàng”.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục