Phải thay đổi cách làm giáo dục

Ngày 30-9, Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam - nhìn từ góc độ quản lý” thu hút đông đảo các học giả, các nhà khoa học.

(SGGP).- Ngày 30-9, Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam - nhìn từ góc độ quản lý” thu hút đông đảo các học giả, các nhà khoa học.

PGS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, đưa ra 3 vấn đề cơ bản ở góc độ quản lý giáo dục để đi đến quá trình đổi mới. Đó là: thương mại hóa giáo dục hay không thương mại hóa giáo dục (thừa nhận có hay không phạm trù “thị trường giáo dục”); “dạy học lấy người học làm trung tâm” hay “dạy học lấy người thầy làm trung tâm”; giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ sống “hiếu trung - tình nghĩa” để giúp thế hệ này hình thành nên giá trị cội nguồn trước sự tác động của nhiều giá trị khác do đời sống toàn cầu tác động.

GS Nguyễn Minh Đường (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) cho rằng, trong bối cảnh mới ngày nay, tư duy về giáo dục phải khác trước, trong đó cái căn bản nhất, định hướng nhất cho mọi hoạt động giáo dục là triết lý giáo dục, nói dễ hiểu là “cách làm” giáo dục phải khác. Ông đưa ra 6 vấn đề cốt lõi làm định hướng cho mọi hoạt động của giáo dục: ai dạy - ai học, dạy cái gì, học để làm gì, dạy thế nào - học thế nào, dạy và học lúc nào, dạy và học ở đâu. “Song song giải quyết vấn đề triết lý giáo dục, phải đổi mới bản thân hệ thống giáo dục quốc dân” - GS Nguyễn Minh Đường nhấn mạnh.

Cụ thể hơn, ông Lương Ngọc Bình, Phó trưởng Khoa cơ bản, Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng cần quan tâm hơn tới giáo dục mầm non và tiểu học, bởi đây là cấp học tác động rất lớn đến sự hình thành nhân cách của thanh thiếu niên, trong khi 2 cấp học này đang tồn tại quá nhiều vấn đề về cơ sở vật chất, nội dung chương trình học, chất lượng đội ngũ giáo viên…

P.Thảo

Tin cùng chuyên mục