Phải minh bạch

Thiếu minh bạch dễ tham nhũng
Phải minh bạch

Quản lý tài nguyên khoáng sản

Theo nghiên cứu chỉ số quản trị tài nguyên tại 58 quốc gia trên thế giới của Viện Giám sát nguồn thu Mỹ, Việt Nam xếp hạng 43 trong bảng xếp hạng ở nhóm yếu. Trong đó, Việt Nam đứng thứ 8/10 quốc gia được đánh giá ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ trên Campuchia và Myanmar. Đó là thông tin được đưa ra tại buổi đối thoại về “Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (EITI)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Liên minh khoáng sản tổ chức mới đây.

Quản lý khai thác khoáng sản minh bạch sẽ hạn chế thất thoát. Ảnh: CTV

Quản lý khai thác khoáng sản minh bạch sẽ hạn chế thất thoát. Ảnh: CTV

Thiếu minh bạch dễ tham nhũng

Việt Nam là quốc gia giàu tiềm năng về khoáng sản, dầu khí. Tài nguyên khoáng sản của Việt Nam rất đa dạng với hơn 60 loại, trong đó nhiều loại có trữ lượng lớn như bauxit, titan… Trữ lượng dầu khí ước đạt 4,3 tỷ tấn. Hiện ngành công nghiệp này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 400.000 lao động, đóng góp khoảng 11% GDP và 25% ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển, hiện ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn giữa luật pháp và thực tế. Chính vì thế, hiệu quả kinh tế của ngành này vẫn còn thấp, tỷ lệ thất thoát tài nguyên cao, gây lãng phí, thất thu ngân sách và để lại nhiều hậu quả về môi trường và xã hội. Cùng với đó, việc chia sẻ lợi ích cũng còn nhiều bất cập nên dân cư ở nhiều vùng mỏ còn nghèo đói. Nói về thực trạng ngành này, TS Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, cho biết tình trạng trốn thuế tài nguyên, buôn bán lậu trong ngành công nghiệp khai khoáng cũng diễn ra khá phổ biến. “Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu minh bạch trong cấp phép, quản lý khai thác khoáng sản”, TS Nguyễn Quang Vinh nhận định.

Một điều đáng lưu ý được ông Phạm Quang Tú nêu ra tại buổi đối thoại đó là tham nhũng có thể diễn ra trong bất kỳ giai đoạn nào của ngành khai khoáng, từ điều tra địa chất, cung cấp thông tin; thăm dò, công bố trữ lượng; cấp phép, khai thác và nộp ngân sách; sử dụng, xuất khẩu khoáng sản và chi tiêu ngân sách... Ông Phạm Quang Tú dẫn chứng kết quả khảo sát các hành vi ẩn chứa nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực khai thác khoáng sản của Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) năm 2011 cho thấy: chi phí doanh nghiệp phải trả cho tiếp cận thông tin là khá cao, trung bình doanh nghiệp phải bỏ ra 178 triệu đồng và tối đa là 5 tỷ đồng. Trong đó, 91% số cơ sở phải trả chi phí, 25% phải chi từ 100 triệu đồng trở lên. “Trong khi đó theo luật định, những thông tin này lẽ ra phải được công khai cho các cơ sở khai thác khoáng sản”- ông Phạm Quang Tú cho hay.

Lợi ích khi tham gia EITI

Tham gia buổi đối thoại này, bà Clare Short, Chủ tịch Ủy ban EITI quốc tế cho rằng, ngành công nghiệp khai khoáng được xem là cơ hội cho sự phát triển kinh tế - xã hội của bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, hoạt động khai khoáng, trên thực tế còn nhiều bất cập để lại không ít hoài nghi về sản lượng và giá trị thực. Chính vì thế, sự minh bạch là rất cần thiết để quản trị tốt ngành công nghiệp khai khoáng. Sự minh bạch sẽ làm rõ nguồn thu, đẩy mạnh tiến trình cải cách một số quy định liên quan đến việc quản trị tài nguyên. “Việt Nam muốn khắc phục những bất cập trên đòi hỏi phải có sự minh bạch, giải trình cao hơn và tốt hơn”- bà Clare Short nhấn mạnh. Bà Clare Short cũng cho biết, hiện có 41 quốc gia đã tham gia và 10 quốc gia khác đăng ký thành viên EITI. Ở khu vực Đông Nam Á có Indonesia, Myanmar, Philippines chuẩn bị gia nhập. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam tham gia vào EITI vì đây cũng là lợi ích của Việt Nam. Tính minh bạch và trách nhiệm giải trình là hai mục tiêu quan trọng của EITI. Qua đó sẽ giúp Việt Nam hỗ trợ phòng, chống tham nhũng, tăng lợi ích cho cộng đồng, cải thiện quản trị tài nguyên, thu ngân sách cho nhà nước”, bà Clare Short khuyến nghị.

Đa số các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia buổi đối thoại trên đều cho rằng, EITI là một sáng kiến quan trọng trong việc quản trị tốt nguồn tài nguyên thông qua việc yêu cầu các công ty khai khoáng phải minh bạch, công khai các khoản chi cho Chính phủ và ngược lại Chính phủ cũng phải công khai các khoản thu từ các công ty khai khoáng. Việc quản trị tài nguyên tốt sẽ đem lại nhiều lợi ích cho quốc gia như: tăng thu ngân sách Nhà nước, xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ cho sự phát triển. Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, để chống tham nhũng trong khai thác khoáng sản, cách tốt nhất hiện nay là tham gia vào sáng kiến EITI vì sáng kiến này sẽ làm minh bạch được những lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp, trong đó có một tổ chức đứng ở giữa làm cầu nối. Đại diện VCCI cũng cho biết, sắp tới, VCCI sẽ tiến hành làm việc với các cơ quan Chính phủ để đẩy mạnh sáng kiến này sớm được thực hiện tại Việt Nam.

Việt Nam bắt đầu tiếp cận với EITI vào năm 2009 thông qua việc tham dự hội nghị toàn cầu lần thứ 4 về EITI. Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công thương tiếp cận nghiên cứu và đánh giá khả năng tham gia EITI của Việt Nam. Hiện Bộ Công thương đang xây dựng báo cáo và lấy ý kiến các bộ, ngành về khả năng tham gia EITI của Việt Nam trước khi trình Chính phủ.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục