Phải xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá cán bộ

Phải xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá cán bộ

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X (2015-2020) đã nêu toàn diện các mặt; trong phạm vi bài này, tôi xin nêu mấy ý nhỏ thuộc lĩnh vực công tác cán bộ.

Theo tôi, dự thảo cần bổ sung thêm một số nội dung trong phương hướng, nhiệm vụ sắp tới về công tác cán bộ. Trong đó, việc cấp bách trước mắt là phải xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá cán bộ một cách khoa học và đề ra cơ chế, chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, nhất là người đứng đầu bảo đảm minh bạch, công khai; tạo điều kiện cho những người có năng lực, phẩm chất đều có cơ hội được thăng tiến, cống hiến và trưởng thành. Bổ sung yêu cầu cụ thể: Đánh giá và bổ nhiệm cán bộ bên cạnh căn cứ tiêu chuẩn cán bộ, cần chú ý lấy hiệu quả công tác thực tế, sự tín nhiệm của cấp dưới, của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Xây dựng đội ngũ cán bộ sát việc, sát dân, đề cao trách nhiệm cá nhân, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục tư tưởng ỷ lại, thụ động; khi giải quyết công việc cho dân phải đặt mình vào vị trí của dân mà thực hiện. Bên cạnh đó, phải bổ sung giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong công tác kiểm tra, thanh tra, sàng lọc cán bộ. Điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có nhiều dư luận, có dấu hiệu tham nhũng, uy tín giảm sút. Kiên quyết loại khỏi đội ngũ lãnh đạo những cán bộ thoái hóa, biến chất, làm việc gì cũng chỉ thu vén lợi ích cá nhân. Một biện pháp không kém phần quan trọng nữa cần bổ sung là nâng cao trách nhiệm pháp lý đối với người đứng đầu trong công tác cán bộ. Đó là cần có cơ chế, hình thức kỷ luật thích đáng đối với những cán bộ lãnh đạo khi lựa chọn, đánh giá, xem xét, giới thiệu, bố trí cán bộ không đúng thẩm quyền, hoặc bổ nhiệm cán bộ không tương xứng với vị trí công việc, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm khuyết điểm đến mức phải xử lý.

Giải quyết hồ sơ cho người dân tại UBND quận 1. Ảnh: CAO THĂNG

Trong những năm qua, điểm nổi bật là việc đào tạo, bổ nhiệm nhiều cán bộ trẻ ở các cấp, các ngành, điều đó thể hiện sự quan tâm, mạnh dạn, tin tưởng của Thành ủy TPHCM đối với đội ngũ cán bộ trẻ. Từ đó, tạo được nguồn cán bộ trong thời gian tới, tránh bị hụt hẫng. Nhưng mặt khác, vừa qua cũng có ở một số nơi, có thể do chưa chủ động chuẩn bị nhân sự từ trước nên có tình trạng điều động, bố trí nhân sự cận kề với đại hội, thiếu thời gian am hiểu trong nhiệm vụ mới. Việc này cần rút kinh nghiệm để ngay từ đầu nhiệm kỳ mới tiến hành quy hoạch, đào tạo, bố trí đội ngũ kế cận, để không phải “đốt đuốc tìm cán bộ” khi đến đại hội.

Ai cũng biết, công tác cán bộ là một khâu rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, quyết định sự thành bại của công việc. Ở đây, tôi nêu hai vấn đề mà tôi quan tâm. Trước hết là trách nhiệm lựa chọn, bố trí đúng người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị. Người đó phải có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ mà mình lãnh trọng trách. Không những am hiểu chuyên môn nhiệm vụ được giao mà còn phải có kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý nhất định. Quan trọng hơn là phẩm chất người đứng đầu, ngoài việc không tham ô, nhũng nhiễu mà còn phải kiên quyết chống tham ô, nhũng nhiễu; phải có tâm trong sáng, chí công vô tư, có lòng thương người, thương yêu đồng chí đồng đội, không vô cảm trước những nỗi khổ, khó, bức xúc của Nhân dân. Điều quan trọng là sau khi bố trí phải theo dõi việc làm của đồng chí đó, qua thực tiễn công việc để kiểm chứng lại việc đánh giá ban đầu. Nếu không đảm bảo được theo yêu cầu thì phải mạnh dạn thay thế.

Một vấn đề nữa là lựa chọn, bố trí cán bộ, nhân viên làm việc ở những bộ phận thường xuyên tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính với Nhân dân. Những người này phải am hiểu chuyên môn nghiệp vụ để khi có việc, phải giải quyết nhanh và đúng. Nếu có những việc chưa giải quyết ngay được phải hẹn, thì phải giữ đúng hẹn; nếu vì lý do khách quan nào đó mà lỗi hẹn thì phải xin lỗi (thậm chí phải bồi thường). Những người làm nhiệm vụ này phải được đào tạo, giáo dục kỹ, phải thấy rằng mình làm việc này là phục vụ Nhân dân. Khi bố trí, phải thường xuyên kiểm tra nhắc nhở; nếu chưa tốt, nếu không sửa phải thay đổi.

Tôi nhớ, có lần đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, có nói đại ý: Cán bộ phải dành phần khó về mình. Tôi nghĩ, cán bộ phải được giáo dục có ý thức và hành động như vậy. Có như vậy, lòng tin của người dân với bộ máy chính quyền mới được củng cố vững chắc.

TRẦN VĂN ĐÔNG
Nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM

(HỒNG HIỆP ghi)

Tin cùng chuyên mục