Ngày 15-1-2014, Báo SGGP đã đăng bài “Lật kèo vì vàng tăng giá”, phản ánh việc ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ tại quận 8, TPHCM) tham gia hợp đồng bảo hiểm của Manulife với thời hạn 10 năm, trị giá 55 triệu đồng, nhưng sau 10 năm, Manulife thanh toán cho ông số tiền thấp hơn số tiền ông đã nộp.
Nội dung giao dịch là ông Tiến được quyền lựa chọn bảo đảm thời giá theo giá trị vàng tại thời điểm ký kết hợp đồng (năm 2003), tức 55 triệu đồng, quy ra thành hơn 8 lượng vàng. Khi vàng tăng giá, hàng năm ông phải đóng thêm số tiền tăng theo tỷ lệ tăng giá không quá 10%, do công ty quy định. Do vậy, hợp đồng bảo hiểm ban đầu trị giá chỉ 55 triệu đồng, nhưng do “được đảm bảo thời giá theo giá trị vàng” nên ông phải đóng tổng cộng hơn 150 triệu đồng (trong đó có cả những khoản phí không được hoàn lại với tên gọi là “phí bảo hiểm quyền lợi miễn nộp phí” 8,8 triệu đồng và một vài loại phí khác).
Thế nhưng, đến khi hết hạn 10 năm thực hiện hợp đồng, Manulife không thanh toán theo giá trị vàng (hơn 8 lượng), mà chỉ thanh toán tiền gốc (55 triệu đồng), tiền bảo đảm thời giá mà khách đã nộp.
>> Sau khi bài viết đăng, Công ty Manulife phản hồi, cho rằng: “Quyền lựa chọn bảo đảm thời giá theo giá trị vàng cho phép khách hàng gia tăng số tiền bảo hiểm hàng năm theo tỷ giá vàng (tối đa là 10%) mà không cần phải qua thủ tục thẩm định bảo hiểm như thông thường. Quyền này nhằm gia tăng mệnh giá hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng, hoàn toàn không mang tính đầu tư và không cam kết đảm bảo số tiền bảo hiểm đáo hạn đúng bằng giá trị vàng tại thời điểm tham gia bảo hiểm”.
Do vậy, Manulife cho rằng khách hàng hiểu nhầm, công ty không thể thanh toán giá trị tương đương với giá trị vàng tại thời điểm ký kết, nếu thanh toán sẽ sai với các điều khoản sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê duyệt.
Phía ông Tiến cho biết thêm, sau nhiều năm ròng rã thanh toán phí sản phẩm “Quyền lựa chọn bảo đảm thời giá - Lựa chọn bảo đảm theo giá trị vàng” thì gần đến hết thời hạn hợp đồng, bất ngờ Manulife đổi tên sản phẩm này thành “Quyền tăng số tiền bảo hiểm do trượt giá có giới hạn”! Ông Tiến cho rằng, chính tên gọi sản phẩm “Bảo đảm theo giá trị vàng” đã nói rõ bản chất của giao dịch, chẳng hiểu sao công ty lại lý giải sản phẩm này chỉ để làm tăng số tiền bảo hiểm.
“Nếu muốn số tiền bảo hiểm tăng lên thì tôi mua hợp đồng giá trị lớn, chứ việc gì phải ký tham gia sản phẩm phụ song song làm gì? Nếu ký hợp đồng bảo đảm cho giá trị vàng để làm tăng số tiền bảo hiểm thì khác nào Manulife lách luật” - ông Tiến bức xúc.
Một hợp đồng mà trong đó nội dung cơ bản của sản phẩm “bảo đảm theo giá trị vàng” cũng gây hiểu nhầm. Đến khái niệm “lãi suất bảo tức 8%/năm” khiến khách hàng hiểu là lãi suất trên số tiền thực nộp, mãi đến khi đáo hạn, khách mới té ngửa ra là lãi suất 8%/năm đó chỉ tính trên bảo tức (số tiền chia lãi do công ty tự ấn định, rất thấp). Đó là lý do số tiền thực nộp đến 150 triệu trong vòng 10 năm nhưng chỉ được Manulife trả 18 triệu đồng bảo tức và lãi bảo tức.
Đã đến lúc Bộ Công thương cần xem lại các hợp đồng mẫu và thực hiện giải thích những từ ngữ không rõ theo đúng quy định tại Điều 15 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Trong trường hợp hiểu khác nhau về nội dung hợp đồng thì tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho người tiêu dùng”.
HÀN NI