Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã có thẩm tra báo cáo của Chính phủ về GD-ĐT. Nhiều vấn đề “ì ạch” của ngành giáo dục trong đổi mới giáo dục đã được ủy ban này thẳng thắn chỉ ra. Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT là một chủ trương lớn, có tính cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng, cần được triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn, trước hết là từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là quan điểm của GS Phạm Thị Trân Châu (ảnh), Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục - Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
°Phóng viên: Thưa GS, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã nhận định rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cho đến nay, Chính phủ mới chỉ đạo hoàn thành được 8/18 đề án, nhiệm vụ theo nghị quyết. Nhiều đề án quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng triển khai thực hiện Nghị quyết 29 vẫn chưa được ban hành… GS đánh giá thế nào về quá trình đổi mới giáo dục hiện nay?
°GS Phạm Thị Trân Châu: Đổi mới giáo dục có nhiều vấn đề, nhưng hiện nay dường như chúng ta mới chỉ tập trung vào đổi mới thi cử. Theo tôi đó chưa phải là cái chính. Tôi đã nhiều lần phát biểu về vấn đề này. Tôi cho rằng, đổi mới thì phải đạt 3 mục tiêu: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tất cả quá trình đổi mới phải tập trung vào các mục tiêu này và hướng tới việc tiếp cận được nền khoa học hiện đại để hội nhập quốc tế thành công. Rất cần thiết đổi mới giáo dục, nhưng đổi mới đầu tiên phải có thí điểm. Thứ hai phải có lộ trình. Đổi mới giáo dục không thể nóng vội được, nền giáo dục phải có tính ổn định tương đối. Đổi mới nhưng phải bảo đảm tính ổn định tương đối. Tôi cho rằng, những người lãnh đạo ngành giáo dục họ đều biết hết, nhưng đôi khi do áp lực ở đâu đó mà việc triển khai lại cứ lúng túng. Vì thế, để đổi mới giáo dục thành công, người lãnh đạo phải rất vững vàng.
°Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tuy Chính phủ đã ban hành đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông nhưng mới chủ yếu tập trung quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên mà chưa có các giải pháp mạnh để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới. GS có cho rằng, cần phải coi công tác phát triển đội ngũ nhà giáo là giải pháp đột phá, từ đó có cơ chế, chính sách ưu tiên, thiết thực để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục?
°Tôi cũng đồng ý quan điểm cho rằng, để đổi mới giáo dục thành công thì giáo viên phải là vấn đề chính chứ không phải là các chuyện khác. Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu về điều này. Muốn đổi mới giáo dục thành công thì giáo viên phải chuẩn đã. Chứ chương trình, sách giáo khoa dù có hay đến mấy mà giáo viên kém thì họ cũng không thể tiếp thu được mà dạy cho học trò. Vì vậy, theo tôi, tiền để đổi mới giáo dục thì chưa phải là dồn cho việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa, mà phải tập trung cho việc đào tạo lại giáo viên để đội ngũ đạt chất lượng. Đó là yếu tố thứ nhất để đổi mới giáo dục. Sau mới đến các vấn đề khác, hoặc chúng ta có thể làm song song. Tôi xin nhắc lại quan điểm của tôi, nguồn lực cho đổi mới giáo dục phải tập trung đầu tiên cho vấn đề chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Khi giáo viên đã giỏi thì họ sẽ làm ngay được nội dung chương trình - sách giáo khoa mới, còn nếu không giỏi thì họ sẽ vẫn nói, vẫn làm theo kiểu cũ, chắc chắn hiệu quả đổi mới không cao.
°GS đánh giá thế nào về những bước đi đổi mới mà ngành giáo dục đang triển khai?
°Tôi có cảm tưởng ngành giáo dục vẫn đang đổi mới theo ý kiến của đa số. Không làm thế được đâu. Những thủ lĩnh ngành phải có bản lĩnh, nghe các phàn nàn về giáo dục thì đúng là rất sốt ruột, đồng ý là phải tiếp thu ý kiến nhưng phải có bản lĩnh. Thứ hai, tại sao cứ tập trung vào đổi mới thi cử làm gì. Thời của chúng tôi, học hành và thi cử có “nóng sốt” như bây giờ đâu, nhưng chúng tôi có kém ai đâu? Vì vậy, tôi vẫn luôn khẳng định quan điểm của mình là đổi mới giáo dục thì phải tập trung vào vấn đề giáo viên. Trong quá trình đó, giáo viên sẽ có rất nhiều sáng kiến đóng góp cho quá trình đổi mới giáo dục. Mặt khác, ngành giáo dục phải biết lắng nghe ý kiến của những người giỏi, đúc rút thực tiễn nhiều, bám chắc mục tiêu đổi mới và giữ bản lĩnh đổi mới thì tôi tin, đổi mới giáo dục sẽ thành công. Ví dụ, tôi không đồng ý với một số ý kiến cho rằng cần bỏ hệ thống trường chuyên, lớp chọn. Vì trong thực tế, những người học trường chuyên lớp chọn họ đều đa phần thành tài, dù không làm khoa học thì họ vẫn đạt kết quả cao trong công việc. Tư duy con người mới là quan trọng.
°Xin cảm ơn GS!
Với việc đổi mới nội dung, chương trình - sách giáo khoa, từ sau khi chương trình tổng thể được công bố vào tháng 7-2015, tiến độ thực hiện đề án rất chậm. Các điều kiện để đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chưa có nhiều chuyển biến. Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông chưa ban hành. Trong khi thời hạn dự kiến đưa vào áp dụng đại trà chương trình giáo dục mới đang đến gần (năm học 2018 - 2019) mà Chính phủ cũng chưa nêu rõ kế hoạch và giải pháp cụ thể trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ và chất lượng như yêu cầu của nghị quyết… (Nguồn: Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) |
LÂM NGUYÊN