“Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu phải làm, nhưng so sánh giữa tăng trưởng và trì trệ thì cái nào hơn cái nào? Đây là vấn đề các nhà chiến lược và các nhà hoạch định chính sách phải tính đến lúc này”, đó là ý kiến đầy trăn trở của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cuối tuần trước về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012. Ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội được nhiều thành viên UBTVQH chia sẻ.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh một lần đưa ra bình luận “nghe thì mừng, ngẫm thì lo” khi giải trình thêm về bản báo cáo của mình. Bộ trưởng đề cập đến “hai cái nhất đáng lo” về “sức khỏe” của nền kinh tế: trong nhiều năm qua, quý 1-2012 có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp nhất và lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu trong một quý.
Vị bộ trưởng diễn giải, việc mức tăng CPI thấp trong suốt quý 1 (CPI tháng 4 sẽ “rơi” đột ngột xuống mức 0,06%), cùng với những chỉ báo về lượng hàng tồn kho và số doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng lên là cơ sở cho mối quan ngại về suy giảm kinh tế. Mặc dù cho rằng, việc thực hiện kế hoạch năm 2012 mới đi được 1/4 quãng đường và vẫn còn quá sớm để quyết định áp dụng các biện pháp chống suy giảm kinh tế hay điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, song Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận, tình hình cần được tiếp tục theo dõi sát sao để có những điều chỉnh trong 1-2 tháng tới.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý bày tỏ quan điểm của mình về nỗi lo chung này: “Rất mừng khi chỉ số CPI giảm, nhưng tôi không biết mục tiêu trên nằm ở đâu, sắp tới như thế nào? Nhà chúng ta tối nay không có cơm thì trước hết phải đi vay hoặc phải nhịn đói, ăn khoai. Nhưng mặt khác muốn ngày mai có ăn thì hôm nay phải khai hoang, phục hóa. Với chính sách cũng vậy, theo tôi phải vừa kiềm chế lạm phát, đồng thời phải có biện pháp để chống suy giảm. Nếu không chống suy giảm thì 6 tháng đầu năm 2012 đã khó rồi, doanh nghiệp phá sản rất nhiều, thu không có, vậy đến năm 2013 tình trạng này cũng không khá hơn”.
Bên cạnh đó, với chỉ tiêu về xuất - nhập khẩu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, nhập siêu cả năm 2011 đạt 9,84 tỷ USD, bằng 10,16% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với kế hoạch đầu năm (18%) và số đã báo cáo Quốc hội (10,5%). Đây cũng là mức nhập siêu thấp nhất trong nhiều năm qua. Sang năm 2012, xu hướng này càng rõ hơn. Tính trong nhiều năm trở lại đây, lần đầu tiên trong một quý, Việt Nam không những không nhập siêu mà còn xuất siêu tới 220 triệu USD, bằng 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm 2011, nhập siêu lên tới 3 tỷ USD). Ngoài nguyên nhân do xuất khẩu tăng cao, nhập khẩu giảm còn có nguyên nhân quan trọng là do đầu tư và sản xuất công nghiệp chế biến suy giảm, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu và máy móc, thiết bị giảm sút. Căn bệnh đình đốn sản xuất đã thể hiện rất rõ…
Phiên họp đã đi đến thống nhất quan điểm, phải đồng thời thực hiện các nhóm giải pháp hướng đến hai mục tiêu: ngăn chặn đà suy giảm và kiềm chế lạm phát. Trước mắt, với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, chưa thể hạ mức lạm phát xuống thấp hơn tăng trưởng GDP và cũng không nên để tình trạng xuất siêu (do nhập khẩu nguyên, vật liệu và máy móc, thiết bị giảm sút) xảy ra trong một vài năm tới.
“Cho tới năm 2015, nhập siêu hàng năm ở mức xấp xỉ 10% tổng kim ngạch xuất khẩu là vừa phải”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh nhận định. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kết lại phiên thảo luận này: “Để hài hòa nhiều mục đích, tôi cho rằng tăng trưởng ở mức 6%-6,5% và CPI khoảng 9% là hợp lý. Tăng trưởng dưới 6% là có chuyện. Lúc ấy chúng ta cũng chẳng có nguồn để chi cho các mục tiêu an sinh xã hội. Nhiều bất ổn chắc chắn sẽ nảy sinh”.
Anh Thư