Mùa lễ hội năm nay mới chỉ bắt đầu song màu sắc bạo lực, phản cảm đã liên tiếp xuất hiện khiến dư luận phải lo ngại. Ngày 26-2, PV SGGP đã trao đổi với ông Phan Đình Tân, Người phát ngôn Bộ VH-TT-DL về các hiện tượng này.
* Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng việc phục dựng ồ ạt trong thời gian qua dẫn tới việc làm sống lại nhiều nghi lễ, hành vi chưa phù hợp với cuộc sống hiện tại?
* Ông PHAN ĐÌNH TÂN: Người ta đổ lỗi cho việc phục dựng, nhưng không ai lại làm việc phục dựng những hành vi phản cảm, phi văn hóa như cướp lộc, chen lấn, đánh nhau như vậy cả. Đối với các lễ hội phục dựng khi trình lên đều là nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa và hướng tới việc làm cho lễ hội ngày càng tốt đẹp lên. Hành vi biến tướng xảy ra trong các lễ hội phục dựng đều ngoài ý muốn, ngoài sự kiểm soát. Các lễ hội, các nghi lễ phải hướng tới các hành vi tốt đẹp thì các cơ quan quản lý mới đồng ý cho phục dựng.
* Ngay trước mùa lễ hội, có nhiều văn bản chỉ đạo nhằm đảm bảo mùa lễ hội trật tự, an toàn, mang đậm màu sắc văn hóa đã được ban hành, song năm nay, điều dễ nhận thấy là sắc màu bạo lực bao trùm trong một số lễ hội. Theo ông nguyên nhân là do văn bản chỉ đạo chưa sát với thực tế hay do người thực thi chưa tốt?
Người dân chen lấn xin ấn tại đền Trần. Ảnh: LÃ ANH
* Trước hết phải khẳng định các văn bản ra đời đã góp phần tăng cường tiếng nói quản lý của nhà nước đối với việc tổ chức các lễ hội nhưng vẫn một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc dẫn tới các hiện tượng báo động. Song trên quan điểm khách quan thì xu hướng bạo lực trong các hoạt động này nói riêng cũng như xu hướng bạo lực lại có chiều hướng gia tăng theo tôi là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết là do thiếu sự chia sẻ, tình thương yêu, thiếu sự quan tâm, trách nhiệm thực sự trong cộng đồng. Kinh tế khó khăn, gia đình khó khăn... dễ khiến người ta bức xúc và tâm trạng này rất dễ bộc phát khi thiếu kiểm soát... Lễ hội chính là tấm gương phản chiếu của xã hội.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng hỗn loạn ấy là do người tổ chức chưa nhận thức đúng bản chất của các nghi lễ trong lễ hội. Cụ thể như việc chọn lựa người thực hiện các nghi lễ, nghi thức trong lễ hội cũng không còn giữ được đúng các nguyên tắc, lề lối xưa kia về nhân cách, tính kỷ luật... vì thế uy tín cũng như độ uy nghiêm của đội ngũ hành lễ giảm sút. Sai lầm trong việc lựa chọn người chưa đủ đức, tâm, tài để thực hành các nghi lễ trong lễ hội cũng làm nảy sinh các biến tướng.
* Lễ hội chém lợn tại Bắc Ninh, hai năm trước hành vi này không còn được thực hiện ở trước sân đình nữa, nhưng năm nay, sau rất nhiều ý kiến của cộng đồng, ý kiến của các cơ quan chức năng về việc nên xem xét lại nghi lễ này thì việc chém lợn lại công khai ở sân đình. Đó có phải là do tính định hướng của cơ quan quản lý chưa tốt?
* Đây là hậu quả của quản lý kém, của việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính. Hiện tượng này cũng do có sự tiếp tay của một số nhà nghiên cứu bảo thủ, có động cơ cá nhân. Đây cũng là dấu hiệu của việc thực thi pháp luật không nghiêm. Hãy cứ làm như Quảng Ninh xử lý hiện tượng đốt pháo trong tết vừa rồi, qua việc xử lý kỷ luật các cá nhân giữ vai trò quản lý địa bàn. Luật pháp chưa nghiêm dẫn tới việc lờn luật.
Như chuyện pháo ở Bình Đà trước đây. Nhà nước phải quản lý, phải cương quyết đưa ra những quyết định mà ở vị trí của người dân không nhìn ra được hoặc vì lợi ích cá nhân mà họ không chịu thừa nhận. Với các tập tục, lễ hội truyền thống cũng vậy, có ý kiến cho rằng đừng áp đặt văn minh phương Tây vào văn hóa bản địa, nếu vậy thì anh đừng đi xe máy, ô tô nữa mà chỉ đi xe ngựa, xe trâu, xe bò. Chúng ta đang hội nhập mà vẫn bảo thủ theo ý nghĩ, thích thì làm không thì thôi, không chấp nhận những cái mới thì cũng phải xem lại.
* Theo ông cần phải có các giải pháp như thế nào giải quyết tình trạng trên?
* Cần phải có chế tài rất cụ thể đối với các nơi tổ chức lễ hội. Trong trường hợp để xảy ra biến tướng, các hành vi phản cảm trong lễ hội thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cần có các hình thức kỷ luật cụ thể chứ không thể để kéo dài hơn tình trạng để biến tướng kéo dài từ năm này qua năm khác hay chỉ xin lỗi xong rồi thôi. Tùy theo sai phạm nặng nhẹ mà có các hình thức kỷ luật như cắt chức, luân chuyển công tác hay thậm chí là cấm hẳn không cho tổ chức lễ hội nếu các sai phạm còn tiếp tục tái diễn.
* Đây là những hoạt động văn hóa mang tính dân gian, vậy việc điều chỉnh hay cấm thông qua các văn bản hành chính có phải là quá cứng nhắc?
* Không hề. Khi nhà nước tạo điều kiện cho tổ chức các lễ hội thì trách nhiệm của người thực thi là không được để xảy ra sai sót. Không thể để các hiện tượng phản cảm, phi văn hóa như vậy tiếp tục tái diễn ở trong lễ hội. Không thể để chỉ một vài vi phạm ở một số địa phương, vùng miền mà ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia, dân tộc. Phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
VĨNH XUÂN (thực hiện)
|