
Chuyện “Hai lúa” Võ Văn Hóa vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và được Bộ Giao thông Vận tải tặng kỷ niệm chương về thành tích tích cực tham gia xây dựng giao thông nông thôn, đã làm xôn xao cả ấp vùng sâu Mỹ Phước 2, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Cây cầu bê tông do ông Hóa giúp gần 200 triệu đồng xây dựng. Ảnh: Huỳnh Lợi
Tiên phong làm cầu, đường...
Giữa tháng 9-2012, chúng tôi tìm đến ấp vùng sâu Mỹ Phước 2, đi đâu cũng nghe người dân bàn chuyện lần đầu tiên ở địa phương có một nông dân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Biết chúng tôi là nhà báo đến viết bài về tấm gương ông Hóa làm việc xã hội, anh Phạm Hữu Văn, tình nguyện dẫn đường đưa chúng tôi đến nhà ông Hóa. Năm nay, ông Hóa đã 82 tuổi nhưng rất “máu” làm việc xã hội.
Ông kể: “Lớn lên ở vùng nông thôn sâu, điều kiện đi lại rất khó khăn, ngày trước mỗi lần ra xã hay lên huyện đều phải đi bằng xuồng rất mất thời gian. Và ông là một trong những người đầu tiên ở địa phương khởi xướng việc làm cầu, đường… theo hình thức xã hội hóa”. Tuy nhiên, vùng quê Mỹ Quý những năm 1980 - 1990 kinh tế còn khó khăn nên việc làm giao thông nông thôn chuyển biến khá chậm.
Ông Hóa nhớ lại: “Trận lũ lịch sử năm 2000 hầu hết đường sá, nhà cửa… đều bị nước lũ nhấn chìm. Thiệt hại về tài sản và người ở Đồng Tháp rất lớn. Nhiều gia đình sống trong cảnh màn trời chiếu đất, thậm chí không có gạo ăn. Thấy dân khổ, ông không đành lòng. Thế là ông Hóa “đập ống heo” lấy tiền tiết kiệm của mình mua hơn 100 giạ gạo đem đi giúp đỡ cho những hộ nghèo, hộ khó khăn. Khi lũ rút, nhiều nhà cửa bị hư hỏng, ông lại đi đốn cây hỗ trợ cho dân làm lại nhà. Cầu, đường bị lũ cuốn trôi, ông bỏ tiền ra mua vật tư rồi vận động người dân địa phương làm lại… Thấy một số gia đình nghèo có người thân qua đời nhưng không đủ tiền an táng, ông Hóa đứng ra lập trại hòm từ thiện để giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh.
Xã Mỹ Quý là xứ chuyên làm lúa, để tăng việc sản xuất từ 2 vụ/năm lên 3 vụ/năm buộc phải làm đê bao kiên cố để chống lũ. Thế là nhiều tuyến kênh được thi công nạo vét làm đê bao. Có đê bao nhưng không có cầu nên người dân ở hai bên bờ kênh Mỹ Phước không thể đi lại được. Một lần nữa ông Hóa “đập ống heo” lấy hơn 50 triệu đồng xây 2 cây cầu ván qua kênh Mỹ Phước. Chứng kiến con em vùng sâu Mỹ Phước 2 đi học khó khăn phải qua đò, bơi xuồng, năm 2011, ông Hóa dành gần 200 triệu đồng xây cầu bê tông dài tới 70m. Bên cạnh đó, ông còn dành hàng chục triệu đồng xây nhà tình thương cho những hộ nghèo trong xã…
Bệnh nặng vẫn lo công tác xã hội
Ông Lê Văn Ngọt, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tháp Mười, cho biết: “Nhiều năm qua ông Hóa là một trong những người tham gia tích cực phát triển giao thông nông thôn ở địa phương. Điều đáng quý ở ông Hóa là ông vừa bỏ tiền túi hàng trăm triệu đồng làm công tác xã hội vừa trực tiếp tham gia, đồng thời vận động nhiều người cùng góp công góp sức làm giao thông. Nhờ đó mà đường sá ở địa phương ngày càng khang trang, xe cộ lưu thông dễ dàng kể cả vào mùa mưa lũ”.
Hôm nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và kỷ niệm chương của Bộ Giao thông Vận tải trao tặng, ông Hóa mừng rơi nước mắt. Ông không ngờ những chuyện làm giao thông ở vùng quê xa như Mỹ Quý lại được Trung ương ghi nhận. Không chỉ ông mà các con ông và người dân địa phương cũng vui lây. Song ông lại buồn vì không biết tới đây có còn sức khỏe để tiếp tục làm việc xã hội nữa không.
Anh Võ Văn Đức, con trai thứ 4 của ông Hóa tâm sự: “Gần đây sức khỏe ông yếu dần và thường bị bệnh. Gia đình vừa đưa ông đi khám ở bệnh viện tỉnh thì phát hiện ông bị viêm đại tràng. Bệnh viện đã mổ xong, sau đó đưa lên TPHCM điều trị nhưng sức khỏe ông không cải thiện gì nhiều. Mấy ngày nay ông chỉ nằm chứ không đi lại được”. Cũng theo anh Đức, ông Hóa đang chuẩn bị xây một cây cầu bê tông ở kênh Bảy Thước, dài 32m, ngang 2,6m; làm lộ đan dài 500m và đổ đá nhuyễn dài 1km trong ấp; tổng kinh phí làm cầu và đường ước trên 430 triệu đồng, do ông đóng góp.
Dù sức khỏe đang yếu nhưng hàng ngày ông vẫn đốc thúc các con thay mặt ông thực hiện, để người dân có được cầu bê tông và đường nhựa đi lại dễ dàng. Anh Võ Văn Phục, con trai thứ 7 của ông cho biết, gia đình dù không giàu có nhưng rất tự hào về việc làm giao thông nông thôn của cha. Tới đây, vì lý do sức khỏe nếu cha không trực tiếp làm được thì các con sẽ tiếp tục thay cha làm công tác xã hội, góp phần xây dựng vùng quê Mỹ Quý ngày càng phát triển.
Huỳnh Lợi