(SGGP).- Ngày 16-3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Phát biểu tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, GTVT là lĩnh vực quan trọng của xã hội, là một lĩnh vực nóng, là một nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội. Phải tìm mọi biện pháp phát triển ngành GTVT để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không vì khó khăn về kinh phí mà để GTVT tiếp tục là nút thắt. Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập của ngành, trước hết là thể chế tồn tại nhiều vướng mắc, gây trở ngại cho phát triển GTVT; chưa giải ngân hết vốn xây dựng cơ bản 2016. Trong chuẩn bị đầu tư còn có nhiều vấn đề, nhất là các dự án BOT. Một bất cập nữa của ngành là thiếu vốn nghiêm trọng. Nhu cầu vốn đầu tư trong 5 năm 2016 - 2020 gần 1 triệu tỷ đồng, nhưng mới đáp ứng được gần 210.000 tỷ đồng. Còn nhiều tồn tại trong thực tiễn mà chưa giải quyết được như quy trình công - tư (PPP), phát triển đồng bộ GTVT. “Thể chế còn vướng mắc nhiều thứ nên chúng ta chưa huy động vốn xã hội được. Tôi biết có nhà đầu tư tâm huyết, rất muốn làm, nhưng vì thể chế của chúng ta nên họ nản lòng”, Thủ tướng bày tỏ.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP
Thủ tướng đưa ra một số vấn đề cũng là các yêu cầu, định hướng cho Bộ GTVT phát triển thời gian tới. Theo đó, phải dựa vào dân, nguồn lực xã hội để phát triển GTVT. Vì vậy xã hội hóa nguồn lực ở mọi khâu, bằng mọi cách. Nhà nước chỉ có thể làm vốn mồi, hỗ trợ, tạo cơ chế, thể chế, điều kiện để xã hội hóa cơ sở hạ tầng GTVT thành công. Thủ tướng cho rằng phải tạo ra một không gian ủng hộ để xã hội hóa, người dân tham gia phát triển GTVT. Đó là lối ra khi hiện nay, nguồn vốn nhà nước bố trí được để phát triển GTVT chỉ mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu. Cùng với đó, phải tháo gỡ mọi thể chế, sửa sớm, bãi bỏ các thể chế cản trở, là rào cản để PPP hay các cách thu hút nguồn vốn khác đi vào Việt Nam, vào ngành GTVT, vào các địa phương. Vì thế, Bộ GTVT phải chủ động đề xuất cơ chế, tìm nguồn và hướng xử lý…
Về sử dụng vốn nhà nước. Thủ tướng cho rằng với nguồn vốn ít ỏi thì Nhà nước làm vốn mồi là chính và phải sắp xếp thứ tự ưu tiên để tăng hiệu quả sử dụng. Các cấp, các ngành, địa phương phải tìm nguồn bổ sung trong quá trình điều hành, kể cả hình thức như cổ phần hóa, chuyển nhượng hạ tầng. Nguyên tắc đầu tư là người hưởng lợi đông. Thủ tướng cũng cho rằng, tìm nguồn lực để thu hút ODA vào đầu tư phát triển là hướng đi cần thiết và yêu cầu Bộ GTVT tập trung làm 1km đường mẫu, từ đó có thể tính được cụ thể chi phí đầu tư, để xem “định mức làm sao, bao nhiêu cát, bao nhiêu xi măng, nếu làm đường nhựa thì như thế nào…”. Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu chỉ rõ trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng GTVT, trưởng các đơn vị trong việc quyết định những chủ trương phát triển giao thông. “Ai chịu trách nhiệm xe quá tải vẫn đi trên đường? Phải có người chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói. Cùng với đó, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong GTVT.
PHAN THẢO