Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ:

Phải minh bạch hóa thị trường bất động sản

Dương Công Thuyên –
Phải minh bạch hóa thị trường bất động sản

Loạt bài “Nhận diện thị trường địa ốc TPHCM” đăng trên Báo SGGP tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của người dân, các doanh nghiệp, nhà quản lý… bày tỏ nguyện vọng phải có giải pháp uốn nắn sự phát triển lệch lạc, hướng tới xây dựng một thị trường lành mạnh, hài hòa lợi ích các thành phần trong xã hội. PV báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ về các giải pháp phát triển thị trường này.

  • Chấp nhận “đóng băng” để kéo giá thị trường xuống

Phải minh bạch hóa thị trường bất động sản ảnh 1

Khách hàng tham quan nhà mẫu của một khu cao ốc trên địa bàn quận 2.

- PV: Theo ông, cần có những giải pháp mạnh nào để uốn nắn thị trường bất động sản biến dạng, mất cân đối như hiện nay?

- Ông Đặng Hùng Võ:
Theo tôi, những nguyên nhân mà báo SGGP đưa ra là có cơ sở. Đối với khu vực nhà ở, thị trường nhà chung cư vẫn bình thường, không có gì biến động. Nhưng thị trường nhà cao cấp (các loại nhà ở gắn với đất riêng) thì đang bị ngưng trệ mà chúng ta hay gọi là “đóng băng”.

Hiện nay, thị trường này đang “vướng” do cung không gặp cầu ở chỗ giá đất quá cao, người có nhu cầu mua không thể với tới được. Và để cung- cầu ở thị trường này gặp nhau thì chúng ta phải chấp nhận việc “đóng băng” như hiện nay để kéo giá thị trường xuống, đồng thời phải có những biện pháp kích cầu: Có những chính sách hỗ trợ cho những người có thu nhập trung bình, những người có nhu cầu về nhà ở có thể tiếp cận với quỹ nhà ở thông qua các hình thức nhà thuê, mua nhà trả chậm…

Để bình ổn thị trường, có quan điểm cho rằng tiếp tục cung để giảm giá đất, cũng có quan điểm là dừng cung để các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đừng tiếp tục sa chân vào việc găm giữ đất, mua đi bán lại, nhằm giảm sự đổ vỡ của các doanh nghiệp. Theo tôi, trước mắt việc giao tiếp các dự án đối với nhà cao cấp nên dừng lại, còn đối với các dự án đất nhà chung cư thì vẫn nên tiếp tục. Riêng các dự án đất nền nhà, chúng ta nên tiếp tục giữ quan điểm: không phân lô, bán nền. Việc này đã kéo theo hậu quả không tốt trong sự phát triển đô thị của các khu dân cư, làm cho các khu dân cư phát triển không đúng theo quy hoạch.

- Vậy theo ông, cứ để cho thị trường “đóng băng”?

- Thị trường “đóng băng” là biểu hiện cung cầu không gặp nhau, là sự điều tiết tự nhiên của thị trường. Nếu can thiệp bằng ý chí chủ quan, hiệu quả đạt được cũng rất thấp. Tuy nhiên ta cũng phải tiên liệu và có giải pháp để không gây tác động xấu, dẫn đến việc đổ vỡ và phá sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản làm ăn chân chính.

  • Làm bất động sản phải có năng lực

- Thưa ông, thực trạng thị trường bất động sản hiện nay có phải là hậu quả của việc các công ty làm ăn chụp giựt, thiếu năng lực nội sinh?

- Theo tôi, những doanh nghiệp “tay không bắt giặc” không nên có trong thị trường bất động sản vì sẽ làm cho thị trường phát triển lệch lạc. Thị trường “đóng băng” cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tự nhìn lại và kích thích họ tham gia vào khu vực sản xuất kinh doanh khác.

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, chúng ta đang cần khuyến khích đầu tư vào thị trường sản xuất, sau đó mới đến thị trường dịch vụ, vì sản xuất công nghiệp hiêän nay còn đang yếu và nếu thị trường này phát triển sẽ giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động, còn thị trường dịch vụ là hỗ trợ cho thị trường sản xuất. Do đó, Nhà nước phải có những chính sách để “lọc” ra những doanh nghiệp có năng lực kinh doanh để cân đối phát triển hài hòa, lành mạnh hóa thị trường bất động sản cũng như thị trường chung cả nước.

- Theo ông, thị trường bất động sản “đóng băng” như hiện nay có đáng lo hay không?

- Chúng ta phải lường trước được việc này và có giải pháp thích hợp để hạn chế tác động tiêu cực trong nền kinh tế. Tín hiệu từ thực tế cho thấy chưa có gì đáng lo ngại lắm. Đây là lúc để kéo giảm giá đất, bình ổn lại thị trường, minh bạch hóa thị trường. Một khi đã tham gia vào kinh doanh địa ốc, những doanh nghiệp làm sai sẽ được xử lý theo pháp luật nhưng kinh doanh đúng luật mà có sự đổ vỡ thì nhà nước phải can thiệp.

HẠNH NHUNG

Dương Công Thuyên – Giám đốc Công ty TNHH Him Lam:
Cần hạ nhiệt nhưng phải có “ngưỡng” cụ thể

Tôi đã đọc rất kỹ loạt bài đăng trên báo SGGP và rất đồng tình với những vấn đề mà báo đã nêu. Loạt bài đã đưa ra cái nhìn toàn diện về tình hình thị trường bất động sản tại TPHCM hiện nay và xu hướng trong thời gian tới. Giá cả nhà đất trong thời gian tới sẽ hạ nhiệt, nhưng hạ đến mức nào… là vấn đề mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực này quan tâm. Nếu không nhanh chóng xác định ngưỡng giá và nhà nước không có các giải pháp thì nguy cơ sụp đổ thị trường bất động sản là điều có thể xảy ra.

Theo tôi, với những dự án đang triển khai, ngân hàng nên xem xét tính khả thi để tiếp tục hỗ trợ vốn giúp doanh nghiệp hoàn thành. Với những dự án mà chủ đầu tư thật sự gặp khó khăn thì nhà nước cần có chính sách thu gom, hoặc cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án hoặc một phần dự án cho các chủ đầu tư khác hoặc cho các đối tác nước ngoài…

Chỉ có như vậy mới tránh việc phá sản của nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhà đất tại thành phố hiện nay và cũng để tránh sự sụp đổ có hệ thống làm ảnh hưởng đến nền kinh tế. Cho chuyển nhượng có điều kiện, điều tiết bằng các cơ chế khác… là một trong những giải pháp mà các cơ quan chức năng cần nghiên cứu. Nếu không, vì sinh tồn, sẽ có những cái bắt tay “ngầm” giữa doanh nghiệp với các đối tác nước ngoài, khi đó nhà nước vừa thất thu thuế lại vừa tạo ra thị trường ngầm mà “lợi hay hại” chưa ai có thể trả lời được.

Tin cùng chuyên mục