
(SGGP-12G).- Năm 2003, Chính phủ Pháp bán tòa nhà Imprimerie Nationale ở thủ đô Paris cho Quỹ đầu tư Carlyle của Mỹ, lấy 85 triệu euro. Bốn năm sau, do diện tích làm việc chật hẹp, Bộ Ngoại giao Pháp tìm mua lại tòa nhà này nhưng với giá đắt hơn 4 lần, 376 triệu euro, tức nhà nước “lỗ ròng” 291 triệu…
Thập kỷ sốt nhà đất
Trên đây là ví dụ điển hình minh họa cho thập kỷ “sốt nhà đất” mà Paris vừa trải qua, khi giá cả tăng chóng mặt, nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến, dân Paris mua vào ào ạt, còn nhà nước thì “ăn dần” gia sản của mình...
Tất cả những điều đó đã làm thay đổi đáng kể “bản đồ nhà đất” của thành phố, rất lâu trước đó vốn đa phần thuộc về tầng lớp thượng lưu và nhà thờ, sau chuyển sang những người kinh doanh cho thuê, còn bây giờ chủ yếu thuộc về các nhóm đồng sở hữu chủ (nhiều người cùng mua chung một tòa nhà gồm nhiều căn hộ hoặc mua căn hộ trong tòa nhà mình đang ở) và quỹ nhà đất của Tòa Thị chính thành phố.

Năm 2008, có thể nói “Paris thuộc về người Paris”, với 45,2% số tòa nhà là của các đồng sở hữu chủ
Năm 2008, “Paris thuộc về người Paris” - nhà nghiên cứu Patrice de Moncan khẳng định, trong đó 45,2% tổng số các tòa nhà ở thủ đô thuộc về các đồng sở hữu chủ, so với 43,8% vào năm 1998.
Có một nghịch lý là việc nhà đất tăng giá càng “kích thích” người ta mua vào. Đáng kể nhất là xu hướng mua căn hộ trong các tòa nhà trước nay vốn chỉ thuộc về một chủ nhân duy nhất, những người sở hữu một hoặc vài tòa nhà cho thuê. Các nhà thờ và tổ chức tôn giáo cũng bán đi phần lớn bất động sản của mình, thường nằm ở những vị trí “vàng”…
Nhà nước bán, tư nhân mua
Đấy dường như cũng là chính sách mà nhà nước Pháp đang thực thi. Ví dụ, ở Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bernard Kouchner đã cho phép bán đi Trung tâm Hội nghị quốc tế nằm trên đại lộ Kléber, gần quảng trường Ngôi sao (Etoile), để lấy tiền… mua lại tòa nhà Impimerie Nationale.

Một tòa nhà căn hộ ở Paris
Hay vụ bán đi tòa lâu đài nhỏ rất đẹp nằm sát Bộ Quốc phòng, mà sau đó cơ quan này mới nhận ra rằng một hàng rào đơn giản ngăn cách hai khu nhà không đủ sức bảo vệ những tin tức tối mật! Bộ Tài chính, nơi thành lập Tổ chức France Domaine nhằm quản lý khối bất động sản của nhà nước, đã “chỉ nghĩ tới khía cạnh tài chính” - một chuyên gia lấy làm tiếc.
Các bộ thường bị chỉ trích là coi các tòa nhà làm việc như “nhà riêng” của mình và quản lý chúng không tốt. Trong năm 2009, Chính phủ Pháp hy vọng sẽ thu được 1,4 tỷ euro từ việc bán bất động sản. Năm 2008, số tiền này chỉ là 395 triệu euro, trong khi mức đặt ra là 600 triệu. Một số bất động sản bị rút lại, không rao bán nữa vì lo ngại rằng chúng sẽ “bị” chính quyền thành phố Paris mua lại với giá rẻ.
Ê kíp của Thị trưởng Bertrand Delanoe đã thực hiện được nhiều vụ mua nhà đất với giá hời, nhằm thực hiện lời hứa tăng thêm 40.000 căn hộ xã hội vào năm 2013, tương ứng với hàng trăm triệu euro. “Từ năm 2001 tới nay, chúng tôi đã mua được 10.000 căn”, phó Thị trưởng Jean-Yves Mano, phụ trách mảng nhà ở, cho biết. Thành phố hiện sở hữu một “gia sản” khổng lồ với gần 10% tổng số các tòa nhà ở Paris.
Trên thị trường buôn bán bất động sản, từ 1996, sau khi trải qua cuộc khủng hoảng lần trước, các ngân hàng và các hãng bảo hiểm đã quyết định bán cho các quỹ đầu tư Đức và Mỹ một phần lớn lượng bất động sản mà họ nắm giữ. Những quỹ này thường đầu tư vào những nơi có vị trí đẹp để sau đó bán lại, có khi phân theo từng lô. Các nhà tài chính sau đó đã ra đi, cơn sốt bất động sản bắt đầu nguội…
Giờ đây, khi cuộc khủng hoảng nhà đất đã qua hồi nguy kịch, người ta lại đặt câu hỏi Paris rồi sẽ ra sao? Mọi chuyện dường như đã rõ: Nhà nước sẽ tiếp tục bớt “ôm đồm”, chỉ giữ lại những công trình, tòa nhà mang tính biểu tượng; số người một mình sở hữu cả một tòa nhà ngày càng ít; thành phố vẫn tiếp tục “tậu” nhà ở xã hội, giống như rất nhiều người đã trở thành đồng sở hữu chủ một bất động sản… Mười năm tới, liệu nhà đất Paris có còn khiến người ta “phát sốt” lên một lần nữa hay không?.
Trong vòng nửa thế kỷ, số tòa nhà ở Paris thuộc sở hữu của riêng một cá nhân đã giảm đi 70.000 tòa, hiện chỉ còn 18.000 người hành nghề “chủ cho thuê căn hộ”. Chủ nhân của những tòa nhà như thế phần nhiều do được kế thừa. Nhưng tiền thuế phải đóng để được hưởng của thừa kế là một gánh nặng đối với không ít người, chưa kể các khoản thuế khác. Trong gia đình, đôi khi thế hệ trẻ không sẵn lòng gánh vác công việc (kinh doanh) “âm thầm” này của ông cha để lại. Hợp đồng cho thuê nhà, nghề cho thuê nhà ngày càng phức tạp, với những quy định, điều luật mới… làm không ít người nản lòng. |
MINH QUỐC (theo L’Express)