Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) sắp bước vào năm thứ 10, nay đã nên hình nên dạng với những tập đoàn tên tuổi thế giới, những sản phẩm toàn cầu. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM, PGS-TS Lê Hoài Quốc quanh vấn đề này.
° PV: Đánh giá của ông về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong SHTP, nhất là giá trị gia tăng của các doanh nghiệp?
° PGS-TS LÊ HOÀI QUỐC: Hoạt động của doanh nghiệp tại SHTP được chia làm một số nội dung chính để đánh giá: Sản phẩm công nghệ khi doanh nghiệp đăng ký thực hiện dự án và giá trị gia tăng của sản phẩm đó tại SHTP; tỷ lệ vốn đã triển khai trên tổng mức vốn đã đăng ký khi đầu tư; tình hình xuất nhập khẩu; đầu tư cho nghiên cứu – triển khai (R&D)… Giá trị đầu tư hơn 2 tỷ USD đã tạo ra hình ảnh khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Tuy nhiên đáng chú ý hiện nhiều doanh nghiệp tạo ra sản phẩm công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng tạo ra không cao. Dẫn chứng điều này, có doanh nghiệp thâm dụng lao động rất lớn, mà doanh nghiệp công nghệ cao sử dụng quá nhiều lao động giản đơn thì rất cần suy nghĩ. Các sản phẩm công nghệ cao như động cơ siêu nhỏ cho xe hơi nhưng tất cả nghiên cứu, thiết kế đều được làm tại Nhật, nhập về lắp ráp tại SHTP rồi xuất. Điều này cho thấy giá trị gia tăng trên sản phẩm tại SHTP rất thấp. Có thể nói giá trị gia tăng đích thực của các doanh nghiệp đang khai thác tại SHTP hiện nay là sức lao động.
° Thực tế cho thấy tính khả thi dự án của một số doanh nghiệp đang hoạt động tại SHTP đã không còn nên những doanh nghiệp này đang tìm cách kêu gọi hợp tác hoặc chuyển nhượng dự án. Thực tế này phản ánh điều gì?
° Số doanh nghiệp này chiếm 1/5 trong tổng số 61 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư. Tôi cho rằng đây là sự điều chỉnh tất nhiên, đi theo quy trình tồn tại của doanh nghiệp. Vấn đề là doanh nghiệp điều chỉnh nhưng vẫn tạo ra những sản phẩm theo đúng như yêu cầu đầu tư ban đầu. Nguyên nhân chủ yếu của thực tế này do thị trường. Khi đăng ký đầu tư, sản phẩm đó đang có giá trị nhưng quá trình triển khai dự án chậm, đến nay đã lạc hậu nên phải điều chỉnh.
° Nếu giai đoạn 1 thu hút đầu tư nước ngoài với rất nhiều chính sách ưu đãi để tạo vị thế thì giai đoạn 2 sẽ có những thay đổi gì?
° Giai đoạn tới, SHTP sẽ đi vào công nghệ cao, giá trị gia tăng, năng suất lao động. Đây cũng là định hướng kêu gọi doanh nghiệp trong nước. Nhìn lại các doanh nghiệp đã hoạt động tại SHTP, chỉ có 5 doanh nghiệp có hoạt động R&D và mang lại những giá trị gia tăng đích thực, 3 doanh nghiệp cũng có R&D nhưng chỉ để cải tiến sản phẩm nên giá trị không nhiều.
Tuy nhiên phải nói đây là giai đoạn đầu của SHPT nhằm mời gọi doanh nghiệp nước ngoài nên từ thời điểm này về sau, khi xét duyệt các dự án đầu tư, các tiêu chí xét chọn sẽ được nâng cao và chi tiết hơn nhiều. Các tiêu chí sẽ thể hiện qua trình độ công nghệ, các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng và hoạt động nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp đầu tư vào SHTP. Mục tiêu lớn trong SHTP là R&D, qua đây tạo ra nhiều giá trị gia tăng, tạo nguồn nhân lực chất lượng và tạo nên công nghệ chứ không chỉ là thu hút đầu tư.
° Các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước (nhất là nhà khoa học Việt kiều) về tham gia hoạt động công nghệ cao còn ít, nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu vẫn là trăn trở nhiều năm qua của SHTP. Vậy chính sách thu hút người tài chưa phù hợp hay cách chọn nhà khoa học đầu tàu chưa đúng?
° Tôi có thể khẳng định rằng, chính sách thu hút người tài nói chung và thu hút các nhà khoa học đầu ngành của TPHCM nói riêng hoàn toàn hợp lý và còn có nhiều chính sách tốt hơn những địa phương khác. Thu hút các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước (nhất là nhà khoa học Việt kiều) về tham gia hoạt động công nghệ cao tại SHTP trong thời gian qua chưa phát huy hiệu quả vì thực tế chưa chọn đúng người đầu tàu ở một vài vị trí chủ chốt. Đầu tàu tốt sẽ nhiều người tự tìm đến, đầu tàu không ổn các nhà khoa học sẽ bỏ đi ngay. Thực tế này đã xảy ra tại SHTP.
BÁ TÂN thực hiện